01/08/2012 06:45 GMT+7

Hàng chục bức tranh thời chiến tranh "thất lạc"

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Có hàng chục tranh ký họa thời chiến tranh của họa sĩ Bến Tre đã bị thất lạc. Ðiều đáng nói là tranh không chỉ mất vì bảo quản không tốt.

Một số đã "mất" do đồng nghiệp - một người từng có hai nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch một hội văn học nghệ thuật - mang tranh đem bán!

Trong đó họa sĩ Nguyễn Hoàng (nguyên hiệu trưởng Trường ÐH Mỹ thuật TP.HCM) mất 20 bức, họa sĩ Trường Chăm (nguyên hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Bến Tre) mất không dưới 30 bức.

IuYuoSfq.jpgPhóng to

Ông Vương Thu Hồng, phó giám đốc Bảo tàng Long An, kiểm tra chữ ký, tên của tác phẩm Sau trận chiến đấu - Ảnh: Q.Vinh

Ðiều đáng nói là tranh không chỉ bị mất vì bảo quản không tốt mà một số bị "mất" còn do đồng nghiệp - một người từng có hai nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch một hội văn học nghệ thuật - mang tranh đem bán!

Tưởng thất lạc nhưng lại ở bảo tàng

Chuộc tranh từ người bán ve chai

Về vấn đề bảo quản tranh, họa sĩ Trường Chăm cho biết trong một đợt tỉnh Bến Tre tổ chức triển lãm tranh thời chiến tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tranh triển lãm đã bị rơi và bay ra đường. Một người bán ve chai đã nhặt lại hàng chục bức tranh của họa sĩ Dương Tấn Hồng, Đặng Văn Long, Trường Chăm và đề nghị họa sĩ chuộc lại.

Câu chuyện này tồn tại mấy mươi năm trong nỗi bức xúc của các họa sĩ, nhưng đến gần đây mới râm ran trong giới văn nghệ sĩ Bến Tre khi một học trò của họa sĩ Nguyễn Hoàng (69 tuổi) phát hiện bức tranh sơn dầu Sau trận chiến đấu của ông nằm ở Bảo tàng Long An thay vì tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Ðình Chiểu - Bến Tre.

Theo họa sĩ Nguyễn Hoàng, bức tranh khổ 1,8x1,1m này được ông vẽ trong ba năm khi học nghiên cứu sinh ngành mỹ thuật ở Nga, phía sau bức tranh ông có ký tên mình và viết tên tác phẩm bằng tiếng Nga. Khi về nước, ông đã đem bức tranh tham gia triển lãm khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre khoảng năm 1985, sau đó ông để lại cho Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Ðình Chiểu - Bến Tre, cụ thể là ông Lê Dân - lúc này đang làm việc tại hội - mượn.

Ngày 27-7, chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh Long An để tìm hiểu và thấy bức tranh như mô tả của ông Nguyễn Hoàng nằm ở đây thật. Ông Nguyễn Hoàng bảo ông rất vui khi biết "đứa con tinh thần" của mình tưởng đã thất lạc nay được tìm thấy. Thế nhưng ông cũng không hiểu vì sao tranh của ông lại vào được bảo tàng.

Ông Hoàng kể sau giải phóng, ông và vợ là họa sĩ Tạ Diệu Hương đã giao trực tiếp cho ông Lê Dân 20 bức tranh ký họa vẽ về chiến tranh ở tỉnh Bến Tre (1972-1975) để ngành văn hóa tỉnh Bến Tre tổ chức triển lãm, nhưng về sau được ông Lê Dân thông báo 20 bức tranh đã "bị thất lạc hết rồi". Ông rất buồn vì đó là những bức tranh ông vẽ khi đứng trước mưa bom, bão đạn và vẽ bằng cả trái tim đối với quê hương Ðồng khởi anh hùng.

Tranh mình, tên người

Trong khi đó họa sĩ Trường Chăm, 62 tuổi, nguyên hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Bến Tre, cho biết ông cũng bị mất "không dưới 30 bức tranh ký họa chiến tranh, vẽ từ năm 1967-1975". Theo ông, do từ năm 1976-1980 ngành văn hóa tỉnh tổ chức nhiều đợt triển lãm tranh nhưng bảo quản không tốt nên đã gây thất lạc trong và sau triển lãm.

Khi biết tranh bị mất, họa sĩ Trường Chăm đã cất công đi tìm. Kết quả là vào năm 2002 ông tìm thấy bốn bức ở... Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khi đi xem tranh của các họa sĩ vẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, ông không thể nào vui được bởi người ký tên trên các bức tranh của ông lại là ông Lê Dân!

Họa sĩ Trường Chăm kể: "Tôi phát hiện hai bức tranh của mình nhưng lại ký tên Lê Dân và đã đề nghị bảo tàng làm rõ vụ việc, kiểm tra các gói tranh mà ông Lê Dân đã bán trước đó. Kết quả là phát hiện thêm hai bức tranh của tôi cũng ký tên tác giả là Lê Dân".

MgvTlfhx.jpgPhóng to

Bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Chăm đã bị bán vào Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Q.Vinh

Vụ tranh chấp trên đã được ban kiểm tra Hội Mỹ thuật Việt Nam làm rõ và kết luận ông Lê Dân là người sưu tầm, lưu giữ nhiều tranh ký họa, ấn phẩm trong chiến tranh. Khi bán cho bảo tàng, để thủ tục có thể hoàn tất nhanh chóng, ông đã ký tên mình vào trong tranh của họa sĩ Trường Chăm. Ban kiểm tra đã yêu cầu họa sĩ Lê Dân có trách nhiệm trả lại tên cho tác giả và trả tiền đã bán tranh. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đã chỉnh sửa tên tác giả bốn bức tranh này là của họa sĩ Trường Chăm. Nhưng theo lời "khổ chủ", mãi tám năm sau ông Lê Dân mới trả lại khoản tiền bán tranh.

Xung quanh các vấn đề lùm xùm nói trên, ông Lê Dân giải thích sở dĩ số lượng tranh bị thất lạc nhiều là do ngành văn hóa Bến Tre không bảo quản kỹ sau các lần triển lãm, bản thân ông cũng có nhiều bức tranh đã bị mất. Ông thừa nhận có bán tranh của họa sĩ Trường Chăm cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nhưng "đó là tranh in ra từ bản gốc mà ông sưu tầm có được, những loại tranh in sao như thế nhiều lắm".

Tuy nhiên theo họa sĩ Trường Chăm, trong bốn bức tranh nói trên chỉ có ba bức là in sao, còn lại một bức là bản gốc của ông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Trường - phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bến Tre - nói sẽ tổ chức cuộc họp để làm rõ việc tranh bị thất lạc, hội cũng mong các họa sĩ có tranh bị thất lạc cung cấp thêm thông tin để hội có cơ sở tìm lại.

QUANG VINH

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên