12/08/2012 04:32 GMT+7

Trễ!

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TT - Khoảng giữa tháng 7-2012, nhiều trang báo đưa tin nữ nghệ sĩ Trung Quốc Tạ Na quỳ gối, cúi rạp đầu, nói lời xin lỗi khán giả trong làn nước mắt vì đến trễ hơn hai tiếng rưỡi so với giờ công diễn vở kịch mà cô đóng vai chính tại Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc.

Như “số phận” chung của những nhất cử nhất động của các ngôi sao, hành động ấy của Tạ Na khiến một số người xúc động, thán phục; số khác lại cho rằng đó là chiêu đánh bóng tên tuổi, là “diễn”... Nhưng có lẽ, thông điệp không thể phủ nhận của hành động ấy là cần phải xin lỗi khi đến trễ, dù lý do trễ là khách quan hay chủ quan.

Khoảng thời gian học tập hai tháng tại Berlin (Đức) cùng các đồng nghiệp từ 12 nước thuộc châu Á và châu Phi đã giúp tôi trải nghiệm chuyện đúng giờ và lời xin lỗi khi đến trễ.

Từ ngày đầu, những người tổ chức khóa học đã dành thời gian nói về quy tắc đúng giờ để nhắc các học viên đúng giờ trong mọi hoạt động chung, từ đến lớp, tham quan bảo tàng, cắm trại, nghe hòa nhạc hay đi xem bóng đá, đạp xe đến vườn bia... Và người nhiệt tình “giám sát” sự đúng giờ của học viên chính là giảng viên. Một giảng viên người Đức mang đến lớp một cái chuông và một cái ống thổi để báo giờ vào lớp (và cũng để nhắc nhở học viên nào để điện thoại reo hay để máy tính phát ra âm thanh trong giờ học). Có lần, một học viên thắc mắc: “Còn một phút nữa mới đến giờ, sao thầy nhấn chuông?”. Ông nói: “Tôi nhấn chuông là để nhắc các bạn còn đúng một phút nữa”.

Song, cái kỷ luật giờ giấc ấy không phải lúc nào cũng được tôn trọng.

Lớp có 15 học viên, vài buổi đầu khi thấy còn thiếu người, giảng viên thứ hai (mỗi buổi học thường có hai giảng viên) sẽ... cầm chuông đi tìm. Các buổi sau thì không ai đi tìm người nữa và giảng viên thường nói với người vào trễ: “Tôi xin lỗi phải bắt đầu bài học đúng giờ vì chúng tôi không thể đợi bạn”.

Sợ trễ, sợ phải nghe câu “Bạn đến trễ!” như một lời “buộc tội” dù được nói bằng giọng nhẹ nhàng nhất hay kèm với một nụ cười, sợ phải rối rít nói: “Tôi xin lỗi đã đến trễ” trở thành nỗi e ngại có thật trong số không ít học viên đến từ những nơi mà “giờ cao su” là điều gì đó không thật quá khủng khiếp. Cũng vì sợ trễ mà nhiều người chọn cách đi thật sớm và bắt đầu “cài đặt” suy nghĩ: đến sớm ít phút thì an toàn hơn đúng giờ.

Nơi dễ dàng chứng kiến nỗi sợ trễ giờ nhất chính là nhà ga hay trạm xe buýt. Khi những bảng điện tử báo hiệu một chuyến tàu đang dừng hay sẽ đến trong 1-2 phút nữa thì thế nào cũng sẽ có những người lao như tên bắn, bất kể đang vác xe đạp, kéo vali lỉnh kỉnh, đang dắt chó hay đẩy con.

Một lần, cô bạn người Đức vui vẻ nói với tôi: “Hôm trước mình hẹn một người và mình đến trễ. Hôm nay đến lượt anh ta trễ. Mình rất vui vì như vậy là hòa!”. Lẽ nào sự bù đắp ổn thỏa nhất cho cái sự trễ tràng lại chính là sự trễ tràng?

Tôi chợt nhớ đến những câu quen thuộc tình cờ nhặt được đâu đó trong thế giới mạng: “Muốn biết giá trị của một ngày, hãy hỏi người lao công nhận lương cuối mỗi ngày làm việc/Muốn biết giá trị của một giờ, hãy hỏi những người yêu nhau đang chờ mong để gặp mặt/Muốn biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu”. Có lẽ muộn một chuyến tàu vì trễ một phút đôi khi còn kèm theo nỗi áy náy vì đã khiến ai đó phải chờ đợi. Một phút trễ thì có thể tính được, còn nỗi áy náy, bực bội thì có lẽ khó tìm được thước đo nào tương thích.

Chuyện đúng giờ cũng là chủ đề quen thuộc của không ít người Việt học tập tại Đức. Và sau những câu chuyện phiếm, sau những phép so sánh “xứ người - xứ ta”, có người nói đùa: “Cái thói quen đúng giờ không biết có bị mai một khi quay về không vì coi chừng đúng giờ quá thì bị... thiệt và hơi khác người. Đôi khi trễ giờ lại là... giữ gìn bản sắc!”.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên