Phóng to |
Từ trái qua: Hồng Dương, Thanh Thủy, Hoàng Mạnh - những thí sinh gây tiếc nuối cho khán giả khi ngừng cuộc chơi - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Vòng Đối đầu vốn là vòng thi gay cấn và mang đến nhiều cảm xúc lẫn tranh cãi nhất của phiên bản The Voice trên toàn thế giới. “Đối đầu” nói trắng ra là một cuộc đấu không nhân nhượng, không hỗ trợ lẫn nhau, chỉ có thắng - thua, người đi tiếp và kẻ ra về. Thế nhưng trong một sân chơi nghệ thuật, một cuộc thi ca hát, dẫu sân khấu có được thiết kế như một võ đài, thì sự “đánh đấu” trên võ đài đó cũng phải nghệ thuật và... thi vị chứ không thể hùng hục như đấu vật. Đó là cái hay của những người đã nghĩ ra và làm nên định dạng của The Voice. Cuộc “so găng” trên võ đài The Voice phiên bản Mỹ hầu hết đều là cuộc chiến ngang ngửa, rất khó phân thắng bại ở chất giọng, kỹ thuật hát của thí sinh. Các HLV thường dựa vào những yếu tố khác để quyết định: sự tự tin, đa dạng trong phong cách, sự quyết tâm với nghề nghiệp, khả năng thích nghi với môi trường showbiz, cái duyên sân khấu, tố chất ngôi sao cùng tiềm năng tỏa sáng trong tương lai... để quyết định sẽ chọn hay loại một thí sinh. |
Qua tập 1 vòng của Giọng hát Việt, người xem đã phần nào thấy được cái lý trong sự lựa chọn “chiến binh” của các huấn luyện viên (HLV). Thế nhưng phần lớn khán giả đều chưa hài lòng bởi cách thể hiện và độ chênh trong giọng hát của các cặp đối kháng ở tập 1 chưa thật sự gây bối rối hoặc khó xử cho các HLV.
Hầu hết các cặp đều mạnh ai nấy hát, cốt giành phần thắng về mình (duy chỉ có cặp Dương Quốc Huy và Ngân Bình khá tình cảm và chịu lắng nghe nhau trong ca khúc Everything I do, I do it for you của Bryan Adams). Đó cũng là lý do vì sao ngay sau khi vòng Đối đầu vừa lên sóng chừng một giờ, nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook đã mạnh dạn đổi tên chương trình thành Giọng hét Việt hay Giọng hú Việt.
Với những cặp đấu đáng chú ý (gồm một thí sinh sáng sân khấu với khả năng thu hút giới truyền thông nhưng hát không “chất” bằng thí sinh có vẻ ngoài “tối” hơn), kết quả mà các HLV đưa ra cũng không khó đoán. Trên các mạng xã hội, người xem đã dự đoán và bình luận cùng thời điểm truyền hình đang phát sóng phần thi của từng cặp đôi. Với Thanh Thủy và Bảo Anh, người xem đã bình luận “em xinh hơn sẽ thắng” và rõ ràng Bảo Anh được chọn.
Với cặp Hữu Thuận và “hot boy” Đào Bá Lộc cũng vậy, phần thắng thuộc về Bá Lộc. Ngay cả Hoàng Mạnh đầy sáng tạo, vượt trội ở giọng hát hơn nhưng vẫn phải chào thua Phan Ngọc Luân với bề ngoài tươi tắn, khỏe khoắn và nam tính. Cặp “hoàng tử” Bùi Anh Tuấn và Hồng Dương cũng tương tự khi giọng nam cao, khỏe và điêu luyện hiếm có của Hồng Dương không vượt qua nổi vẻ thư sinh “rất Hàn Quốc” cùng giọng hát nhẹ bay của Bùi Anh Tuấn.
Chưa bao giờ trong một cuộc thi thế này, dư luận gần như cùng đứng về một phía với nhận định chung: hầu hết thí sinh đi tiếp không phải là người đã thể hiện tốt nhất phần thi của mình. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về tiêu chí “tôn vinh giọng hát” của Giọng hát Việt - giọng hát được đặt vào vị trí trung tâm, trên mọi yếu tố khác của một nghệ sĩ trình diễn.
Cũng có người bắt đầu e ngại có khi Giọng hát Việt lại trở thành nơi lăngxê chính các HLV của chương trình thay vì thí sinh. Bởi thí sinh thắng cuộc sẽ mãi gắn chiến thắng của mình với danh tiếng của HLV. Và vì thế các HLV buộc phải toan tính để “gà nhà” của mình công thành danh toại.
Bản thân các HLV cũng hiểu rõ thị trường nhạc Việt hiện nay “say” hình thức hơn tài năng của một nghệ sĩ. Vì vậy dù đủ can đảm sắp xếp hai thí sinh “chủ lực”, ngang tài ngang sức của mình vào một cặp, thì các HLV cũng rất khó có can đảm loại thí sinh đủ khả năng “tạo dư luận” cùng bản lĩnh khuấy động thị trường trong tương lai.
Dẫu sao, người đi tiếp có lý do để đi tiếp, và người phải ngừng cuộc chơi cũng đã mang đến những ấn tượng đẹp cho người xem bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình. Cuộc thi vẫn đang tiếp diễn. Sẽ là quá vội nếu hoàn toàn thất vọng hay đưa ra những kết luận ngay thời điểm này...
Vòng Đối đầu vốn là vòng thi gay cấn và mang đến nhiều cảm xúc lẫn tranh cãi nhất của phiên bản The Voice trên toàn thế giới. “Đối đầu” nói trắng ra là một cuộc đấu không nhân nhượng, không hỗ trợ lẫn nhau, chỉ có thắng - thua, người đi tiếp và kẻ ra về. Thế nhưng trong một sân chơi nghệ thuật, một cuộc thi ca hát, dẫu sân khấu có được thiết kế như một võ đài, thì sự “đánh đấu” trên võ đài đó cũng phải nghệ thuật và... thi vị chứ không thể hùng hục như đấu vật. Đó là cái hay của những người đã nghĩ ra và làm nên định dạng của The Voice. Cuộc “so găng” trên võ đài The Voice phiên bản Mỹ hầu hết đều là cuộc chiến ngang ngửa, rất khó phân thắng bại ở chất giọng, kỹ thuật hát của thí sinh. Các HLV thường dựa vào những yếu tố khác để quyết định: sự tự tin, đa dạng trong phong cách, sự quyết tâm với nghề nghiệp, khả năng thích nghi với môi trường showbiz, cái duyên sân khấu, tố chất ngôi sao cùng tiềm năng tỏa sáng trong tương lai... để quyết định sẽ chọn hay loại một thí sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận