Thi báo tin sớm cho tôi và anh Hoài Nguyên vì hầu như lần nào có dịp đi dọc đất nước, Thái Vũ cũng ghé Huế, kéo tôi đến nhà Hoài Nguyên (đồng đội cũ của Thái Vũ từ nửa thế kỷ trước tại chiến trường Khu 5) tâm sự. Nói đúng ra thì tôi đến để “nghe lóm” hai cựu chiến binh trầm ngâm nhắc lại chuyện “kháng chiến chín năm” sôi nổi.
Vài năm gần đây sức khỏe sút kém, không ra Huế được, Thái Vũ đã mấy lần gửi ra cho tôi những lá thư dày cộp, chi chít chữ, chủ yếu vẫn là những kỷ niệm thời trai trẻ “oai hùng” ấy. Tôi nhắc lại chi tiết “ngoài văn chương” này để thấy từ Bùi Quang Đoài cho đến Thái Vũ vẫn luôn luôn là một con người chung thủy với cách mạng - kể cả khi anh không may bị một “tai nạn văn chương”. Hơn thế, có thể nói anh thấm đượm chất cách mạng “từ trong trứng”! Khi anh chưa ra đời thì ông cụ thân sinh đã nếm mùi ngục tù đế quốc tại khám lớn Sài Gòn. Cụ quê ở “Xứ Ròn - Di Luân” Quảng Bình, vào dạy học ở Thủ Dầu Một, tham gia vụ để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị bắt. Năm 1940, cụ lại bị giam ở nhà lao Vinh... Thân mẫu của anh quê làng An Truyền (Thừa Thiên - Huế), lại là cháu Đoàn Trưng - Đoàn Trực - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Chày Vôi. Vậy nên như là lẽ đương nhiên, sau Cách mạng tháng 8-1945, chàng học sinh Quốc Học Huế trở thành lính trung đoàn Trần Cao Vân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến và từ năm 1948-1950 là giáo viên Trường trung học bình dân quân sự Liên khu 5...
Có thể nói, với một xuất thân như thế, Thái Vũ trở thành nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng quả là sự sắp đặt của tạo hóa. Từ tiểu thuyết đầu tay Cờ nghĩa Ba Đình, rồi Biến động, Huế 1885, và Những ngày Cần vương... đến cuối đời, Thái Vũ đã công bố gần 20 tiểu thuyết lịch sử, với nhiều ngàn trang.
Gần đây, chuyện viết tiểu thuyết lịch sử với những quan niệm khác nhau là đề tài một hội thảo được nhiều giới quan tâm. Thái Vũ thì từ nhiều năm trước đã “tuyên ngôn”: “Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tùy tiện”. Nhưng đã là tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử, làm sao tránh được hư cấu. Từ nhân vật hư cấu là cô Thắm bị thằng đội Tây bắn đến 12 phát ở bến đò Cầu Cừ (trong tiểu thuyết Cờ nghĩa Ba Đình) đến việc địa danh đó mang tên “bến đò Thắm” là hạnh phúc hiếm có của người viết tiểu thuyết lịch sử, vì đã tạo nên được một “bóng hồng” bất tử trong lòng bạn đọc!
Sự nghiệp văn chương của Thái Vũ còn có nhiều bài thơ tình lãng mạn, được viết ngay trong lửa đạn kháng chiến, là những kỷ niệm với những “bóng hồng” không thể quên trong đời mình. Trong bài Vọng nàng thơ viết năm 1947 trên đường 19 (An Khê) có đoạn: ... Ta chỉ là trai thời chinh chiến/ Ra đi không hẹn một ngày về/ Bên suối đêm nay lòng xao xuyến/ Nhớ Em... ly biệt không lời thề...
Quả là một thời “oai hùng”, nên nếu như hôm nay... trời cho Thái Vũ “bay” ra Huế thì hẳn là ông lại ngâm nga: “Ra đi không hẹn một ngày về...”. Với “bóng hồng” thời trai trẻ là thế, nhưng tôi tin là ông sẽ “về” thăm lại nhiều vùng đất nước mà ông đã vẽ nên trong hàng chục cuốn sách với vẻ đẹp bi hùng của những trang sử dân tộc...
Nhà văn Thái Vũ tên thật là Bùi Quang Đoài, sinh ngày 31-12-1928, quê Quảng Tùng (Quảng Trạch, Quảng Bình), hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần hồi 10g50 ngày 3-7 tại nhà riêng (TP.HCM), hưởng thọ 86 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 4-7 tại 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. An táng tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương (Bình Dương) lúc 12g ngày 5-7. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận