Phóng to
Tuổi Trẻ chuyển những “nỗi niềm” ấy đến nhà nghiên cứu triết học BÙI VĂN NAM SƠN - thành viên hội đồng xét tuyển và trao giải Sách hay 2012.
* Những tác phẩm được trao giải là hoàn toàn xứng đáng với nhiều tác phẩm đã được thử thách với thời gian, nhưng bạn đọc đòi hỏi cao hơn, khi muốn nhìn từ giải thưởng một sự khám phá, sự khẳng định cái mới...
- Trong lễ trao Giải thưởng Sách hay 2012 hôm 20-9 vừa qua (xem Tuổi Trẻ ngày 21-9 - PV), các đại diện của tám hội đồng xét tuyển với hơn 40 chuyên gia trên các lĩnh vực: nghiên cứu, tra cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, thiếu nhi, văn học (chỉ bao gồm sách thuộc lĩnh vực tiểu thuyết) và Dấu ấn mới đều đã thú nhận sự khó khăn khi bầu chọn. May thay, phần lớn là sự khó khăn... vui vẻ vì được đứng trước khá nhiều sự lựa chọn chứ không phải của cảnh “ngậm ngải tìm trầm”! Chỉ duy nhất giải sách viết dành cho lĩnh vực sách quản trị là phải gác lại.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng tự hài lòng và cảm thấy đã có thể thỏa mãn sự chờ đợi của bạn đọc nếu muốn đáp ứng đồng thời cả hai yêu cầu: vừa tìm được những công trình có giá trị lâu dài, vừa cho thấy một sự khám phá và khẳng định cái mới. Tuy vậy, nếu nhìn tổng thể, trong số 14 loại giải thưởng (một sách viết và một sách dịch trên bảy lĩnh vực) và một giải thưởng “dấu ấn mới”; việc tôn vinh những công trình đã được thời gian thử thách có khi cũng là sự tái khám phá, tái khẳng định những giá trị đích thực, để mong người đọc chú ý và đón nhận những lần tái bản.
Giải thưởng Sách hay, trước hết, có mục đích khiêm tốn là giới thiệu những quyển sách quý rất nên có mặt trong tủ sách gia đình của những người yêu sách. Tuy nhiên, với chủ đề Sách và khai minh, Giải thưởng Sách hay 2012 cũng có tính thông điệp cao: đề xướng tinh thần tiến bộ, khai minh trong nhận thức, tinh thần nghiêm túc trong học thuật và tinh thần cải cách trong khoa học, giáo dục.
Nhiều giải thưởng đã dành cho những công trình khá mới mẻ trong chiều hướng ấy, như trong lĩnh vực sách tra cứu (Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao), kinh tế (Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam) và giáo dục (200 năm Đại học Humboldt, kinh nghiệm thế giới và Việt Nam).
* Tiêu chí sách được xét chọn là sách được in từ năm 1975 đến nay, phải chăng đó là một khoảng thời gian quá dài, nhất là giữa “biển sách” như hiện nay? Điều ấy, thưa ông, có khiến một số giải thưởng chỉ như khẳng định lại những giá trị đã được công nhận, chẳng hạn giải Sách hay ở hạng mục sách Văn học lần này được trao cho Trăm năm cô đơn, tác phẩm đã đoạt giải Nobel văn chương 1982?
- Khác với nhiều giải thưởng mang tính cập nhật, chẳng hạn “Sách hay trong năm”, việc chọn quãng thời gian khá dài ấy chính là nhằm mục đích không để cho những quyển sách quý bị quên lãng hay chìm ngập trong “biển sách”.
Riêng đối với thể loại tiểu thuyết vốn thu hút mạnh mẽ sự chú ý của bạn đọc, nếu chọn được một tác phẩm vừa mới mẻ vừa có triển vọng trở thành “bất hủ” thì không còn gì hạnh phúc bằng! Trăm năm cô đơn trong Giải thưởng 2012 và Hoàng tử bé trong Giải thưởng 2011 chẳng hạn, là tương đối cũ về thời gian, nhưng đối với không ít độc giả lại là mới và, nhờ giải thưởng, được hăng hái tìm mua và đọc.
Bên cạnh đó, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Giải thưởng 2011) và Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (Giải thưởng 2012) có bao giờ là... cũ?
* Nhưng, nên chăng có thể khoanh vùng lại trong vòng năm hay 10 năm từ khi sách được in đến khi được xét giải?
- Đó cũng chính là suy nghĩ của chúng tôi khi quyết định bầu chọn thêm một giải thưởng mới cho năm nay: giải thưởng “Dấu ấn mới” dành cho Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú - một công trình khoa học mới xuất bản gần đây mang đậm tính khám phá và có thể gây tranh cãi. Vâng, tại sao không mở rộng giải thưởng “Dấu ấn mới” cho cả lĩnh vực tiểu thuyết để cổ vũ cho những sáng tạo mang tính đột phá, thử nghiệm? Hi vọng hội đồng trao giải sẽ bàn thêm về việc này trong giải thưởng các năm tới, bên cạnh tiêu chí cố hữu.
Và cả việc tăng thêm các giải thưởng cho nhiều lĩnh vực quan trọng khác nữa, chẳng hạn cho việc phổ biến tri thức khoa học và sách dạy nghề...
Giải thưởng Sách hay mới lên hai, là nỗ lực chung ban đầu của đông đảo độc giả và chuyên gia. Nhận được sự tin cậy của dư luận đã là quý, được bạn đọc “đòi hỏi cao hơn” lại càng quý hơn nữa. Giải thưởng Sách hay mong mỏi lắng nghe cao kiến của mọi người để được trở thành của mọi người.
Giải thưởng Sách hay là một giải thưởng thường niên do Dự án Sách hay (www.SachHay.org) và Trường PACE cùng khai lập và do Viện IRED - một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - tổ chức điều hành. Theo ban tổ chức, đây là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách của VN, một giải thưởng có quy mô khá rộng do học giả và độc giả bình chọn, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một “màng lọc tri thức” giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận với những tri thức và những chuẩn giá trị tiến bộ của VN và thế giới. Hội đồng trao giải năm 2012 gồm nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, TS Quách Thu Nguyệt, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung và GS Võ Tòng Xuân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận