Phóng to |
Nhà văn Tô Hoài ký tặng tại lễ kỷ niệm Dế Mèn phiêu lưu ký tròn 70 tuổi - Ảnh: Đức Triết |
“Đúng ra, năm nay con Dế Mèn đã tròn 75 tuổi vì tôi viết tác phẩm này lúc 17 tuổi. Nhưng từ trước đến nay mọi người vẫn nhầm” - nhà văn 92 tuổi nói tại lễ kỷ niệm.
Cha đẻ của Dế Mèn không viết chuyện bâng quơ
Tiền thân của Dế Mèn phiêu lưu ký là cuốn Con dế mèn. Năm 17 tuổi, cậu bé Tô Hoài đã viết tay trong hai tối là xong truyện Con dế mèn dài 40 trang và được NXB Tân Dân xuất bản. Mấy năm sau, khi được cụ Vũ Ðình Long (chủ bút tờ Tân Dân - giám đốc NXB Tân Dân) động viên viết dài ra, Tô Hoài đã viết trong bốn đêm và Con dế mèn từ đó trở thành Dế Mèn phiêu lưu ký dài 80 trang, được NXB Tân Dân xuất bản thành hai tập vào năm 1942.
Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm đầu tay của nhà văn Tô Hoài. Từ đây, nhà văn đến với nghề văn và trở thành nhà văn danh tiếng với hơn 150 tác phẩm, điển hình như: O chuột, Nhà nghèo, Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Cát bụi chân ai, Chiều chiều...
Tại lễ kỷ niệm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Cha đẻ của Dế Mèn không viết chuyện bâng quơ. Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính thực là có một nội dung xã hội. Mượn hình thức đồng thoại, nhà văn muốn cổ vũ những con người, những bạn đồng trang lứa mình bước lên con đường xây dựng một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc, không chấp nhận một lối sống ủ rũ, buồn chán. Nhưng nội dung đó đã phải nhờ đến Dế Mèn rất nhiều. Hay nói cách khác, thiên bẩm văn chương đã mách bảo tác giả chọn hình thức đồng thoại để chuyển tải tư tưởng của mình”.
Riêng nhà giáo Phạm Toàn - trưởng nhóm Cánh Buồm chuyên tâm vào cải cách giáo dục bậc tiểu học - lại gắn Dế Mèn với công cuộc giáo dục nghệ thuật: “Hội Nhà văn Hà Nội chọn Ngày nhà giáo 20-11 để kỷ niệm là rất có ý tứ. Nó gắn bó năng lực và trách nhiệm nhà giáo với tài năng và trách nhiệm nhà văn. Ðiều đó ở Việt Nam hôm nay lại rất cần thiết. Sự cần thiết đó sẽ càng được nhận rõ hơn khi ta xem xét dưới góc độ tâm lý học giáo dục mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật với những nhân vật cỡ Dế Mèn và vấn đề giáo dục nghệ thuật cho học sinh phổ thông, những bé em hình như đang “can tội” chán và ghét học văn và hình như cũng “can tội” không thích đọc sách”.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Sức sống như thuở ban đầu
Dù đã 70 “tuổi” nhưng Dế Mèn phiêu lưu ký mãi mãi tươi mới đối với độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi. Bởi vậy đến nay, tác phẩm này đã được tái bản hơn 100 lần và được hơn 40 nước mua bản quyền dịch sang các thứ tiếng khác nhau như Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản... Ngoài ra, Dế Mèn phiêu lưu ký còn được VTV chuyển thể thành kịch rối dài 15 tập (năm 2005), NXB Kim Đồng vẽ tranh truyện 3D. Hiện nay, Công ty Kiến trúc đồ họa mỹ thuật ITC (TP.HCM) còn muốn mua bản quyền tác phẩm này để phục vụ việc dàn dựng không gian kiến trúc; Tổng công ty Phương Nam cũng dự kiến mua bản quyền tác phẩm văn học để làm phim 3D.
Có thể nói với một nhà văn, không niềm hạnh phúc nào lớn hơn là tác phẩm của mình luôn tươi mới, luôn giữ được “sức sống” của thuở ban đầu. Nhà văn Tô Hoài là một trong số ít nhà văn Việt Nam đã có được niềm hạnh phúc ấy. Không chỉ vậy, ngoài những độc giả Việt Nam, nhà văn Tô Hoài còn được đón nhận tình cảm của những độc giả thế giới - đặc biệt là các em thiếu nhi với chú Dế Mèn.
Suốt hai giờ lễ kỷ niệm diễn ra, nhà văn Tô Hoài luôn giữ nụ cười mủm mỉm. Ông chăm chú xem những thước phim tư liệu, xem lại những ấn phẩm về Dế Mèn được in trong suốt 70 năm qua. Cuối buổi, nhà văn không từ chối hoạt động ngoài lề nào cả dù rằng ông khá mệt. Có lẽ niềm hạnh phúc từ sức sống của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã đem lại sức khỏe mới cho nhà văn.
Răng Dế Mèn màu xám!
Nhà thơ Nguyễn Phương Vũ, con trai của nhà văn Tô Hoài, kể: “Cụ (nhà văn Tô Hoài) vẫn nhận được thư của thiếu nhi các nước trên thế giới gửi đến. Có thư thì cảm ơn, có thư thì thắc mắc. Cụ đã trả lời rất cẩn thận bằng tiếng Việt, sau đó nhờ dịch lại để hồi âm. Tôi nhớ nhất lần được đọc cùng cụ lá thư của một thiếu nhi ở Liên Xô (cũ) có thắc mắc: “Nhà văn Tô Hoài ơi, sao răng của Dế Mèn lại trắng? Cháu đọc sách khoa học thấy dế mèn có răng đen?”. Cụ đã trả lời: “Cảm ơn cháu, có thể là nhà văn nhầm!”. Và để sửa cái “nhầm” của mình, những lần tái bản sau của cuốn sách, cụ sửa lại: răng Dế Mèn màu xám! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận