Phóng to |
Dù phải chững lại gần mười năm kể từ Thung lũng hoang vắng (2002) nhưng với Tâm hồn mẹ, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vẫn chứng tỏ mình có đủ kiên trì, đam mê và bản lĩnh theo đuổi phim truyện nhựa, đặng khỏa lấp một khoảng trống đáng ngạc nhiên rằng cả chục năm ấy, điện ảnh VN vẫn chưa có một nữ đạo diễn nào khác cất lên tiếng nói về giới mình, và hơn nữa, của thế hệ mình.
Khác với truyện ngắn cùng tên chưa phải xuất sắc nhất trước đó (1982) của Nguyễn Huy Thiệp, bộ phim tái dựng bối cảnh không - thời gian rất cụ thể mà tính chất ổ chuột, tha phương cầu thực, tứ chiếng giang hồ không tìm nơi đâu sinh động, đậm đặc cho bằng: xóm bãi giữa ven chân cầu Long Biên. Chị Lan (Hồng Ánh thủ vai) và con gái, bé Thu (Phùng Hoa Hoài Linh) là hai công dân tiêu biểu cả về lý lịch lẫn số phận của nơi này: không chồng, không cha; mưu sinh bằng gánh hoa quả mua đi bán lại. Người đàn bà một con ấy dẫu nhọc nhằn, chao chát nơi chợ búa thì vẫn “trông mòn con mắt” nên đã biết cách bấu víu với một anh lái xe (Trương Minh Quốc Thái đóng) nay đây mai đó như thể giải tỏa khát khao tình dục bản năng và để tìm bàn tay chở che trong ý niệm gia đình xa vợi.
Bé Thu sớm khôn trước tuổi và hiểu rằng giọt nước mắt cô độc tủi phận của mình cũng thật khó dập tắt ngọn lửa đương xuân nơi người mẹ. Thu chỉ còn một người bạn, cậu bé Đăng (Tùng Lâm) tuy có ông bà ngoại chăm sóc nhưng bất hạnh hơn mình vì mẹ đã chết, bố bỏ đi biệt tích. Đăng ước ao có mẹ và thấy dưới bầu trời bãi giữa, nơi hoang dã biệt lập và nghèo khổ cùng cực, một cảm giác ấm áp, chiều chuộng, vỗ về mà Thu dành cho mình.
Cảm thức về mẹ, bao gồm có và mất, đi vào tâm hồn hai đứa trẻ qua những trò chơi ấu thơ vụng dại, qua tiếng cười trong trẻo, qua bước chân sợ hãi kiếm tìm. Thu và Đăng là hai cá thể thua thiệt trăm đường nhưng cũng là một thế giới hạnh phúc trọn vẹn vì mẹ luôn ở trong trái tim chúng, dẫu đời sống này xô đẩy mẹ chúng tảo tần miền biên viễn hay đã trở thành cát bụi. Bộ phim không tìm cách định nghĩa mẹ mà cho người xem một cách tượng hình về mẹ, về tình mẫu tử để góp thêm một giá trị sống rất thuần Việt: ngay cả người mẹ cầu bất cầu bơ như Lan vẫn không bao giờ từ bỏ con để chạy theo đòi hỏi riêng tư, hay ít nhất, chạy theo mà không có nỗi day dứt, đau đớn nào.
Tâm hồn mẹ, bởi thế, là sự tường giải những phức tạp nội tâm, tuy vô hình nhưng dai dẳng của người mẹ bất hạnh, của người con cô đơn khi bị hất vào những ngặt nghèo số phận, khi phải đối mặt với quá nhiều thử thách để được tồn tại như bình thường. Và nó trở nên xúc động dù chỉ với một cú pháp tự sự tuyến tính và sự khéo léo khi gia giảm màu sắc đối nghịch trong những khung hình tinh khiết, thơ mộng bật lên thật tươi sáng, bên cạnh cái xù xì, xám ngắt của kiếp sống cần lao.
Ở Tâm hồn mẹ, với thái độ tiếp cận hiện thực nghiêm túc, kiểu nhân vật bị bỏ quên như trong Thung lũng hoang vắng lại xuất hiện với mẫu số chung khá rõ: những tấm thân bọt bèo, phiêu dạt có dịp cư trú cùng nhau để ước vọng hạnh phúc, yêu thương. Họ không có vị thế xã hội. Nhưng họ có gương mặt, tiếng nói của kẻ ngoài rìa, của một thực tế xót xa, chua chát diễn ra bên trong thời đô thị hóa. Hành trạng và căn cước của họ đang ngày một đông dần lên khiến mọi phù hoa hào nhoáng thêm phần đắng đót.
Thiển nghĩ, một quan điểm nghệ thuật hướng về cõi nhân sinh kia thật đáng trọng. Nếu Tâm hồn mẹ không làm thỏa mãn yêu cầu đột phá phong cách thì theo người viết, điều quan trọng là nó sẽ thật tự nhiên khiến người xem động lòng trắc ẩn và cảm thương vốn từ lâu rồi, cũng không mấy có mỗi khi đến rạp.
Tâm hồn mẹ trở nên hiếm hoi và đáng ngưỡng mộ không chỉ vì nó là sản phẩm của người nữ đạo diễn đã vượt qua những khắc nghiệt công việc từng là lời than vãn, e ngại của số đông đồng nghiệp, mà còn vì nó dung chứa một cảm hứng nhân văn sâu sắc, một ngôn ngữ điện ảnh trữ tình giản dị, thuần túy truyền thống. Nhờ thế, bộ phim như một điển hình cho cảm quan nghệ thuật riêng khó lẫn với số đông đang rất thời thượng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận