14/06/2012 05:03 GMT+7

Cảm hứng kịch lịch sử

QUANG THI
QUANG THI

TT - Sân khấu kịch IDECAF vừa đưa lên sàn tập vở kịch lịch sử mới: Vua thánh triều Lê (kịch bản: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh).

0ugcrxxs.jpgPhóng to

Các diễn viên của sân khấu IDECAF trên sàn tập vở Vua thánh triều Lê ngày 11-6 - Ảnh: T.T.D.

Kỷ niệm 15 năm ra đời (2-9-1997 - 2-9-2012), sân khấu kịch IDECAF chọn phục dựng vở Bí mật vườn Lệ Chi - một vở diễn đã gây tiếng vang của NSƯT Thành Lộc - làm “vở đinh” cho ngày kỷ niệm. Cùng lúc đó, bất ngờ họ nhận được kịch bản Vua thánh triều Lê của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, nội dung cũng đề cập bản án Lệ Chi viên của người anh hùng Nguyễn Trãi.

Như một cái “duyên” khi cùng lúc có trong tay hai kịch bản viết về nỗi oan khuất cay đắng của bậc danh nhân - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, những người làm kịch ở sân khấu IDECAF lập tức đưa Vua thánh triều Lê vào kế hoạch dàn dựng. Ngày 14-7, hai vở Bí mật vườn Lệ Chi Vua thánh triều Lê sẽ ra mắt tại nhà hát Bến Thành, TP.HCM.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo

Hai kịch bản về Nguyễn Trãi, vậy nội dung khác nhau ở chỗ nào? Ðạo diễn Vũ Minh cho biết nếu Bí mật vườn Lệ Chi đề cập bản án tử hình, tru di tam tộc của Nguyễn Trãi thì Vua thánh triều Lê sẽ là câu chuyện của 20 năm sau, khi vị vua Lê Thánh Tông hiền minh thấu hiểu và tìm cách minh oan cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê). Nếu Bí mật vườn Lệ Chi nổi sóng với những âm mưu, diễn biến, sự ghen ghét... dồn dập thì Vua thánh triều Lê sẽ sâu lắng ở cõi nhân tâm, khi những người chủ mưu vụ án Lệ Chi viên năm xưa phải dằn vặt với những tội lỗi của mình!

Thường khi chọn dựng kịch về đề tài lịch sử, các sân khấu đều thấy ngay cái khó đầu tiên là đầu tư cao (kịch bản, trang phục, âm nhạc, thiết kế), kén khán giả, dễ bị “bắt giò”! Cho nên cũng dễ hiểu khi hiếm hoi những vở kịch về đề tài lịch sử được ra mắt. Sau Bí mật vườn Lệ Chi (ra mắt năm 2000) của sân khấu Idecaf, từ năm 2008 đến nay, đếm trên đầu ngón tay chỉ có thêm Ngàn năm tình sử của sân khấu này và vở Nỏ thần của Sân khấu kịch Phú Nhuận, vở Tả quân Lê Văn Duyệt của Nhà hát kịch TP.HCM.

Lần này đưa Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê ra nhà hát Bến Thành, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng chưa lấy gì làm chắc chắn về khả năng bán vé: “Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh, quy mô, nhưng khán giả thế nào thì... cũng chưa biết được! Trước mắt, chúng tôi cứ làm như bao nhiêu năm nay vẫn làm là... lấy kịch thiếu nhi nuôi kịch người lớn”.

Chờ đợi... Hồ Quý Ly

Ðạo diễn Vũ Minh chia sẻ: “Làm kịch lịch sử dễ bị cho là khô khan, cứng nhắc. Chưa kể đề tài lịch sử cũng dễ sa vào những vấn đề bị cho là... cấm kỵ! Cho nên, chúng tôi cũng chỉ làm và khai thác những nội dung lịch sử đã được thừa nhận mà thôi. Dựa trên những nội dung như vậy chúng tôi sẽ sáng tạo thêm phần nghe, phần nhìn... để tạo hấp dẫn cho khán giả”. Vũ Minh cũng tâm sự anh vốn tâm huyết với đề tài lịch sử và từng “đặt hàng” tác giả Lê Duy Hạnh khi nào có kịch bản về đề tài này thì cho anh xin. Nhưng giờ đây dễ thấy Vua thánh triều Lê được đặt song song với Bí mật vườn Lệ Chi của bậc đàn anh Thành Lộc là một thử thách khá lớn đối với đạo diễn Vũ Minh.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói rằng khi làm kịch lịch sử ông thường nhận hai chiều ý kiến: hoặc là chê “đồ khùng”, hoặc vì lòng tự tôn dân tộc mà khen bốc tận mây xanh. Bị chê “khùng” thì cũng mất đi ít nhiều tâm huyết, còn nếu được khen không đúng như thực tế cũng... thấy ngại! Tất nhiên, nói gì thì nói, mạch chảy kịch lịch sử sẽ không dừng lại. Sau Nguyễn Trãi, nhân vật làm cho Huỳnh Anh Tuấn cảm thấy thu hút và bị hấp dẫn nhất chính là Hồ Quý Ly. Ông đã từng ra Bình Ðịnh lục tìm kịch bản tuồng về Hồ Quý Ly, từng đặt hàng cho các tác giả viết và lâu nay vẫn mong đợi một kịch bản có thể khai thác hết tầm vóc của vị vua cải cách này. Huỳnh Anh Tuấn quả quyết nếu có một kịch bản Hồ Quý Ly tâm đắc, ông sẽ đầu tư ngay.

Làm kịch lịch sử là nhu cầu có thật

Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Công ty Thái Dương, chủ quản của sân khấu kịch IDECAF và sân khấu số 7 Trần Cao Vân: “Nói thực tâm thì chúng tôi muốn làm kịch lịch sử, đó là một nhu cầu có thực. Chúng tôi nghĩ rằng phải làm liên tục, có như vậy mới nhận ra lịch sử của dân tộc mình là như thế nào chứ! Khi làm kịch lịch sử, được xử lý một tà áo, một cái khăn đóng hay một làn điệu ca dao, âm nhạc... cũng giúp chúng tôi nhận ra được cái y trang, văn hóa, âm nhạc từ bên trong ngọn nguồn dân tộc. Bao nhiêu đó cũng là cái vui, cái thú, cái sung sướng, hạnh phúc... cho chúng tôi rồi. Mà chưa kể lịch sử chúng ta đâu thiếu những cái hay, cái hấp dẫn để làm. Tôi rất tâm đắc với một câu nói của người Nhật: Muốn người khác quý trọng văn hóa của mình thì trước tiên mình phải tôn trọng, bảo vệ và phát triển văn hóa của mình trước đã...”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên