27/07/2013 12:38 GMT+7

Siêu anh hùng giỏi kiếm tiền

HOÀNG KHÁNH
HOÀNG KHÁNH

TT - Pacific Rim (Siêu đại chiến) trong mùa hè này đang từng bước leo thang trên bảng xếp hạng doanh thu ở các nước, hứa hẹn sau đó là cuộc “đổ bộ” của hàng loạt sản phẩm ăn theo.

mgQOlucc.jpgPhóng to
Bộ đĩa Siêu nhân với hai mô hình nhân vật trong phim được chào bán trên Amazon.com - Ảnh: Amazon

Một lần nữa, Hollywood lại áp dụng chiêu bài quen thuộc để moi tiền khán giả.

Năm nào Hollywood cũng tung ra vài ba phim bom tấn với chủ đề siêu anh hùng hoặc robot chiến đấu ngoan cường. Dù nội dung phim không hề mới (mẫu số chung là nhân vật anh hùng phải quyết đấu sinh tử với kẻ thù để cứu thế giới) nhưng các phim bom tấn kiểu này đều là những bộ phim ăn khách nhất, đứng đầu các bảng xếp hạng doanh thu. Năm 2011, Transformer 3: Dark of the Moon (Robot đại chiến: Bóng tối của mặt trăng) làm mưa làm gió khắp các rạp chiếu. Năm sau, bạn yêu điện ảnh ùn ùn kéo nhau đi coi The avengers (Biệt đội siêu anh hùng) và sau đó là The amazing spiderman (Người nhện). Còn năm 2013 là sự “tấn công” của cả anh hùng và robot: Iron man 3 (Người sắt 3), Man of steel (Người đàn ông thép) và Pacific Rim. Không phải ngẫu nhiên các phim này được làm thành từng phần khác nhau, lần lượt và thay phiên nhau ra mắt. Ngoài việc đây là sự cạnh tranh giữa các hãng phim thì cũng có thể coi đó là một kế hoạch được các nhà làm phim định sẵn một cách chu đáo và kịp thời để làm hài lòng khán giả.

Vì sao các làm nhà phim lại chăm chỉ làm phim “bom tấn” dù luôn bị chỉ trích đến vậy? Doanh thu “khủng” từ rạp chiếu, dĩ nhiên. Nhưng bên cạnh đó là nguồn lợi khổng lồ từ các sản phẩm ăn theo, mà theo thống kê thì lợi nhuận từ các sản phẩm này đôi khi còn gấp nhiều lần so với lợi nhuận từ phim. Theo một nghiên cứu năm 2012 từ các số liệu do tạp chí Forbes và Hãng phim Lucasfilms đưa ra, chỉ riêng doanh thu từ đồ chơi thì loạt phim Star wars đã thu được khoảng 12 tỉ USD, gấp gần ba lần so với doanh thu từ phim là 4,3 tỉ USD!

Ngay khi một siêu anh hùng hoặc robot xuất hiện trên màn bạc, hàng loạt sản phẩm mang hình ảnh của phim đã tràn ngập thị trường, từ thời trang (quần áo, giày dép, balô, đồ dùng học tập...) đến đồ chơi (mô hình, tượng, robot...) và trò chơi điện tử - video game. Các sản phẩm ăn theo phim này rất đa dạng từ chất liệu, tính năng đến giá cả nhằm đáp ứng mọi yêu cầu và khả năng của người mua. Ví dụ, trên Amazon, một mô hình người sắt Iron Man có loại chỉ 4 USD, nhưng cũng có loại lên đến hơn 400 USD.

Các nhà sản xuất còn rất khôn khéo khi đưa ra những trò chiêu dụ khách hàng như cho họ tự thiết kế robot của phim Robot đại chiến hoặc trang phục của Người nhện theo ý thích. Không chỉ có trẻ em, thiếu niên mà ngay đến cả người lớn cũng chi hàng trăm USD để có trong tay một cái áo hay những đồ chơi liên quan đến siêu anh hùng hay robot mình yêu thích nhằm bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Ðã đến lúc có thể coi mục tiêu của các nhà làm phim không chỉ đơn thuần là thu hút khách ra rạp và bán vé mà còn để bán sản phẩm. Vậy nên dù bị giới phê bình xem đây là những phim thị trường rẻ tiền với nội dung cũ mèm, được làm ra chủ yếu để mãn nhãn và thỏa lòng khán giả, nhưng các nhà làm phim Hollywood vẫn cười khẩy vì họ đủ thông minh và tài năng để biến những câu chuyện siêu anh hùng này tiếp tục là những “siêu cỗ máy kiếm tiền”.

HOÀNG KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên