Thế nhưng để xây trung tâm hội nghị thì phải cải tạo nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh Bến Tre và di dời 14.000 hiện vật đi nơi khác.
Phóng to |
Nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh Bến Tre sẽ trở thành phòng họp - Ảnh: Ngọc Hậu |
Theo đó, trung tâm sẽ xây dựng các hạng mục bao gồm: khối hội nghị 1.000 chỗ (xây mới) với diện tích 10.777m2 gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt, 2 tầng lầu, 1 tầng kỹ thuật; cải tạo nhà trưng bày thành các phòng họp lớn nhỏ với tổng diện tích sàn 2.279m2.
Nhà trưng bày thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre thuộc Bảo tàng tỉnh Bến Tre là nơi đang lưu trữ hơn 14.000 hiện vật trong giai đoạn lịch sử từ trước năm 1930 đến nay và trên 1.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học. Nhà trưng bày thể hiện quá trình hình thành đất và con người Bến Tre qua từng giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
Bảo tàng tỉnh Bến Tre gồm nhà trưng bày và khối văn phòng (căn nhà cổ cạnh nhà trưng bày).
Với diện tích sàn khoảng 1.200m², nhà trưng bày thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre được xây dựng từ năm 2002, đến năm 2006 mới đưa vào hoạt động với tổng kinh phí bao gồm cả trang thiết bị khoảng 10 tỉ đồng. Nếu chuyển đổi công năng, di dời hiện vật thì sẽ phải đập bỏ nhiều khu trưng bày mô hình người nông dân, kể cả mô hình vườn cây ăn trái đặc thù của Bến Tre...
Bà Phạm Thị Lan - phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre - cho biết hằng năm nhà trưng bày tiếp đón khoảng 100.000 người - phần nhiều là học sinh - đến tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Bến Tre.
Nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong đầu tư cải tạo, thay đổi chức năng sử dụng công trình nhà trưng bày thành trung tâm hội nghị của tỉnh, ngày 11-6 Sở VH-TT&DL mời các ngành có liên quan họp lấy ý kiến. Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành của tỉnh Bến Tre đã thống nhất chủ trương của tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ngày 12-7, UBND tỉnh có công văn đề nghị Sở VH-TT&DL chuyển các hiện vật đang lưu trữ tại nhà trưng bày về lưu trữ và bảo quản tại trung tâm văn hóa tỉnh mới xây dựng (chưa sử dụng). Công văn qua lại, nhưng đến ngày 15-10 các ngành chức năng họp lại vẫn chưa biết giải quyết việc di dời như thế nào. Thậm chí do số hiện vật lưu trữ quá lớn, các đơn vị phải chọn nhiều vị trí để lưu trữ như trụ sở Sở VH-TT&DL (khi sở này dời về trụ sở mới), tòa án tỉnh, lầu ba trung tâm lưu trữ văn phòng tỉnh ủy.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - trưởng phòng kiểm kê, bảo quản Bảo tàng tỉnh Bến Tre - băn khoăn cho rằng các hiện vật có khả năng bị hư hỏng nếu di dời qua các đơn vị khác để tạm giữ. Ở những nơi toàn kính như trung tâm văn hóa tỉnh, những hiện vật như giấy, vải có thể sẽ nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng vì nóng.
Bà Phạm Thị Lan cho biết hiện Bảo tàng tỉnh Bến Tre đang gấp rút chuẩn bị đóng gói, di dời các hiện vật cũng như tranh ảnh của bảo tàng để cuối năm 2012 giao lại tòa nhà cho các cơ quan chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, ngày 16-10, trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Công Dũng - chánh văn phòng UBND tỉnh Bến Tre - cho rằng hiện dự án trung tâm hội nghị tỉnh đang thiết kế và ông cũng chưa biết chính xác thời điểm khởi công xây dựng vì chưa có vốn. Cũng theo UBND tỉnh, nếu cân đối được vốn ngân sách, một nhà trưng bày khác sẽ được xây dựng vào năm 2015.
Quảng Nam: bảo vệ nghiêm ngặt các bảo tàng Theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả vừa có công văn chỉ đạo các địa phương, cơ quan hữu quan “tăng cường bảo vệ an toàn hiện vật trong bảo tàng và di tích”. Đây là chủ trương nhằm đảm bảo an toàn cho các tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày trong bảo tàng và di tích, nhất là các tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Sở VH-TT&DL, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo bảo tàng, trung tâm quản lý di tích, danh thắng từ tỉnh đến các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ cũng như đầu tư trang thiết bị bảo vệ, bảo quản kho lưu trữ tài liệu, hiện vật; xây dựng và triển khai các phương án xử lý tình huống đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bảo tàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận