Phóng to |
World Cinema Support đã hỗ trợ kinh phí làm phim cho Trăng nơi đáy giếng cùng nhiều phim VN khác - Ảnh do đoàn phim cung cấp |
Ðó là chia sẻ thú vị của bà Niemayer Maren - nhà làm phim tài liệu độc lập ở Ðức - với các nhà làm phim trẻ VN.
Tọa đàm "Tiếp cận các nguồn tài trợ và đầu tư quốc tế - Kinh nghiệm cho những nhà làm phim độc lập VN" (diễn ra tại TP.HCM ngày 1-12) có ba vị khách mời đến từ nước ngoài: ông Phillippe Boudoux - tùy viên nghe nhìn từ Sứ quán Pháp, nhà sản xuất phim Claire Lajoumard đến từ Acrobates Film (Pháp) và bà Niemayer Maren - ban điện ảnh Viện Goethe Munich (Ðức). Phía VN là đạo diễn Phan Ðăng Di - người mang đến tọa đàm những kinh nghiệm thực tiễn bởi Bi, đừng sợ! của anh được thực hiện với hầu hết kinh phí từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh châu Âu.
1. Ông Phillippe Boudoux có một góc nhìn khá thú vị khi so sánh thị trường điện ảnh với thị trường hàng tiêu dùng. Thị trường hàng tiêu dùng thường là "cầu dẫn đến cung" nhưng điện ảnh thì khác, chính cung sẽ quyết định cầu. Bộ phim làm ra hoàn toàn có thể tạo thành xu hướng, tạo ra nhu cầu... Còn lời khuyên đầu tiên của bà Maren dành cho các nhà làm phim trẻ là hãy bắt đầu bằng những câu chuyện thật xảy ra xung quanh chúng ta (dù là tài liệu hay phim truyện), vì chỉ có thế mới hấp dẫn mọi người. Kinh nghiệm mà bà Maren chia sẻ gắn liền với thực tiễn khi bà chỉ ra rằng cách tốt nhất để kiếm được tiền từ nhiều nguồn chính là hãy quốc tế hóa vấn đề của phim. Ðó có thể là một câu chuyện rất VN nhưng về các đề tài như hậu chiến, đô thị hóa hay môi trường sẽ luôn tìm được tiếng nói chung từ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, và nhờ đó, việc xin tiền từ nhiều nguồn cũng dễ dàng hơn.
Rất nhiều dự án phim VN đã nhận được tiền từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh. Là Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), I am Dan ba (Việt Linh), Ngày mưa đầu tiên (Nguyễn Phan Quang Bình), Bi, đừng sợ! (Phan Ðăng Di)... nhận được tiền từ Asian Project Market. Chơi vơi, Ngủ mơ (Bùi Thạc Chuyên), Cha và con và... (Phan Ðăng Di) đã nhận được tiền từ Hubert Bals Fund. Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình) nhận được tiền từ Asian Cinema Fund. Không có Eva (Phạm Nhuệ Giang) và Mùa len trâu đã nhận thêm được tiền từ Vision Sud Est Fund. Mê Thảo - Thời vang bóng, Chung cư (Việt Linh), Thời xa vắng (Hồ Quang Minh), Mùa ổi (Ðặng Nhật Minh), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Tâm hồn mẹ (Phạm Nhuệ Giang) nhận được tiền từ World Cinema Support và Chơi vơi, Bi, đừng sợ! cũng nhận thêm một nguồn tiền từ quỹ này.
Các ví dụ trên cho thấy "cửa" xin tiền để làm phim từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài không hề đóng hay quá hẹp với các dự án đến từ VN. Câu hỏi đặt ra là cách nào để tiếp cận các quỹ trên?
2. Lời khuyên mà Phan Ðăng Di mang đến cho các bạn trẻ về kinh phí sản xuất cho phim đầu tay là nên giới hạn trong khoảng 300.000-500.000 USD, và nhớ rằng ngay cả những tên tuổi lớn của châu Á trong dòng phim nghệ thuật như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng hay Apichatpong... cũng phải tự giới hạn phạm vi sáng tạo của mình trong những dự án từ vài trăm ngàn USD đến tối đa vài triệu USD. Khi đã có một ý tưởng tốt thì một hồ sơ xin tiền được làm hoàn chỉnh, mạch lạc đúng chuẩn quốc tế sẽ giúp người làm phim có nhiều cơ hội hơn.
Tất nhiên, mỗi quỹ cũng có những điều kiện riêng cho việc chi tiền (với World Cinema Support thì 50% số tiền họ tài trợ phải được tiêu ở Pháp), nhưng khái niệm độc lập ở đây với các nhà làm phim là đáng kể khi họ là những người đang muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc khắc nghiệt và đôi khi nhàm chán của yêu cầu thu hồi vốn, có lãi từ các hãng phim thương mại.
Vậy, nếu bạn là một nhà làm phim trước đó đã có một phim ngắn hoặc dài tốt (tức là đã có một "lời giới thiệu" đáng tin cậy) giờ đây bạn đang có một ý tưởng cho dự án mới bạn tin là hấp dẫn thì không cớ gì mà không bắt tay vào những công đoạn đầu tiên của việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ điện ảnh. Bạn đang đứng trước rất nhiều những cánh cửa, tại sao không gõ vào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận