19/07/2012 07:30 GMT+7

Cơ hội hiếm hoi cho khán giả Huế

THÁI LỘC - TIẾN LONG
THÁI LỘC - TIẾN LONG

TT - Ngày 18-7, dù diễn ra vào sáng thứ tư nhưng vở diễn Cái chết chẳng dễ dàng gì của Nhà hát kịch Quân đội vẫn thu hút gần 500 khán giả ngồi kín gần nửa số ghế trong hội trường Nhà văn hóa Huế.

Đây là vở thứ tám của Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012.

OsDvS7Mf.jpgPhóng to
Chủ tịch hội đồng giám khảo Lê Chức (giữa) trao đổi với các nghệ sĩ sau vở diễn sáng 18-7 -Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngay sau buổi diễn, ông Ðỗ Kỷ - phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên ban tổ chức - cho biết rất vui mừng vì khán giả đã đến xem kịch, không như những buổi đầu chỉ toàn nghệ sĩ đến xem nhau.

Khán giả đông dần

Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ, bắt đầu từ vở diễn Chia tay hoàng hôn của Nhà hát Kịch Việt Nam sáng 16-7, khán giả Huế đến rạp đông dần, nhất là vào các buổi diễn ban đêm. Ðặc biệt vào tối 17-7, với vở diễn Biển và bờ của Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu VN, khán giả đến gần như chật kín nhà hát (1.000 chỗ). Tiếng vỗ tay đã râm ran hơn, tạo cảm hứng cho nghệ sĩ diễn hết mình trên sân khấu. Ông Ðỗ Kỷ cho biết ban tổ chức đã làm hết khả năng để thu hút khán giả, phát tờ rơi, dán apphich, rao trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tuy nhiên, nhiều khán giả cho biết không phải họ hờ hững với cơ hội hiếm hoi được xem cuộc so tài của làng kịch nói Việt Nam, mà do trước đó họ không hề biết đến liên hoan này. Thậm chí, nhiều người còn thấy tiếc khi đến buổi diễn thứ ba mới biết đến liên hoan này. Phần lớn họ biết là do người thân đi xem về kể lại hoặc điện thoại báo tin cho nhau.

Ông Nguyễn Văn Long (một khán giả ở phường Tây Lộc, Huế, đã đến xem năm vở liên tiếp kể từ sáng 16-7) cho biết ông nhận được thông tin vào cửa tự do từ một người bạn gọi điện và đã tức tốc đến xem. Ông cảm thấy tiếc vì bỏ lỡ ba vở đầu do không biết thông tin. "Ðược ngồi phòng máy lạnh miễn vé, xem các đoàn kịch chuyên nghiệp lừng danh với những nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Vân, Xuân Bắc, Minh Nhí, Thanh Vân, Quốc Trị, Minh Tuấn... thì quả là cơ hội hiếm hoi" - ông Long nói.

Ðược biết việc tuyên truyền, treo apphich trên các tuyến đường của TP Huế bắt đầu tiến hành trước ngày khai mạc chừng một tuần. Phương án mời và thu hút khán giả của ban tổ chức ở địa phương đã tiến hành rất cập rập trong những ngày gần kề liên hoan. Và "chiến dịch" tuyên truyền rầm rộ, đổi mới cho hấp dẫn hơn để kêu gọi khán giả cũng bắt đầu kể từ ngày khai mạc trở đi.

Thật tiếc, nếu bỏ qua...

Liên hoan mới đi hết 1/3 chặng đường nên các thành viên hội đồng giám khảo chưa trả lời bất cứ những gì liên quan đến chất lượng nghệ thuật. Chủ tịch hội đồng giám khảo Lê Chức nói: "Chưa nên nhận xét gì vì cuộc so tài vẫn đang diễn ra. Ðiều đáng nói là mong khán giả đông hơn để chúng tôi được phục vụ!". Nghệ sĩ Lê Chức cho rằng xem kịch có thể không phải là sở thích của khán giả Huế, bởi ở đây có hai "món" quen thuộc là nhã nhạc và ca Huế; kịch nói thì từ Bắc đưa vào miền Nam và có thể chưa đến được Huế.

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình (giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế), người theo dõi gần như đầy đủ các vở diễn, cho rằng do tính chất quan trọng của liên hoan này nên các đoàn đã chọn tác phẩm yên tâm nhất, cả về nội dung lẫn nghệ thuật để tham gia. Về chuyên môn, theo nhận xét của ông Bình, các vở diễn đến từ miền Nam cuốn hút hơn do "đánh" vào cảm xúc của người xem trước rồi mới tác động đến lý trí, còn các vở đến từ miền Bắc lại bắt cảm xúc phải theo lý trí nên nặng nề hơn. Ông nói rất tiếc cho người dân Huế nếu bỏ qua cơ hội hiếm hoi được thưởng thức một cuộc so tài lớn của kịch nói Việt Nam.

"Festival kịch nói" Việt Nam vẫn còn chín ngày đêm nữa (đến 28-7), vì vậy cơ hội hiếm hoi ấy vẫn chưa muộn với khán giả Huế và cả du khách đến Huế.

THÁI LỘC - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên