Dân phố cổ Đồng Văn đòi trả lại di tích quốc gia
Phóng to |
Phố cổ Đồng Văn còn giữ được khoảng 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Trong đó, hiện có 18 nhà xuống cấp nghiêm trọng cần phải sửa chữa ngay - theo ông Sùng Đại Hùng, bí thư Huyện ủy Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: H.Hương |
Dân Đồng Văn bảo họp nhiều lần rồi mà Nhà nước vẫn chẳng hỗ trợ, nhà thì cứ hỏng nhiều thêm. Lãnh đạo huyện Đồng Văn cũng thừa nhận: họp để hứa chứ làm gì có kinh phí mà sửa nhà cho dân. Đến cả giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang về Đồng Văn cũng chẳng dám đến gặp dân vì lần nào họ cũng hỏi.
“Phải sửa mà sống, chứ đợi Nhà nước thì...”
"Giờ muốn bảo tồn thì Nhà nước phải vào cuộc, chứ mình người dân sao làm được" Người dân phố cổ Đồng Văn |
“Vinh dự nhưng chán lắm!” - bà Hoàng Thị Tân (phố cổ Đồng Văn) than thở như vậy khi nhìn ngôi nhà hơn trăm tuổi đang ngày càng xập xệ. Ngôi nhà còn nhiều tuổi hơn bà, bức tường phía sau phải dùng cột chống, tầng hai liểng xiểng xô chậu hứng nước mưa. Đưa khách lên tầng hai, tay cầm đèn pin, bà cứ luôn miệng nhắc “cẩn thận kẻo trượt chân nhé!”. Cũng bởi lý do mấy năm nay bà và con cháu giẫm vào thanh gỗ mục, trượt ngã mấy lần. “Mùa hè sợ nhất là mưa xuống sàn lênh láng nước, mái sập xuống, ngói rơi trúng đầu” - bà Tân nói.
Phía sau nhà, bức tường đất ngấm mưa nắng nhiều đã bở dần, nứt nẻ và nghiêng lún. Những cái cột chống cứ tăng dần lên theo từng năm. Trên mái ngôi nhà được coi là cổ nhất của khu phố cổ Đồng Văn đã len vài ba tấm ximăng lạc lõng giữa mái ngói âm dương rêu phong. Trận mưa đá lớn đầu năm làm hỏng mái ngói. Vợ chồng người con trai vay mượn ngân hàng được 50 triệu đồng để sửa nhà. Nhưng nan giải nhất là tìm mỏi mắt khắp Hà Giang cũng chẳng có xưởng sản xuất ngói để mua. Viên nào lành thì tận dụng, mua lại ngói cũ nhà người ta, không đủ thì đành trám tấm ximăng vào. “Cán bộ ở Hà Nội lên bảo: ngói thế này không phải là nhà cổ đâu! Nhưng biết làm thế nào được. Dột thì mình phải sửa mà sống, chứ đợi Nhà nước thì...” - bà Tân kể.
Gần đó, ngôi nhà cổ năm gian rộng lớn của bà Nguyễn Thị Sóng còn dột nát hơn cả nhà bà Tân. Lớp gỗ lát sàn thanh còn thanh mục, phần mái dột nát tứ tung phải lót tấm bạt nilông cũ nát. Thêm vài người bước lên, ngôi nhà cứ rung bần bật như chực đổ. “Ồ, nhà hỏng hết rồi. Muốn sửa lại mà không có tiền” - bà cho biết. Người con trai đã che chắn tạm để chống mưa dột có vẻ bức xúc: “Chả có di tích thì thôi, chứ từ hồi có di tích chả được gì cả. Giờ chúng tôi chỉ muốn đập đi xây mới, không cho cũng kệ!”.
Nhà cổ không thể sửa, không thể phá đi xây mới, thậm chí cả nhà vệ sinh cũng không được xây. Chủ một nhà hàng ở phố cổ than thở: “Khách vào hỏi nhà vệ sinh đâu chỉ biết chỉ vào cái chòi ở cuối vườn. Nhà tôi đã mấy lần làm đơn xin huyện xây nhà vệ sinh nhưng không được đồng ý. Họ muốn giữ lại hệ thống chuồng trại nuôi dê làm di tích, nhưng chẳng lẽ nhà vệ sinh cho khách cũng không được xây?”.
Đợi tiền tỉ đến bao giờ?
Từ lãnh đạo tỉnh Hà Giang đến huyện Đồng Văn đều nhắc đến con số hàng chục tỉ đồng để trùng tu những ngôi nhà trong phố cổ này. Dù vậy, tiền tỉ chỉ là chuyện lãnh đạo nói, còn người dân vẫn sống phấp phỏng trong những ngôi nhà hư hỏng. Bà Tân - chủ nhân ngôi nhà cổ nhất - gọi đây là khu vườn không nhà trống, ngoài cái vỏ cũ kỹ thì chẳng còn gì nữa. Từ già đến trẻ đều sợ mưa mòn đá lở, chẳng ai muốn giữ nhà cổ nữa, chỉ muốn xây một ngôi nhà gạch ở cho yên tâm.
Tường nhà bị bục do mưa lớn, dù huyện không đồng ý, ông Hoàng Thế Đường vẫn quyết xây nhà gạch mới. “Nhà gạch mới có nhà vệ sinh sạch sẽ trong nhà cho người già, không sợ mưa to mái dột hay tường đất bỗng dưng bị bục” - ông Đường nói. Hiện tại, hai ngôi nhà cổ được xây năm 1905 và 1947 nằm bên ngôi nhà gạch mới tinh hoàn thành năm 2011. “Huyện bảo ông mà phá thì dân cũng phá theo, quay đi quay lại mất phố cổ. Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang cũng đến nhà tôi ba lần. Tôi không chờ được nữa nên phải xây thôi. Cũng may nhà tôi còn có đất để vừa giữ lại nhà cổ, vừa xây nhà mới. Những nhà khác muốn xây thì phải phá nhà cũ đi. Giờ muốn bảo tồn thì Nhà nước phải vào cuộc, chứ mình người dân sao làm được”.
Quán cà phê Phố Cổ nằm đối diện chợ Đồng Văn cũ cũng nằm trong phạm vi không được xâm phạm. Ngôi nhà cổ lớn nhất phố cổ Đồng Văn này được đấu giá cho tư nhân kinh doanh. Theo một nhân viên ở đây, phải mất hơn ba năm quán cà phê này mới xây xong ba nhà vệ sinh để phục vụ khách. “Xây lâu vì cứ xây thì huyện đến đình chỉ. Cuối cùng chỉ xây vào buổi tối, quây bạt lại, chả ai biết đấy là đâu. Cuối cùng cũng xây xong, huyện cũng chẳng nói gì được” - người này cho biết.
Trong khi đó, từ huyện đến tỉnh đều bối rối với phương án bảo tồn phố cổ Đồng Văn. Còn người dân chỉ biết đợi chờ và chống chọi với ngôi nhà xuống cấp. Từ năm 2011, Hà Giang đã đề xuất dành gần 1 tỉ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để bảo tồn phố cổ. Tuy vậy, hai năm đã trôi qua, vẫn không biết số tiền này “tắc” ở cấp nào. Một dự án lớn hơn 50 tỉ đồng để trùng tu toàn bộ phố cổ Đồng Văn cũng đã được đề xuất. Trong khi đợi dự án được phê duyệt thì người dân phố cổ Đồng Văn vẫn chỉ có cách duy nhất là dùng bạt căng lên trần nhà và huy động xô chậu hứng nước mưa dột. Không ai biết là sẽ phải hứng dột đợi dự án đến bao giờ!
Phóng to |
Ngôi nhà cổ nhất ở Đồng Văn của bà Hoàng Thị Tân phải hứng dột quanh năm - Ảnh: H.H. |
Nhà trình tường: chi phí sửa chữa quá cao
Người dân phố cổ không muốn giữ lại nhà trình tường (nhà có tường rất dày làm bằng đất nén chặt) chỉ vì lý do đơn giản: tiền sửa chữa quá cao, cao hơn cả tiền xây một ngôi nhà gạch bình thường. Theo ông Nguyễn Trung Ngọc - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, chi phí xây một ngôi nhà gạch cao gấp 1,8-2 lần ở TP Hà Giang.
Đối với nhà trình tường, tiền nhân công, tiền mua gỗ, mua ngói còn cao hơn nhiều. Ngói phải mua từ Trung Quốc, gỗ phải đi xa đến giáp Lào mới mua được. Còn trình tường phải thuê người Mông về làm, chưa kể không phải loại đất nào cũng có thể làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận