Nhiều bạn đọc còn khẳng định đây quả thật là chương trình không phải dành cho con nít. TTO trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về chương trình này.
Đồ rê mí làm tôi lo lắngLê Trần Nhật Tiến đoạt giải quán quân Đồ rê mí 2012
Phóng to |
Nhật Tiến trình diễn ca khúc Trống cơm. Một số khán giả cho rằng màn nhảy minh họa trong tiết mục này không phù hợp với một tiết mục dành cho thiếu nhi - Ảnh: Tiến Thắng |
Cái vung tay cũng giống người lớn
Khi xem trực tiếp đêm chung kết Đồ rê mí trên sóng VTV3, tôi thấy màn chúc mừng chương trình này tròn 6 tuổi có các cháu bé cầm ly rượu trên tay thì tôi đã thấy ngượng ngùng rồi. Tại sao không cho các bé cắt một chiếc bánh sinh nhật thật đẹp mà cầm một ly rượu trên tay? Còn phần biểu diễn của các bé, tôi thấy một số bé biểu diễn với những động tác vũ đạo, những bước nhảy như là của người lớn từ cách vung tay cho đến cái đưa mắt cũng là bắt chước người lớn? Liệu đó có phải là suy nghĩ ý tưởng của các bé hay do kịch bản của người lớn áp đặt lên?
Hãy giữ sự hồn nhiên cho trẻ thơ
Qua 6 năm, tôi thấy chương trình Đồ rê mí càng bộc lộ một điều gì đó không ổn đối với một sân chơi của trẻ con. Đúng hơn đây là chương trình của người lớn, vì thiếu vắng sự trẻ thơ thật sự. Ở một khía cạnh nào đó tôi nghĩ rằng một nền giáo dục cao cả là nền giáo dục giữ được tính cách hồn nhiên của trẻ thơ.
Tiết mục dành cho người lớn
Các nhận xét của ban giám khảo cho mỗi tiết mục biểu diễn không biết các bé có hiểu không. Mục đích của các lời khen, chê hình như chỉ đưa đến tai người lớn chứ không phải cho các bé. Nói tóm lại, các bé diễn theo kịch bản của người lớn và chỉ cho người lớn xem thôi.
Tôi đã phải chuyển kênh
Trước đây vào các tối phát sóng chương trình Đồ rê mí cả nhà chúng tôi đều háo hức chờ xem. Nhưng đến nay chương trình đã bị bàn tay người lớn "biến hóa" làm mất đi sự trong sáng của nó. Ngay từ cách thức thể hiện bài hát cho đến việc trả lời phỏng vấn của mấy cháu. Tôi không còn thấy sự hồn nhiên của lứa tuổi thiếu nhi mà chỉ thấy những đứa trẻ được "lập trình", "diễn" theo kịch bản của người lớn.
Các bé đã bị già đi
Chương trình của thiếu nhi nhưng theo tôi thấy nó thật sự là của người lớn. Từ cách ăn nói cho tới cách biểu diễn, không giống thiếu nhi chút nào. Nó giống như một kịch bản đã được dàn dựng sẵn. Tài năng là phải để tự nhiên.
Nét riêng của các bé đã bị mất đi
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chương trình Đồ rê mí thật sự không phải là sân chơi cho thiếu nhi với nhiều lý do:
- Đây là một chương trình dàn dựng của nhà tổ chức, biên đạo và của giám khảo.- Đây là một chương trình được dàn xếp với nhận xét, đánh giá của giám khảo.
Tôi rất thích chương trình từ những số đầu tiên với những giọng hát trẻ thơ, nhí nhảnh, hồn nhiên, vô tư. Với cách thể hiện rất trẻ thơ mà không cần phải dùng đến các phụ trang, trang phục "hoành tráng". Nhưng đến chương trình năm nay, tôi thật thất vọng bởi các thiếu nhi không có cơ hội thể hiện nét riêng của mình mà phải theo sự chỉ đạo, định hướng của ban tổ chức.
Lo ngại về Đồ rê mí
Đồ rê mí 6 tuổi đã kết thúc, nhưng thực tế trong lòng tôi còn nhiều lo lắng. Tôi có con gái năm nay 5 tuổi; khi chương trình Đồ rê mí bắt đầu cho tham dự thi tuyển thì bà xã tôi và con gái rất muốn tham dự và hỏi ý kiến tôi, tôi đã thẳng thắn nói không, sau đây là những lo ngại của tôi:
1. Về lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học: các em chỉ nên sử dụng các bài hát dành cho trẻ em, phù hợp với tâm hồn tuổi thơ, tiết tấu không quá khó.
2. Về thời gian: ở lứa tuổi này chưa nên cho các bé quay với lịch trình như công tác chuẩn bị của ban tổ chức.
3. Về sức khỏe: trẻ em rất dễ bị bệnh do các hoạt động trên mức bình thường, nhạy cảm với hóa chất do trang điểm nhiều.
4. Về văn hóa: tôi hoàn toàn đồng ý với các nét văn hóa mới, hiện đại nhưng hãy để các bé tiếp cận khoa học, bài bản chứ không nên gượng ép để tạo sự bắt buộc.
Tôi cũng xin góp ý với ban tổ chức: nếu thật sự tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, hãy để cho các bé thể hiện các tác phẩm của mình một cách tự nhiên. Ban giám khảo phải là những người chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc - nghệ thuật để chúng ta tìm tài năng và ươm mầm thì mới thật sự có hiệu quả.
Đồ rê mí càng coi càng thấy buồn
Đọc bài viết của bạn Nguyễn Thị Hằng, tôi cảm thấy rất đúng. Thời gian đầu tôi còn say sưa theo dõi vì sự ngây ngô mang đậm tính trẻ thơ trong những câu trả lời của các bé và các bài hát biểu diễn phù hợp với tuổi nhí. Nhưng về sau càng xem càng thấy lai căng. Người lớn chẳng phải, bé nhí cũng không...
Hãy thật sự vì tuổi thơ
Là một người đang làm về truyền thông, tôi cũng có những đồng cảm với tác giả bài viết. Khi VTV3 phát sóng chương trình này, thay dần sự náo nức là nỗi lo chế ngự. Đúng là ban tổ chức làm chương trình phục vụ cho chính mình chứ không thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội và đặc biệt là lớp tuổi thơ. Xuyên suốt đêm chung kết, khán giả chỉ thấy bé Bảo Trân còn giữ được phần nào nét hồn nhiên. Chương trình không khác mấy cách làm các showbiz của người lớn. Hi vọng nếu Đồ rê mí còn tiếp tục, ban tổ chức hãy trả sân chơi lại cho các cháu và đừng nghĩ mình thông minh và chuyên nghiệp hơn phụ huynh cũng như khán giả xem trực tiếp và qua màn ảnh nhỏ.
Mớm lời cho trẻ
Tôi xem đoạn phỏng vấn các thí sinh phát trong chương trình thời sự trước đó và quyết định không xem nữa. Vì đó là cuộc thi không đơn thuần chỉ dành cho các em. Không hiểu sao họ có thể mớm trước lời cho trẻ khi trả lời phỏng vấn, để rồi khi các em phát biểu nghe sao cứ như những sinh viên đại học đang nói chứ không phải các em? Trẻ con dù có phát biểu thế nào cũng đều đáng yêu cả, và dù cho các em có nói lắp, nói ngắc ngứ đi nữa thì cũng chẳng ai cho đó là "hạt sạn" của chương trình. Trẻ con cần sự hồn nhiên và ngây thơ đáng có của các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận