Câu chuyện đời, chuyện nghề của bà mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh khiến tôi không khỏi ngậm ngùi...
Phóng to |
Heather Woodward trong lớp học đàn tranh tại TP.HCM - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi đã đến sống và dạy học tại VN hơn hai năm rưỡi, khoảng thời gian đó đọng lại trong tôi cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Dẫu sao tôi thấy mình được nhiều hơn mất khi tới đây và vì vậy tôi coi đất nước này như quê hương thứ hai, luôn biết ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội đến VN.
Một trong những lý do chính khiến tôi quyết định ở lại VN là để được học đàn tranh, một loại nhạc cụ thuần Việt vừa có bề ngoài tao nhã vừa có thể gảy nên những giai điệu tuyệt vời đủ để khiến tôi hoàn toàn bị chinh phục.
Tôi đã học đàn tranh tại TP.HCM hơn một năm sáu tháng. Điều thú vị là tôi vừa học đàn vừa được cô giáo dạy hát những làn điệu dân ca truyền thống của người Việt. Tuy tôi không biết tiếng Việt nhưng nhờ sự tận tụy hết mình của giáo viên mà tôi có thể hát và hiểu được ý nghĩa của tất cả những bài hát trên. Chỉ tiếc là giọng hát của tôi vẫn còn đậm “chất Mỹ” nên âm hưởng dân ca chưa được thoát ra trọn vẹn.
Trò chuyện với một số học trò người Việt, tôi chợt nhận ra rằng họ không quan tâm nhiều tới việc học những nhạc cụ truyền thống của quê hương. Có một nữ sinh đã nói thẳng với tôi rằng: “Cô ơi, chỉ có những người ở thế hệ... bà ngoại em mới học mấy thứ này!”. Tôi chỉ biết mỉm cười và hỏi lại: “Trông cô có giống bà ngoại em không?”. Và em ấy im lặng.
Tôi càng băn khoăn hơn khi biết hầu hết sinh viên trong lớp có hứng thú với âm nhạc đều chọn piano - một nhạc cụ “rất tây” để chơi. Gần khu nhà tôi ở có một cửa tiệm kiêm lớp dạy đàn piano và nơi này luôn đông kín học viên trẻ mỗi khi đêm xuống. Việc chọn một loại nhạc cụ để theo đuổi là điều tốt, nhưng chúng ta nghĩ sao khi thế hệ trẻ lần lượt từ chối đi theo những nhạc cụ truyền thống của quê hương, thứ mà họ cho rằng quá đỗi “quê mùa”, để đuổi theo những nét văn hóa phương Tây?
Tôi cũng không thể không nhắc tới số phận hẩm hiu của nghề rối nước tại VN. Có dịp đi coi những sô diễn rối nước, tôi thường thấy khán giả hầu hết đều là người nước ngoài. Và thế là một nghịch lý diễn ra: sô diễn được diễn giải bằng tiếng Việt nhưng chẳng có người Việt nào tới coi, còn người nước ngoài thì như “vịt nghe sấm”. Thành thật mà nói, đối với tôi, sô diễn rối nước rất thú vị và tài năng của các nghệ nhân rối nước là trên cả tuyệt vời. Tôi luôn giới thiệu bộ môn nghệ thuật này tới những người bạn nước ngoài mỗi khi có dịp. Và tôi tự hỏi phải chăng chính những du khách, chứ không phải người Việt, là người giữ sự sống sót của những giá trị thuần Việt?
Khó thể tìm thấy người Việt trẻ ở những nơi trên, vậy họ đang đi đâu? Hãy đi tới những quán cà phê hiện đại hoặc rạp chiếu phim, nơi họ sẵn sàng xếp hàng dài để có được tấm vé xem những bộ phim bom tấn của nước ngoài như Die hard... Nhiều người cho rằng giới trẻ Việt đang dần chối bỏ những nét văn hóa, di sản của quê hương, nhưng tôi nghĩ không nên chỉ trách móc họ mà phải thấy trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tôi tin rằng các bạn trẻ VN sẽ không quay lưng với những bộ môn nghệ thuật truyền thống như đàn tranh, múa rối nước... nếu họ được hướng dẫn một cách đúng đắn và các môn nghệ thuật trên nhận được sự hỗ trợ, quảng bá kịp thời từ các cơ quan chức năng.
Heather Woodward (người Mỹ, giáo viên)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận