14/06/2013 11:00 GMT+7

Xây công trình kiểu Pháp: "cấm" rồi rút

LÂM HOÀI - CHI MAI
LÂM HOÀI - CHI MAI

TT - “Không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”, đó là lưu ý của Bộ Xây dựng trong công văn ngày 23-5 gửi các tỉnh, thành phố. Ba tuần sau, ngày 13-6, Bộ Xây dựng ra công văn đính chính nội dung trên.

AgffvPSf.jpgPhóng to
Nhà hát lớn Hà Nội - một công trình kiến trúc Pháp - Ảnh: Nguyễn Khánh

Công văn ngày 13-6 nêu rõ Bộ Xây dựng xin đính chính: Bỏ phần nội dung “Lưu ý: không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu” trong công văn đã ban hành ngày 23-5 về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nguyên nhân đính chính là do “trong quá trình in ấn có sự sai sót”.

“Đảm bảo mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng”

Trong công văn ngày 23-5, phần lưu ý này được chỉ ra ngay sau một nội dung công văn yêu cầu “cần thực hiện”: “Kiểm soát chất lượng thiết kế công trình (đặc biệt là các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) phải kế thừa phát huy các giá trị truyền thống, đảm bảo mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán văn hóa của các vùng miền”.

Trước thời điểm có công văn đính chính, chiều 13-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn - người trực tiếp ký ban hành công văn ngày 23-5 - cho rằng việc xây dựng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu là không nên, sẽ làm méo mó bộ mặt kiến trúc đô thị. Ông Toàn nói: “Trước đây tôi cũng nghiên cứu luận án tiến sĩ về kiến trúc Pháp, do đó tôi tìm hiểu vấn đề này rất kỹ. Kiến trúc cổ của các nước mà hiện nay mình đang nhại chủ yếu được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1873-1910, sau giai đoạn đó các nước bắt đầu chuyển sang dạng kiến trúc A-deco - kiến trúc hiện đại. Còn ở Việt Nam thời Pháp, sở công chính giám sát rất tốt do đó kiến trúc cổ rất đều đặn, không bị sai lệch về tỉ lệ. Tuy nhiên, từ sau năm 1926 cũng đã tuyệt đối cấm xây, người dân đô thị ở Hà Nội và Sài Gòn đều không làm nữa. Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn, tình trạng xây dựng nhại kiến trúc cổ của Pháp vẫn diễn ra rất nhiều, điều này không còn phù hợp trong bộ mặt đô thị hiện nay, khiến kiến trúc chung bị méo mó. Bộ ban hành văn bản là một khuyến cáo”.

Ông Toàn cho rằng: “Nếu có điều kiện phát huy theo hướng bản sắc của địa phương, vùng miền như miền Bắc thế nào, miền Trung thế nào... thì càng tốt. Ngoài ra cần cập nhật theo xu hướng kiến trúc hiện đại phổ biến hiện nay”.

RdHy7SD3.jpgPhóng to
Một số biệt thự mang dáng dấp kiến trúc Pháp tại khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) - Ảnh: nguyễn khánh

Giảm uy tín của Bộ Xây dựng

Đó là ý kiến của luật sư Trương Xuân Tám, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước việc Bộ Xây dựng ra công văn gây hoang mang rồi phải đính chính.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, với mục đích kiện toàn công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn các tỉnh thành, là một vấn đề có ý nghĩa lớn nhằm triển khai nghị định 38/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị mà Bộ Xây dựng ban hành công văn là không phù hợp, không có giá trị pháp lý mang tính bắt buộc thi hành đối với các tỉnh thành. Trong trường hợp này, Bộ Xây dựng cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật là thông tư hướng dẫn.

“Chính vì không được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật, không có sự thẩm định, lấy ý kiến đầy đủ nên nội dung công văn mới có sự sai sót, dẫn đến việc phải đính chính. Văn bản quy phạm pháp luật về kiến trúc, xây dựng không có điều khoản nào cấm việc thiết kế kiến trúc theo hướng tiếp thu phong cách kiến trúc cổ. Có thể nói với sự lựa chọn hình thức văn bản (công văn) để ban hành về công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình, sau đó lại phải đính chính công văn thể hiện sự không bài bản trong công tác quản lý nhà nước, làm giảm uy tín của Bộ Xây dựng khi văn bản ban hành lúc thế này lúc thế khác, văn bản có những nội dung không đúng, phải đính chính” - ông Tám nói.

Hãy thực tế!

Xung quanh vấn đề “nâng cao chất lượng về công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị" theo tinh thần của công văn cũ cũng như mới, các kiến trúc sư đã nêu ra nhiều ý kiến đáng lưu ý.

* KTS NGUYỄN VĂN TẤT (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):

Cảnh báo một xu hướng quá đà

Cách đây nhiều năm, Hội Kiến trúc sư VN cũng tổ chức hội thảo quốc gia để cảnh báo một xu hướng quá đà về việc xây dựng công sở nhà nước có tính chất sao chép chi tiết hoặc tổng thể các công trình đã có từ Nam chí Bắc mang phong cách Hi-La mà lâu nay chúng ta gọi chung là kiến trúc Pháp hoặc kiến trúc thuộc địa. Mục đích của việc cảnh báo là xu hướng trì kéo mang tính chất bảo thủ sức vươn lên của một nền kiến trúc đương đại. Có nghĩa, việc cảnh báo này nhắm vào tính tiêu cực nổi bật của việc đầu tư rất nhiều tiền của vào việc sao chép có tính chất nhại cổ quá đà và đây là một cảnh báo tốt, kịp thời. Nhưng nếu có một mệnh lệnh hành chính là không được xây dựng những công trình loại này thì cũng là một sự quá đà về phía khác. Không nên vượt qua một giới hạn cần thiết của sự quản lý mệnh lệnh hành chính đối với một thế giới mênh mông của sáng tạo nghệ thuật.

* KTS NGUYỄN HỮU THÁI:

Phong cách truyền thống còn mơ hồ

Lâu nay sở dĩ có nhiều phản ứng về kiểu cách xây dựng công trình nhà nước xây nhại kiểu Pháp khá phổ biến ở miền Bắc là do trình độ của chủ đầu tư cứ áp đặt rằng “Pháp” mới là sang! Còn giới quan chức và nhà giàu mới nổi thì cóp kiểu Thái, kiểu Trung Hoa cũ kỹ, rồi kiểu cho là hiện đại Âu Mỹ với kính, nhôm.

Mấy năm nay, giới kiến trúc trong nước cũng khuyến khích các sáng tác phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền, mang tính sinh thái, hòa vào thiên nhiên nhiệt đới nước ta, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tại chỗ... Vấn đề này cũng được đem ra thảo luận, nguyên tắc chung thì ai cũng đồng tình, nhưng trong thực tế sáng tác còn tồn tại nhiều vấn đề. Kiến trúc phải mang phong cách truyền thống, địa phương là một vấn đề còn quá mơ hồ, chẳng những giới kiến trúc VN mà cả của thế giới mãi tới giờ còn bàn cãi chưa ngã ngũ!

* TSKH - KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Thế nào là kiến trúc hiện đại mang bản sắc vùng miền?

Việc cấm xây công trình mới nhại không đúng nguyên tắc thiết kế kiến trúc cổ điển Âu Tây, làm biến dạng theo hình thức lai căng, là điều nên làm. Nhưng việc cấm toàn bộ thể loại kiến trúc cổ điển Âu Tây nói chung lại rất là không nên, vì có nhiều khu vực lại cần hình thức này cho các công trình mới trong khu vực bảo tồn di sản văn hóa không gian đô thị Âu Tây, ví dụ Đà Lạt hoặc khu phố Tây Hà Nội...

Vấn đề là cơ quan chức năng cần đưa ra những ví dụ cụ thể kiến trúc hiện đại mang bản sắc cho các vùng miền tại VN là những công trình nào, ở đâu và tại sao. Kèm theo quy định hướng dẫn về quản lý đô thị làm sao để bảo tồn bản sắc đó trong quá trình phát triển...

Hoài Trang ghi

LÂM HOÀI - CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên