30/06/2013 12:12 GMT+7

Người chiếu phim miễn phí

Đạo diễn TƯỜNG PHƯƠNG
Đạo diễn TƯỜNG PHƯƠNG

TT - Với thông điệp “Mỗi thước phim là để cảm hóa và thay đổi cách sống của người xem”, gần bốn năm qua, đạo diễn Việt Đặng đã mang dự án Zero+ Cinema (chiếu phim miễn phí) đến nhiều tỉnh thành.

WlhN02BT.jpgPhóng to
Trẻ em ở Đắk Nông xem phim của dự án Zero+ Cinema - Ảnh: nhân vật cung cấp
C0R1YuZV.jpgPhóng to
Đạo diễn Việt Đặng - Ảnh: YẾN TRINH

Trẻ em, người đang cai nghiện, người từng lầm lỗi là đối tượng chủ yếu của dự án này. Với sự trân trọng từng số phận, dự án Zero+ Cinema còn tạo sự khác biệt bằng cách chia sẻ cuộc sống của những con người trong các đối tượng trên, giúp họ viết kịch bản về đời mình rồi dựng thành phim.

Những bộ phim thay đổi con người

"Vốn sống và sự từng trải của Việt Đặng rất có ích cho các học viên ở trung tâm cai nghiện, cộng thêm niềm vui được chia sẻ giúp họ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Tôi ủng hộ dự án Zero+ Cinema ấy của anh"

Suốt nhiều năm sống chết với phim ảnh, Việt Đặng luôn tự hỏi: Mình làm phim, chiếu phim để làm gì, nếu không phải là truyền cảm hứng cho người xem, gợi mở ở họ những giá trị nhân bản? Và nếu vậy thì tại sao ta không mang phim đến cho thật nhiều người không có điều kiện xem phim? Nghĩ rộng hơn, ở những nơi heo hút, làm gì có màn ảnh rộng cho trẻ em xem phim; hay trong các trung tâm cai nghiện cửa đóng then cài, có ai nghĩ đến việc chiếu một bộ phim hay?

Theo anh, những người bình thường xem được phim đã là quý, còn những đối tượng xã hội có vấn đề như người cai nghiện, người phạm pháp chắc chắn sẽ bớt cô đơn mặc cảm khi thấy hình bóng mình phảng phất qua những nhân vật trong phim. Chính vì vậy, tháng 4-2009, dự án Zero+ Cinema đã ra đời do Việt Đặng làm chủ nhiệm. Nhưng để chiếu được phim cho những đối tượng đặc biệt thì cần nguồn phim, tiền bạc để di chuyển, cần công văn giấy tờ để đến các trường học, các trung tâm cai nghiện, và cần những người bạn chia ngọt sẻ bùi...

Để vượt qua những khó khăn đó, Việt Đặng đem kế hoạch thực hiện dự án phổ biến cho mọi người trong Hãng phim Sơn An - nơi anh làm giám đốc ý tưởng - đóng góp ý kiến. Khi hãng phim đồng ý tài trợ dự án, anh như trút được gánh nặng và bắt tay vào thực hiện suất chiếu đầu tiên. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi và thế là anh theo đuổi dự án đến bây giờ.

Nguồn phim được lấy từ Trung tâm Lưu trữ nghệ thuật và điện ảnh tại TP.HCM, do chính Việt Đặng lựa chọn và tham khảo ý kiến các nhà làm phim uy tín. Đó là những bộ phim hay như: Những đứa trẻ thiên đường (Iran), Xe đạp Bắc Kinh (Trung Quốc), Cảng Havre (Phần Lan), cùng những phim Việt Nam như Dòng chảy thời gian, Mùa len trâu, Tội lỗi cuối cùng... Anh cho biết: “Tiêu chí chọn phim của tôi không phải là phim bom tấn hay nổi tiếng, mà tôi chọn dựa trên tính nhân văn. Phim nào lay động tâm hồn, giúp người ta sống vui sống đẹp thì tôi chọn”.

Kịch bản từ trại cai nghiện

Việt Đặng năm nay 44 tuổi, 16 năm học đạo diễn ở các trường chính quy, có vai diễn được đánh giá cao trong phim Đứa con kẻ tử thù, hiện là giảng viên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, giám đốc ý tưởng của Hãng phim Sơn An (TP.HCM)...

Những học viên đang cai nghiện của các trường giáo dục đào tạo - giải quyết việc làm (trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) ở một số tỉnh thành đã kể lại đời mình, gửi gắm những ước mơ vào bản thảo kịch bản cho Hãng phim Sơn An. Việt Đặng nhớ lại: “Lúc đầu chúng tôi tiếp xúc với học viên rất khó vì họ khép mình trong mặc cảm. Cho đến khi cảm xúc của họ nương theo những tình tiết phim đang chiếu thì họ trở nên gần gũi và coi chúng tôi như những người tâm giao”. Xem xong phim, Việt Đặng nói về kế hoạch kịch bản rồi hướng dẫn học viên những điều cốt lõi nhất của việc viết kịch bản. Họ hưởng ứng. Từ những câu chuyện kể lại, anh chọn ra 25 câu chuyện đan xen những tình huống có thật của học viên rồi tập hợp trong kịch bản phim Nụ hôn của kẻ đào tẩu dự định bấm máy trung tuần tháng 7-2013. Đầu tháng 7, anh cùng đồng nghiệp tiếp tục lên Đắk Nông chiếu phim và tuyển diễn viên từ học viên của trung tâm. “Lần trước, nghe tôi nói sẽ tuyển người, nhiều học viên bày tỏ mong muốn thử sức. Đãi cát tìm vàng nhưng tôi nghĩ khi họ diễn lại chính cuộc đời họ, đó sẽ là vai diễn chân thật nhất” - Việt Đặng hi vọng.

Làm nồng ấm đôi mắt trẻ thơ

Trên trang web zeroplus.vn, sau khi xem bộ phim Những đứa trẻ thiên đường (Iran) về tình anh em, em Trần Thùy Linh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1), đã viết: “Nếu được gặp Ali, con sẽ tặng bạn ấy và em gái hai đôi giày để hai anh em Ali có giày đến trường. Con thấy xung quanh con có nhiều bạn khổ nhưng tính tình rất tốt. Còn con có ba mẹ che chở, nuôi dưỡng, đưa đón đi học hằng ngày, may mắn hơn các bạn. Vì vậy con muốn giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn như Ali trong phim”.

Đối với trẻ thơ, không chỉ dừng lại ở việc xem và phân tích phim, đạo diễn Việt Đặng còn gợi mở cho các em cách giúp đỡ những bạn nhỏ cơ khổ hơn mình ở vùng sâu vùng xa. Từ sự cảm thương khi nghe “chú Việt Đặng” kể hoàn cảnh các bạn, các em đã góp quần áo cũ, bánh kẹo, đồ dùng học tập... Tình nguyện viên của dự án sẽ đến nhận những món quà vô giá ấy, để khi đi chiếu phim cho trẻ em nghèo vùng xa thì mang theo trao tặng... Và Việt Đặng hi vọng những điều nhỏ bé ấy sẽ phần nào xóa nhòa khoảng cách giữa trẻ thị thành với thôn quê.

Ở lứa tuổi tiểu học, so với những hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, tham quan... thì việc được xem và trao đổi trực tiếp về phim ảnh là hoạt động khá mới mẻ với các em. Bởi lẽ hằng ngày, mặc dù các em xem nhiều chương trình tivi, song việc xem phim nhân văn đúng lứa tuổi còn khá hiếm hoi. Đây là lý do dự án Zero+ Cimema đã phối hợp với các trường tiểu học ở TP.HCM và những nơi xa xôi như Đắk Nông, Kiên Giang, Vĩnh Phúc... chiếu phim cho các em trong thời gian qua. Trong tương lai, “rạp chiếu phim” miễn phí của Zero+ Cinema sẽ mở ra một thế giới mới mẻ khi lần đầu tiên trẻ em được hiểu biết nhiều hơn về phim, giống như các học viên cai nghiện lần đầu tiên được trân trọng cảm xúc.

Dự án Zero+ Cinema của Việt Đặng một phần đem chiếu ở các tỉnh xa, một phần chiếu định kỳ lúc 18g30 thứ tư hằng tuần tại phim trường 91A Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh. Để khán giả mọi tầng lớp có thể đến xem, anh hướng dẫn mọi người đăng ký tên và số lượng người đi xem trên trang zeroplus.vn. Với mỗi đợt chiếu 50-60 khán giả, sau 90 phút, bộ phim kết thúc sẽ là cảnh tượng hiếm hoi: những người am hiểu phim ảnh như TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, NSND Đào Bá Sơn, nhà biên kịch Nguyên Hương... được mời đến trò chuyện trực tiếp với khán giả. Ai cũng có quyền thắc mắc về bộ phim mình vừa xem. Nó chứng tỏ sự lan tỏa của thông điệp phim đến người xem và những điều tốt đẹp trong phim sẽ ở lại trong tâm trí họ sau khi ra về.

Đạo diễn TƯỜNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên