11/01/2013 07:00 GMT+7

Lùm xùm tin nhắn bầu chọn - Bài 1: Quyền lực thuộc ai?

LÊ TÂN SƠN
LÊ TÂN SƠN

TT - “Để ai đi tiếp vào vòng trong, bạn (khán giả - PV) là người quyết định”, “số phận của thí sinh đang nằm trên tay bạn”, “hãy nhắn tin để giữ thí sinh ở lại”...

Gần một thập niên qua, khán giả truyền hình VN đã quá no nê với những mỹ từ như vậy. Và từ chỗ bị mê hoặc với kiểu chơi dân chủ đó, người ta dần chuyển sang nghi hoặc...

OIdgtWIT.jpgPhóng to
Khán giả tại đêm chung kết Vietnam Idol 2010 - chương trình mà kết quả phụ thuộc 100% vào tin nhắn của khán giả - Ảnh: Gia Tiến

Nghi hoặc không chỉ bởi vì mấy nghìn đồng, mấy chục nghìn đồng đã bỏ ra khi nhắn một tin bầu chọn cho người mình yêu thích nhưng cuối cùng kết quả lại không như mong muốn, mà quan trọng hơn, vì niềm tin đã đặt không đúng chỗ, “quyền lực” đã không được thực thi.

Những xìcăngđan...tin nhắn

Với tư duy “phải thích mới chọn” và “phải thích mới nghe/xem”, các cuộc thi, giải thưởng ở nước ngoài đã trao quyền quyết định kết quả cho công chúng - “khách hàng” của các chương trình, những người sẽ tiếp tục mua đĩa, nghe nhạc của nghệ sĩ, mua vé xem phim. Số liệu tại các cuộc thi như X-Factor, Britain’s got talent, The Voice, American Idol, So you think you can dance... cho biết ở mỗi mùa giải, lượng tin nhắn gửi về tổng đài bình chọn cho các thí sinh lên đến cả chục triệu.

Từ các sân chơi truyền hình ấy, nhiều gương mặt đã nổi lên, chinh phục công chúng và nhanh chóng tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật. Từ Kelly Clarkson, Susan Boyle, Carrie Underwood đến Amanda Brown đều đã cho thấy năng lực thật sự của họ xứng đáng với lòng tin yêu của khán giả. Danh vọng, tiền bạc họ đạt được được xem là đương nhiên như phần thưởng cho tài năng.

Du nhập vào VN, hình thức nhắn tin đã khiến nhiều người phấn khích bởi sau nhiều năm phải “chấp nhận” kết quả (thường bị xem là chủ quan, không tương đồng với công chúng) từ các ban giám khảo, khán giả đã được trao quyền chọn lựa ngôi sao cho mình. Thế nhưng cũng ngay từ những mùa giải đầu tiên, trò chơi dân chủ mang nhiều “đặc thù riêng” của VN đã lập tức phát sinh vấn đề.

Sao Mai - điểm hẹn 2004, theo tư duy mới - quyết định của khán giả là quyết định quan trọng nhất, giải khán giả bình chọn của Kasim Hoàng Vũ được hiểu là giải nhất và Tùng Dương xếp thứ hai với giải của hội đồng nghệ thuật. Sau đêm trao giải (với việc Tùng Dương nhận thêm giải của Vietnamnet), Kasim đã tỏ ra không hài lòng. Mùa giải kéo theo nó đôi chút xôn xao.

Ở Tiếng hát truyền hình 2005, sau nghi án mua giải của Hải Yến, hiện tượng bất thường đã xuất hiện khi lượng tin nhắn bình chọn cho Hoàng Hải Đăng tăng đột biến, cách biệt hoàn toàn với Yến và giúp anh giành danh hiệu Ngôi sao Việt trong đêm gala. Khán giả đã quyết định ra tay chống tiêu cực?

Xìcăngđan được xem là chấn động của hình thức nhắn tin tại VN xuất hiện ở mùa Vietnam Idol 2007 khi tin nhắn gửi đến tổng đài bình chọn cho Phương Vy (mã số bình chọn: 7), Ngọc Minh (8) nhưng tin từ tổng đài trả về lại “Cảm ơn đã bình chọn cho TS 6” (Ngọc Ánh). Dù ban tổ chức chương trình đã hết lời giải thích rằng đó chỉ là lỗi tổng đài và rằng tin nhắn MO (tin gửi đến tổng đài) không ảnh hưởng đến tin nhắn MT (tin từ tổng đài gửi đi), rằng chọn lựa của khán giả vẫn được ghi nhận chính xác, người ta đã bắt đầu nhận ra những khuất tất có thể có của trò chơi tin nhắn, bắt đầu không còn tin vào hình thức này.

Dõi theo các đêm chung kết Sao Mai - điểm hẹn 2010, chỉ cần một chút tinh ý, người ta sẽ nhận ra vài dấu hiệu “lạ” khi Hà Hoài Thu liên tục giành vị trí thí sinh được yêu thích nhất với số tin nhắn dao động quanh mốc 6.000. Hàng loạt khán giả bày tỏ sự phẫn nộ khi tin nhắn gửi đến bình chọn cho các thí sinh không nhận được phản hồi từ tổng đài hoặc được thông báo đã hết giờ bình chọn. Bất ngờ hơn, chung cuộc, Lương Viết Quang mới là người thắng giải khán giả với lượng tin bình chọn hơn 30.000. Sàn nhà thi đấu Maximark Cộng Hòa đêm ấy tràn ngập “truyền đơn” với nội dung cảm ơn một mạnh thường quân đã giúp Quang mua giải.

Từ Cặp đôi hoàn hảo đến Bước nhảy hoàn vũ, Zing Music Awards... và nay là Bài hát yêu thích (Tuổi Trẻ ngày 7, 8, 10-1), đâu đâu cũng có nghi vấn, cáo buộc mua giải, mua tin nhắn, thiếu minh bạch.

“Muốn bao nhiêu tin cũng được”

Sự phẫn nộ, hoài nghi của công chúng không phải là không có cơ sở khi trên thị trường hiện nay xuất hiện những đường dây cung cấp dịch vụ nhắn tin với số lượng không hạn chế, đảm bảo mang đến chiến thắng cho bất kỳ ai đủ tiền trả. N.H., một người chuyên cung cấp dịch vụ nhắn tin, báo giá: “3.500 đồng/tin nhắn đến tổng đài 3.000 đồng, 4.400 đồng/tin cho tổng đài 4.000 đồng, 5.350 đồng/tin cho tổng đài 5.000 đồng; muốn bao nhiêu tin cũng được, trong khoảng thời gian bao lâu cũng được”. Anh khoe: “Ở cuộc thi S chúng tôi đã nhắn 40.000 tin chỉ trong ba giờ và chúng tôi thắng”.

Trước và trong nhiều cuộc thi, giải thưởng, người ta vẫn thường thấy cảnh các fanclub nghệ sĩ kêu gọi, hướng dẫn nhau các phương thức bình chọn, cách “qua mặt” các tổng đài và tích cực nhắn tin khi cuộc chơi không hạn chế hoặc chỉ hạn chế một phần số lượng tin nhắn. Trên thực tế, kể cả các fanclub hùng hậu nhất cộng những khán giả thật sự nhắn tin vì yêu thích thí sinh, nghệ sĩ cũng không thể đối đầu với các dịch vụ chuyên nghiệp bởi không khán giả, fanclub nào có đủ số sim điện thoại cần thiết cho những cuộc đua, càng không thể bấm điện thoại nhanh hơn tốc độ của phần mềm điều khiển trên máy tính và thiết bị cho phép kết nối nhiều sim cùng lúc.

Từ ý nghĩ rằng ai được khán giả yêu thích hơn sẽ chiến thắng như tư duy ban đầu của hình thức này, người ta đã chuyển sang tin rằng nghệ sĩ nào có fanclub đông hơn, tích cực hơn sẽ thắng. Đến nay, người ta lại tin rằng bất kể đó là ngôi sao hay nghệ sĩ mới ra nghề, chỉ cần chịu chi và chi bạo sẽ thắng. Hình thức nhắn tin dân chủ đã phá sản.

(còn tiếp)

Khán giả: lòng tin không còn

PiVgj0wH.jpgPhóng to
* Bà Ngô Hồng Cẩm (45 tuổi, nhân viên văn phòng): “Giải trí cuối ngày với những sô truyền hình là thú vui của nhiều người như tôi. Nhưng hầu như tôi rất hiếm khi bình chọn cho những thí sinh, trừ phi đó là tiết mục của những thí sinh “nhí” vì yêu quá, không kiềm chế được thì nhắn cho các cháu. Nghệ sĩ, ngôi sao vốn đã quá... giàu rồi, mình để tiền đó làm từ thiện cho người nghèo thấy có lý hơn là nhắn tin bình chọn kiểu đó, vì chẳng biết tin nhắn của mình có góp phần đưa thí sinh của mình đến đích không. Xem để giải trí thôi thì xem”.
K3sq7vxF.jpgPhóng to
* Ông Nguyễn Văn Nghĩa (83 tuổi): “Tôi thích xem những chương trình truyền hình về ca nhạc vì nó trẻ trung, nhiều bạn trẻ bây giờ hát rất hay. Còn bình chọn thì thường không vì mình già rồi, mắt mũi kèm nhèm, rất ngại chuyện bình chọn, cú pháp... Quan trọng là thời gian gần đây sau mỗi cuộc thi đều có rất nhiều chuyện lùm xùm. Gần nhất là vụ Bài hát yêu thích, chúng tôi dĩ nhiên không biết được quy trình bình chọn ra sao, kiểm kê như thế nào... Nhưng có khi vì một phần giải thưởng quá lớn nên người ta không dễ nhường nhịn cho nhau. Nó cũng làm mất đi ý nghĩa của cuộc thi. Theo tôi, bây giờ chuyện nhắn tin nên bỏ đi để giữ gìn sự trong sáng cho những cuộc thi”.
xLCZkRnc.jpgPhóng to
* Ngọc Bích (25 tuổi, nhân viên văn phòng): “Mình nhớ lần bình chọn gần nhất của mình cho một chương trình truyền hình là cho Uyên Linh - Vietnam Idol cách đây gần ba năm rồi. Hồi đó thích Uyên Linh, bị “hiệu ứng đám đông” nên nhắn rất nhiều, và có một niềm tin là mọi người đều giống mình, đều “vote” cho cô ấy. Kết quả là cô ấy đã đăng quang! Thật ra nếu ban tổ chức nghĩ đến việc đo hiệu ứng khán giả bằng việc like trên... Facebook cho thí sinh yêu thích thì mình nghĩ nhiều người sẽ làm hơn là tin nhắn bình chọn. Một khi khán giả đã bỏ tiền cho thí sinh thì chương trình phải có được sự tín nhiệm của họ, mà các chương trình thực tế bây giờ hầu như không làm được điều đó”.
G0MW7VhJ.jpgPhóng to
* Thu Hường (25 tuổi): “Rất lạ là nhiều bạn bè cùng lứa với tôi đều nói họ ít khi, hoặc không bao giờ bình chọn cho những thí sinh của các chương trình truyền hình thực tế. Và có lẽ đây cũng là độ tuổi quan tâm đến các chương trình giải trí sôi nổi như thế này nhất. Nhưng không hiểu sao số lượng tin nhắn khi công bố vẫn rất nhiều, rất khủng khiếp. Tôi không biết ban tổ chức lấy những con số đó từ đâu? Nguyên chuyện đó thôi đã đủ để tôi không thấy tin tưởng để bình chọn cho thí sinh mình yêu thích rồi”.

MINH TRANG ghi

LÊ TÂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên