23/06/2012 04:06 GMT+7

Tiền nhiều, tượng vẫn xấu!

 QUANG THI
 QUANG THI

TT - Hội thảo Thực trạng và mục tiêu quy hoạch ngành mỹ thuật đến năm 2020 vừa được Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức vào sáng 22-6 tại Cơ quan đại diện Bộ VH - TT & DL phía Nam, TP.HCM.

GUyuo39O.jpgPhóng to

Tượng đài - một thực trạng bức bối của mỹ thuật VN. Trong ảnh là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã từng được sửa chữa sau khi xuống cấp nhanh chóng vì bị “rút ruột” - Ảnh tư liệu

Mở đầu, nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng những đỉnh cao mỹ thuật nước nhà như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... trước đây hay các họa sĩ thời đổi mới sau này có cần được “quy hoạch” đâu mà vẫn xuất hiện. Cho nên, theo ông, Nhà nước nên xây dựng cơ sở hạ tầng, thể chế hóa bằng những văn bản pháp lý liên quan về mỹ thuật sẽ thiết thực hơn là “quy hoạch”, “định hướng” cho nghệ sĩ. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tỏ ra không mặn mà với chữ “quy hoạch”, họ dành thời gian cho “thực trạng” nhiều hơn!

Tượng đài là một thực trạng nhức nhối của ngành mỹ thuật, và ở hội thảo lần này một lần nữa không thể không được bàn đến. Có lẽ vì đã lên tiếng quá nhiều lần nên lần này nhà phê bình Nguyễn Quân tỏ ra kiệm lời, chỉ nói là tượng xấu, cứ na ná nhau, chất lượng nghệ thuật chỉ mới dừng lại ở mức “tranh cổ động bằng khối”.

Họa sĩ Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - đưa ra con số cả nước có 360 tượng, và ông cho rằng nếu chia đều cho 63 tỉnh thành thì mỗi tỉnh có gần sáu tượng cũng chưa gọi là... nhiều (!). Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành không nói đến vấn đề tạo ra sự bức xúc lâu nay chính là tượng xấu, xấu nhưng vẫn làm, làm nhiều tiền vẫn cứ... xấu. Thời mở cửa, mỗi tượng được duyệt độ 1 - 2 tỉ đồng, sau đó tăng lên hàng chục tỉ đồng, gần đây có quần thể tượng được duyệt lên cả hơn 400 tỉ. Thế nhưng, chất lượng tượng đài không vì thế mà khá lên được.

Có nhiều lý do để mổ xẻ về tượng đài kém thẩm mỹ và chất lượng. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên và Phan Gia Hương đều cho rằng vì nhà điêu khắc phải chiều theo ý bên đặt hàng. Nhưng có phải đây là lúc mọi trách nhiệm đều được các nhà điêu khắc “đá” hết cho các bên liên quan? Còn thực trạng của điêu khắc? Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên cho biết từ năm 1997-2012, VN đã tổ chức hơn 30 trại điêu khắc trong nước và quốc tế - số trại hằng năm chỉ xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Saudi Arabia. Trại tổ chức vội vã, tràn lan, thành phẩm có được sau đó thì vứt lăn lóc, chất lượng không dám bàn đến. Còn tại sao tượng xấu vẫn mọc lên, vẫn tốn kém? Nhà điêu khắc Phan Gia Hương khẳng định: “Nó vẫn cứ là một dòng chảy, người ta vẫn đặt hàng rất nhiều. Làm sao chúng tôi bỏ được”.

Thiếu khoa mỹ thuật truyền thống

Họa sĩ Uyên Huy khẳng định Nhà nước nói cần bảo tồn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, nhưng để cụ thể hóa thành thể chế như thế nào thì chưa rõ ràng. Ông kể khi thăm Thái Lan, Campuchia, ông đều thấy có khoa mỹ thuật truyền thống ở các trường nghệ thuật. Ở một trường mỹ thuật của Úc, ông thấy người ta còn sưu tầm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số VN cho sinh viên nghiên cứu. Cho nênhọa sĩ Uyên Huy bức xúc là: “Chúng ta nói cần bảo tồn bản sắc, nhưng có trường mỹ thuật nào ở ta có khoa mỹ thuật truyền thống như họ không?”.

 QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên