Nghệ thuật châu Á ngày càng quan trọng
Phóng to |
Họa sĩ, curator người Indonesia Jim Supangkat - Ảnh: B.N. |
Phóng to |
Thế hệ nối tiếp - tranh sơn dầu của Rendra Santana |
Phóng to |
Chân dung - tranh sơn dầu của Mahdi Abdullal |
Triển lãm Từ hình tượng đến tác phẩm do gallery Art Xchange (Indonesia) tổ chức từ ngày 18 đến 29-6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Ðức Chính, Q.1), với sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Có 21 họa sĩ đương đại đến từ Indonesia tham gia triển lãm tranh với nhiều phong cách sáng tác đa dạng. Dịp này, các họa sĩ Indonesia sẽ giao lưu với các họa sĩ VN tại làng mỹ thuật Hàm Long (Q.2, TP.HCM) ngày 19-6 và tham dự buổi tọa đàm về mỹ thuật đương đại do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức ngày 20-6 tại khu du lịch Văn Thánh. |
Tuyển chọn và giới thiệu cho triển lãm này là ông Jim Supangkat (sinh năm 1943) - một họa sĩ, curator (giám tuyển) nổi tiếng người Indonesia. Ông đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.* Là curator của triển lãm, với lần "gặp gỡ" đầu tiên này, ông muốn giới thiệu bộ mặt nào của hội họa đương đại Indonesia với công chúng VN?
- Vâng, quả đây là lần đầu tôi làm curator cho một triển lãm tại VN. Ðiều tôi cố tình chọn lựa là tất cả tác phẩm đều là hội họa, vì đến nay hội họa vẫn được xem là biểu hiện phổ biến nhất của mỹ thuật VN. Tôi loại trừ khuynh hướng lựa chọn những thể loại đương đại khác như sắp đặt, video, tác phẩm media tổng hợp...
* Indonesia đã tạo cho mình một thị trường mỹ thuật, một đời sống mỹ thuật sinh động. Theo ông, làm thế nào để khuyến khích người dân mua một bức tranh, và nên thành lập thị trường mỹ thuật như thế nào?
- Việc mua bán tranh có liên hệ trực tiếp đến yếu tố nền mỹ thuật đó đã xuất hiện bao lâu? Ở châu Âu và châu Mỹ, sự ra đời của mỹ thuật là một thời gian dài. Cho nên việc mua bán tranh ở họ đã là một truyền thống. Trong khi sự phổ biến của mỹ thuật bên ngoài châu Âu và châu Mỹ là còn giới hạn. Không thể thành lập một thị trường tranh nếu không tồn tại những nhu cầu mạnh mẽ sở hữu tác phẩm mỹ thuật ở công chúng. Tại Indonesia, việc khuyến khích người dân mua tranh bắt đầu từ nhiệm kỳ vị tổng thống đầu tiên là Sukarno (1945-1967).
* Các họa sĩ ngày nay đang ở trong dòng chảy nghệ thuật đương đại mạnh mẽ, nhưng càng đi vào đương đại thì những yếu tố bản sắc, truyền thống càng bị lu mờ đi. Ðó có phải là một trong những nguy cơ của các họa sĩ phương Ðông vốn giàu màu sắc bản địa hay không?
- Ở đây chúng ta phải nhận thức rằng thế giới hiện đại không chỉ là sự phi thường của phương Tây nói riêng, nó là của cả thế giới. Tính hiện đại của một xã hội này không giống với tính hiện đại của xã hội khác. Thế giới hôm nay là thế giới của sự thay đổi, những quyền lực châu Á được tìm thấy ngày càng hiện rõ hơn. Ðiều đó nói lên tại sao sự tồn tại của các họa sĩ châu Á trong môi trường mỹ thuật đương đại toàn cầu ngày nay là quan trọng, đáng kể.
* Ở VN, vai trò của các curator vẫn còn mới mẻ. Là một curator nổi tiếng ở Indonesia, theo ông, để trở thành một curator thành công cần những yếu tố nào?
- Ở các nước như VN hay Indonesia, điều quan trọng đối với các curator là sự kết nối giữa nền mỹ thuật bản địa và mỹ thuật thế giới. Ðể trở thành một curator thành công, curator đó cần làm chủ kiến thức mỹ thuật thế giới và những trào lưu mỹ thuật hôm nay, song song là sự hiểu biết tốt về sự phát triển của mỹ thuật truyền thống của quốc gia họ từ thế kỷ 19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận