26/01/2013 04:00 GMT+7

Háo hức chờ Cù nèo vàng

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Đi từ 5g sáng để nhận vé Cù nèo vàng! Đó là câu chuyện tại cổng tòa soạn báo Tuổi Trẻ của vợ chồng chị Ngô Triều Lan sáng 25-1 - một trong những bạn đọc lâu năm của báo Tuổi Trẻ Cười.

Cù nèo vàng 2012: Khán giả sẽ được cười no

brDPZ6U4.jpgPhóng to

Rất đông bạn đọc đến nhận vé tham dự lễ trao giải Cù nèo vàng 2012 tại tòa soạn Tuổi Trẻ sáng 25-1 - Ảnh: T.Đạm

Những năm trước vẫn đều đặn theo dõi chương trình qua... màn ảnh nhỏ, nhưng chưa thỏa được ước nguyện một lần đến tận sân khấu chứng kiến “người thật việc thật” nên năm nay dù nhà ở tận Hóc Môn, anh chị vẫn không ngại khởi hành từ 5g sáng, tinh mơ đã có mặt ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ (dù giờ phát vé tận 8g) để không bị lỡ vé xem! Lý do đơn giản khiến vợ chồng anh nhiệt tình như thế chỉ là bởi “Cù nèo vàng vui, hài, thể hiện được mặt trái của nhiều vấn đề. Vợ chồng tôi thích lắm! Lần này cố gắng sắp xếp đi được hai người, xin được bốn vé đặng tặng hai ông bà sui hai bên... đi coi luôn!”.

Dĩ nhiên, trường hợp của hai anh chị Ngô Triều Lan không phải là duy nhất trong dòng người chờ chực từ rất sớm để nhận vé xem Cù nèo vàng. Ba “ông bạn già” là độc giả Thế Phong (70 tuổi), Mai Văn Cửu (58 tuổi) và Võ Minh Quang (70 tuổi) rủ nhau đi mua báo, uống cà phê để có cớ đến nhận vé sớm hơn. Họ đều là những khán giả trung thành của Cù nèo vàng sáu năm qua, không bỏ sót số nào. Ông Cửu phân bua: “Lẽ ra cũng muốn đợi đến đúng giờ mới đi nhưng sợ lúc đó chẳng còn vé cho mình. Thích nhất là xem chương trình năm nào cũng cười, vừa cười vừa ngẫm nghĩ... Rồi lại còn được tặng vé miễn phí. Những niềm vui miễn phí như thế này bây giờ không có nhiều đâu...”.

Nhiều chị, nhiều cô đi chợ sáng về cũng nhanh nhảu xếp hàng ngay ngắn để nhận vé. Chị Trần Thị Nga (quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi rất quan tâm đến làng giải trí, những vấn đề văn hóa - văn nghệ nên rất muốn đi xem chương trình, xem những mặt tích cực - tiêu cực của làng văn hóa sẽ được Hai Cù Nèo xử trí ra sao? Đây là năm đầu tiên tham gia nên náo nức quá chừng!”.

Với những tình cảm nồng nhiệt mà độc giả đã tin yêu, gửi gắm, đêm trao giải Cù nèo vàng 2012 sẽ diễn ra vào 20g ngày 28-1 tại sân khấu ca nhạc Lan Anh (TP.HCM) hứa hẹn là một chương trình hài đặc sắc, không chỉ mang lại không khí giải trí lành mạnh cho khán giả những ngày cận tết, mà còn tôn vinh các gương mặt tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên sân khấu xuất sắc, có nhiều đóng góp trong việc phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa - xã hội trong năm 2012 thông qua ngôn ngữ hài kịch dí dỏm, sâu cay.

Hổng phải dầu cù là

Với hơn 10 năm tham gia “cầm cân nảy mực” giải Cù nèo vàng, nhà báo Phạm Phú Túc (Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM) - phó chủ nhiệm CLB phóng viên văn hóa - nghệ thuật Hội Nhà báo TP.HCM - hào hứng chia sẻ chuyện “bếp núc” của ban giám khảo.

Cái “độc” của giải Cù nèo vàng là mỗi lĩnh vực đạo diễn, diễn viên, tác giả hài chỉ trao duy nhất cho một người. Trao cho người nào xứng đáng nhất? Cân đong đo đếm sao cho công bằng quả là chuyện vò đầu bóp trán, không phải dễ. Các nhà báo là giám khảo bỏ phiếu phải tranh luận với nhau nhiều phen “máu lửa”. Nhưng chính điều đó mới thấy giải Cù nèo vàng này hổng giống những giải thưởng đại trà khác, hổng phải là... dầu cù là, xức người này chỗ này một chút, xức người kia chỗ kia một chút, hạnh phúc chia đều. Giải Cù nèo vàng không như vậy. Giải chỉ dành cho người xứng đáng nhất ở lĩnh vực của mình trong năm!

Cái “độc” nữa của Cù nèo vàng là do chính các nhà báo bình chọn. Khoảng 10 nhà báo của các báo tiêu biểu được mời tham gia bình chọn, bỏ phiếu. Đầu tiên, họ đưa ra những ứng viên cho giải, lý do mà họ bầu cho đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ nào đó. Tiếp theo, tại cuộc họp hội đồng giám khảo, từng ứng cử viên được đưa ra thảo luận. Có những ứng viên được khán giả yêu thích, nhưng bị cho là nội dung tác phẩm ứng viên đó thể hiện nhạt quá! Có những vở diễn được giải thưởng này nọ nhưng đi diễn thì... không có khán giả! Những cuộc thảo luận như vậy cũng có nhiều ý kiến “va chạm” lẫn nhau, tuy nhiên tuyệt đối không có tình riêng. Thảo luận xong, các nhà báo sẽ ghi vô phiếu bình chọn của ban giám khảo, có ký tên đàng hoàng. Những lá phiếu này được lưu giữ và có thể kiểm tra bất cứ lúc nào nếu có “điều tiếng” về giải. Uy tín của giải là đến bây giờ điều đó vẫn... chưa một lần xảy ra! Tôi cũng chưa thấy ai lãnh Cù nèo vàng rồi quay lại xơi... Trái cóc xanh.

Cá nhân tôi thấy một nghệ sĩ hài, một tác phẩm hài đoạt giải thường thỏa mãn ba yếu tố là hay về chủ đề tư tưởng, chinh phục khán giả và... không gặp “vấn đề” về quản lý văn hóa. Những năm gần đây, tình trạng khan hiếm kịch bản khiến các nghệ sĩ nghiêng về xu thế chuyển thể các tác phẩm văn học. Đài truyền hình cũng có những chương trình tiếng cười phê phán với những vấn đề thời sự tiêu cực của xã hội. Điều đó lý giải vì sao gần đây có những giải Cù nèo vàng được trao cho các chương trình truyền hình.

Với riêng tôi, khi bình chọn giải Cù nèo vàng, tôi hay chú ý những người trẻ. Những tên tuổi lớn thì đã như cây đại thụ vững chãi, có tưới thêm một hay vài gáo nước nữa cũng vậy. Nhưng với người trẻ, những cái cây đang trỗi lên khẳng định mình thì thêm một gáo nước sẽ là một động lực, niềm vui cho họ. Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp tiêu chí tiếng cười trẻ trung của báo Tuổi Trẻ Cười.

QUANG THI ghi

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên