Phóng to |
Hải Châu (sinh năm 1993) rớm nước mắt khi quyết định “con không thương lượng” - Ảnh: Võ Huy |
Cả khán phòng nhà thi đấu Maximark Cộng Hòa (TP.HCM) như vỡ òa với tiếng vỗ tay, tiếng hò reo sung sướng trước quyết định chơi đến cùng của Hải Châu, mặc dù cả ba lẫn mẹ Châu (cũng có mặt tại trường quay) đã ra sức can ngăn Châu không nên tiếp tục cuộc chơi với lý do “nhiệm vụ của con là học”. Phần thi của Hải Châu là phần thi đầu tiên sau bốn tập đã phát sóng của chương trình Tôi là người chiến thắng - The winner is... (phát sóng lúc 21g10 thứ bảy hằng tuần trên HTV7) mang đến nhiều cảm xúc và hứng khởi không chỉ cho người xem mà còn cả những người trong cuộc. Trên sân khấu, nước mắt Hải Châu lăn dài trên má. Dưới khán trường, không ít khán giả lẫn giám khảo mắt cũng cay cay...
Trước khi “làm nghệ sĩ”
Niềm đam mê ca hát và cả tài năng của cô gái trẻ đã làm nhiều người cảm động. Nhưng ba mẹ Hải Châu không phải là trường hợp cá biệt, e sợ con trẻ vội vã lao vào ánh đèn đầy mê hoặc của sân khấu.
Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên Hương Tràm từng thổ lộ cô đã phải thuyết phục rất nhiều, nỗ lực rất nhiều mới có được cái “gật đầu” của ba mẹ. Hương Tràm có giọng hát đẹp, đã qua đào tạo thanh nhạc bài bản và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, vậy mà ba mẹ cô vẫn chưa sẵn lòng trước quyết định “nối nghiệp gia đình” của Tràm. Bây giờ, ngay cả khi đã chính thức vào TP.HCM lập nghiệp, Hương Tràm vẫn còn phải “tiếp tục chứng minh năng lực và tạo lòng tin nơi ba mẹ bằng những hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc”.
Văn Mai Hương - á quân Thần tượng âm nhạc VN - từng hứa với ba mẹ dù bận “chạy sô” đến mấy cũng sẽ hoàn thành tấm bằng đại học ở nhạc viện. Và Hương, dẫu đang nỗ lực từng ngày để trở thành một ca sĩ được yêu thích, vẫn là một cô sinh viên luôn đạt loại giỏi của nhạc viện suốt hai năm qua.
Thực tế đã chứng minh những nghệ sĩ chịu khó học tập, rèn luyện mình trước khi “ra chiến trường” luôn trụ lại vững vàng, có nhiều tiến bộ và sáng tạo trong nghề nghiệp, được yêu mến lâu dài dù có thể họ không phải là những “ngôi sao hạng A” với vô số điều tiếng bao vây.
Không phải tự nhiên mà nhiều bậc phụ huynh bắt ép con mình phải hoàn thành một chương trình đại học hay bằng cấp nhất định nào đó mới được phép “làm nghệ sĩ”. Đặc biệt trong hoàn cảnh như hiện nay, khi các sân chơi ca hát trên truyền hình nở rộ, cho phép những giọng ca nghiệp dư nhiều cơ hội thể hiện mình với những thành công chóng vánh, với những ảo tưởng có thể thành danh một sớm một chiều thì nỗi lo của nhiều phụ huynh là có thật. Hơn ai hết, những bậc cha mẹ hiểu rằng với một nghề nghiệp, niềm đam mê lớn, tài năng đôi khi vẫn chưa đủ. Sự hiểu biết và bản lĩnh sẽ giúp một người sống được với nghề nghiệp của mình một cách nhẹ nhàng, vui vẻ và dài lâu hơn cùng sự tôn trọng của những người xung quanh.
Chưa vội “phất cờ”
Ca sĩ Thái Thanh Hiệp - cán bộ Phòng công chứng số 1, giải nhất Tiếng hát mãi xanh 2012 - tâm sự ở tuổi đôi mươi, niềm đam mê của anh là ca hát và “khát khao lớn nhất đời” lúc đó là trở thành ca sĩ. Năm 1998, khi đang là sinh viên Đại học Luật TP.HCM, anh đoạt giải nhất Tiếng hát sinh viên toàn thành và huy chương vàng Tiếng hát sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc. “Cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp bày ra trước mắt. Giấc mơ chỉ còn tí xíu nữa là thành hiện thực. Nhưng năm 1999 là năm cuối đại học và ba mẹ muốn Hiệp tập trung toàn lực cho việc học. Cờ đến tay mà mình không phất nên nghề hát coi như khép lại từ đó” - Thái Thanh Hiệp nói. Dù hoàn toàn có thể đi hát sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng Thái Thanh Hiệp kể vì tạm ngưng hát một thời gian nên khi bắt đầu lại cũng hơi e ngại, cộng với sự tiếc nuối năm năm học nghề luật nên anh đã thi vào Sở Tư pháp để làm đúng ngành mình đã được đào tạo.
Tuy nhiên đã đam mê thì không bao giờ từ bỏ và cũng không bao giờ là quá muộn để thể hiện niềm đam mê của riêng mình. Năm 2010, Thái Thanh Hiệp thi giọng hát hay ngành tư pháp và giành luôn hạng nhất toàn thành lẫn toàn quốc. Anh lại đến với Tiếng hát mãi xanh và đang cân nhắc có thể sẽ tham gia vài sân chơi ca hát khác trong tương lai bên cạnh việc ra đĩa, thi thoảng nhận sô phòng trà để nuôi nấng và nối dài đam mê ca hát của riêng mình. “Không phải cứ theo con đường chuyên nghiệp mới thật sự là đam mê” - Thái Thanh Hiệp trả lời khi được hỏi nếu “cờ đến tay” lần nữa liệu anh có bỏ nghề luật để theo nghề ca sĩ.
Câu chuyện của Thái Thanh Hiệp khiến nhiều người nhớ đến giọng hát đẹp Hương Thảo - á quân Tìm kiếm tài năng VN mùa đầu tiên. Dẫu mê ca hát, mê nhạc kịch hiếm ai bằng nhưng Thảo vẫn chưa từng có ý định rời bỏ ngành học hay công việc nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học để đeo đuổi nghề hát trong một môi trường mà cô biết mình chưa hẳn có thể thích nghi với những vinh - nhục của nó.
Cứ thế, câu chuyện về niềm đam mê phía sau những giọng hát bỗng trở thành câu chuyện hậu trường lôi cuốn người xem. Và lời hứa sẽ hoàn thành tấm bằng tiếng Anh thương mại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM rồi mới theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp của Hải Châu với ba mẹ hẳn nhiên sẽ được những người mến mộ lưu tâm trên bước đường phía trước của cô gái trẻ.
Chậm mà chắc “Đã làm nghệ thuật thì ai chẳng muốn nổi danh. Nhưng may rủi của nghề đàn ca cũng nhiều, danh tiếng cũng không phải là thứ cứ nỗ lực, cứ muốn là có được. Lỡ không may không thể nổi danh, thậm chí không thể sống bằng nghề thì cái chữ nghĩa đã học được sẽ phần nào giúp được các con. Còn nếu con may mắn sống được với nghề thì tri thức sẽ giúp con phát triển tốt hơn” - mẹ ca sĩ Đức Tuấn từng bộc bạch như vậy khi được hỏi vì sao Tuấn hội đủ thanh sắc để làm ca sĩ mà gia đình lại để Tuấn theo con đường chuyên nghiệp khá trễ như thế (sau khi đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương). Vậy nên những thành công hôm nay của Đức Tuấn, dẫu khá chậm, cùng những đồng nghiệp đồng cảnh ngộ khác như Đoan Trang, Hồ Trung Dũng, Phương Vy, Uyên Linh... đã phần nào chứng minh sự “lo xa” của những người đi trước là có cơ sở. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận