11/01/2013 04:50 GMT+7

Tiễn biệt một tấm lòng sáng trong

H.HẠNH
H.HẠNH

TT - Ngày 10-1, từ sáng sớm, nhiều người đã xếp hàng chờ viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, viết những ca khúc tuyệt đẹp về quê hương, đất nước và tình yêu đôi lứa.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Hiệp

crHFIu6R.jpgPhóng to
Vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhân và NSƯT Phi Điểu đến viếng linh cữu nhạc sĩ Hoàng Hiệp và chia buồn cùng gia đình sáng 10-1 - Ảnh: T.T.D.

Trong dòng người đến viếng ấy có những người bạn của ông suốt mấy chục năm qua, từ khi ông vào chiến khu, rồi tập kết ra Bắc như nhạc sĩ Thế Bảo, nhạc sĩ Phan Nhân. Cũng có những người đồng nghiệp thế hệ sau như Trần Long Ẩn, như Phạm Minh Tuấn. Đặc biệt hơn, có nhiều người hâm mộ các ca khúc của ông đến xin thắp nén hương cho tác giả của những ca khúc đã làm họ thổn thức. Trong số những người đến viếng ấy có đại diện của xã Mỹ Hiệp - mảnh đất nơi ông sinh ra, đại diện của huyện Chợ Mới - huyện quê ông ở tỉnh An Giang, với lời ghi trong sổ tang hứa rằng lớp trẻ của xã, của huyện sẽ noi gương nhạc sĩ làm rạng rỡ quê hương mình. Trong những dòng lưu niệm ấy, có thể thấy sự đồng cảm của nhiều người trong lời tiếc thương: một nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách sáng trong, một tấm lòng trọn vẹn với gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp...

Lặng lẽ với tách trà suốt từ sáng đến chiều là nhạc sĩ Phan Nhân - người bạn lâu năm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Buổi sáng ông đi cùng bà Phi Điểu, buổi chiều ông ngồi đó một mình, thỉnh thoảng lại trò chuyện với nhạc sĩ Trần Long Ẩn hay những khách viếng khác. Ông kể lại: “Nhớ người bạn đồng nghiệp, đồng chí, đồng hương An Giang, tôi nghĩ nhiều đến những kỷ niệm suốt 20 năm chúng tôi cùng tập kết ra Bắc. Năm 1974, tôi viết ca khúc Hà Nội niềm tin và hi vọng. Năm 1986, Hoàng Hiệp viết bài Nhớ về Hà Nội. Hà Nội “của tôi” là Hà Nội oanh liệt kiên cường và hào hùng trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không, còn Hà Nội của Hoàng Hiệp là Hà Nội của thời bình, của tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu đất nước. Tôi là người đầu tiên được Hoàng Hiệp cho nghe ca khúc Nhớ về Hà Nội. Cả hai ca khúc về Hà Nội của hai người quê miền Tây Nam bộ đều được những người Hà Nội (và cả nước) chấp nhận và yêu thích. Với tôi, đó là một điều đặc biệt, mãi mãi tôi không quên được”.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ghi lại trong sổ tang: “Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đi xa, để lại trong lòng chúng ta, những thế hệ nhạc sĩ sau anh, lòng kính trọng một tài hoa trọn đời, vì quê hương đã hiến dâng cho Tổ quốc những giai điệu đẹp, những ca từ giàu cảm xúc”. Từ Paris, đạo diễn Việt Linh gửi lời chia buồn: “Ngày 12-2 này, phim Gánh xiếc rong sẽ chiếu ở Paris. Cháu sẽ lại nhớ chú, nhắc chú với khán giả. Và từ nay, mỗi lần giai điệu trompette của Gánh xiếc rong trỗi lên, cháu sẽ rất nhớ chú”.

Mỗi người đến viếng ông lần cuối đều có riêng câu chuyện để kể nhưng có người ghi ra sổ, nói ra lời, có người lại lặng lẽ để trong lòng. Vừa trở về từ Hà Nội, nhạc sĩ Trần Long Ẩn bị cảm đến mất giọng vẫn túc trực suốt ở nhà tang lễ để làm nhiệm vụ của một phó ban tang lễ với giọng khàn đặc. Các cháu nội của nhạc sĩ sáng đi học, chiều cũng đến quẩn quanh đó. Cô bé cháu nội 11 tuổi của ông được mẹ giao nhiệm vụ “viết một bài văn để bác Lưu Nguyễn (con trai nhạc sĩ Hoàng Hiệp) đọc tiễn ông nội”.

Có một người phụ nữ tóc bạc, nói giọng Quảng Trị lặng lẽ hòa vào nhóm người đến viếng và sau đó, bà lặng lẽ đứng ra một góc và lau nước mắt. Người đàn bà xin giấu tên ấy kể rằng nhờ ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương bà đã đợi chờ người yêu đi tập kết suốt mấy thập kỷ đăng đẵng nhưng người yêu bà vì bặt tin bà mà đã lấy vợ, có con. Mãi đến năm ngoái, sau mấy chục năm xa cách, ông mới tìm gặp bà và họ nối lại duyên cũ vì người vợ của ông đã qua đời. Hôm nay, hay tin nhạc sĩ mất nên bà đến viếng và tiễn biệt người viết nên ca khúc gắn bó với cuộc đời bà như một định mệnh: Nhắn ai xin giữ câu nguyền/ Trong cơn bão tố vững bền lòng son.

H.HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên