Phóng to |
Lúc 22g11 (giờ địa phương), ba kênh của Đài truyền hình quốc gia ERT đã ngưng phát sóng - Ảnh: AFP |
Người phát ngôn chính phủ Simos Kedikoglou nêu rõ hoạt động của ERT “cực kỳ thiếu minh bạch và gây lãng phí”. Tuyên bố của ông Kedikoglou được đưa ra không lâu sau khi Chính phủ Hi Lạp thông qua một nghị định cho phép các bộ trưởng đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước. ERT sẽ được thay bằng một “cơ quan phát thanh truyền hình hiện đại” với số lượng nhân viên ít hơn. Nhưng, chi tiết cho việc tái cơ cấu này hiện chưa được công bố.
Cắt giảm chi phí, tắt luôn đài
Ông Kedikoglou nhấn mạnh: “Người Hi Lạp đang phải hi sinh vì ERT, nơi mà số lượng nhân viên cao gấp nhiều lần mức cần thiết. Cơ quan này có nhiều tài sản không sử dụng đến”. Theo ông, “bi kịch” của ERT hiện nay là hậu quả của việc “quản lý thiếu minh bạch, tiêu tốn quá nhiều tiền cho các sản phẩm bên ngoài và chỉ làm lợi riêng cho nhân viên”.
ERT bắt đầu phát sóng phát thanh không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và trong những năm 1960 bắt đầu phát sóng truyền hình. ERT hiện điều hành ba kênh truyền hình toàn quốc, một kênh truyền hình vệ tinh, 17 kênh radio, một tạp chí và một trang web. Báo Kathimerini cho biết từ lâu ERT đã là nơi thân thuộc để các đời chính phủ gửi gắm người của mình vào, khiến tỉ lệ nhân viên so với số khán giả của ERT quá cao.
Theo các quan chức chính phủ, chi phí hoạt động của ERT cao gấp 3-7 lần so với các đài truyền hình khác. Số nhân viên của ERT cũng cao gấp 3-6 lần so với các đài khác. Trong khi đó, số người xem của cả ba đài truyền hình thuộc ERT cộng lại chỉ bằng một nửa số người xem trung bình của một kênh truyền hình thương mại.
AFP cho biết quyết định đóng cửa ERT của Chính phủ Hi Lạp là để đáp ứng đòi hỏi của ba chủ nợ là EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trước đó ngày 10-6, “bộ ba” này đã bắt đầu kiểm tra thường kỳ tiến độ thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng và cải tổ cơ cấu của Hi Lạp, theo đó Hi Lạp phải cắt giảm mạnh ở khối nhà nước cũng như sáp nhập hoặc đóng cửa các cơ quan, tổ chức công. Đến cuối năm nay, theo như cam kết với các chủ nợ, Hi Lạp phải sa thải khoảng 2.000 công chức và đến cuối năm 2014 phải sa thải thêm 15.000 công chức khác.
Báo Kathimerini cho biết việc đóng cửa ERT sẽ giúp các hộ gia đình ở Hi Lạp bớt được khoản phí 50 euro/năm (66,6 USD). Khoản cắt giảm này sẽ “đẻ” ra cho chính phủ khoảng 300 triệu euro (400 triệu USD) hằng năm, đủ để chi cho một phiên bản ERT mới được cho là chỉ tiêu tốn 100 triệu euro.
Sốc và tức giận
Mặc dù các nhân viên cũ vẫn có thể nộp đơn xin việc tại cơ quan mới sau khi được tái cơ cấu, nhưng ERT cho biết quyết định của chính phủ đồng nghĩa với việc khoảng 2.700 nhân viên của cơ quan này sẽ mất việc làm.
Theo Reuters, hàng ngàn người đã tụ tập bên ngoài trụ sở ERT ở Athens sau khi có thông báo đóng cửa và tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại quyết định này. Cảnh sát chống bạo động đã chặn lối vào trường quay trong khi từ bên trong, nữ phát thanh viên Alli Stai tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phát sóng đến bản tin cuối cùng với sự điềm tĩnh và chuyên nghiệp mà chúng tôi từng làm”.
Trước đó, trong đêm 11-6, ERT tiếp tục phát sóng bất chấp lệnh đóng cửa nhưng rồi tín hiệu cũng bị cắt với một màn hình màu đen cùng dòng chữ “No signal” (không tín hiệu). AFP dẫn lời một kỹ sư làm việc ở ERT 30 năm qua nói cảnh sát đã cô lập được những người điều khiển thiết bị phát sóng. Đến hôm qua 12-6, các phóng viên ERT tiếp tục phát các chương trình của mình thông qua các băng tần kỹ thuật số và trên mạng Internet, dùng các chương trình của mình để phản đối lệnh đóng cửa. Các đài truyền hình tư nhân ở Hi Lạp cũng ngưng phát sóng các chương trình thường lệ trong sáu giờ để biểu thị sự đoàn kết với ERT, thay vào đó là phát lại các chương trình cũ và quảng cáo. Không kênh nào phát chương trình thời sự như thường lệ lúc 20g. Liên minh các nhà báo Athens (ESIEA) cũng kêu gọi đình công 48 giờ ở các đài phát thanh và truyền hình bắt đầu từ 6g sáng 12-6 (giờ địa phương). ESIEA cho biết phóng viên các tờ báo cũng đình công 24 giờ, bắt đầu từ hôm nay 13-6.
Việc đóng cửa ERT cũng gây rạn nứt trong liên minh cầm quyền ba đảng. Hai đảng nhỏ đã phản đối quyết định đột ngột này và tuyên bố họ không hề được hỏi ý kiến trong khi phe đối lập gọi đây là “cuộc đảo chính không chỉ đối với nhân viên ERT mà còn cả với người dân Hi Lạp”. Cư dân mạng cũng nhanh chóng phản ứng và mô tả quyết định của chính phủ là “đang giết chết nền dân chủ” nước này.
Chủ tịch Liên minh Phát thanh truyền hình châu Âu (EBU) Jean Paul Philippot đã gửi thư cho Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras yêu cầu ông này thay đổi quyết định. “Các đài quốc gia quan trọng hơn bao giờ hết trong thời điểm khó khăn của đất nước” - ông Philippot nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận