12/06/2012 22:19 GMT+7

Tiếng nói mới từ nhà làm phim trẻ

NGA LINH
NGA LINH

TTO - Gần 23g, màn hình lớn vừa đóng lại, đạo diễn Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai - NSND Trần Văn Thủy, 73 tuổi vẫn thoăn thoắt chạy vội lên sân khấu, cầm mic nói lớn: Xin cám ơn các bạn đồng nghiệp trẻ!

TTvNJs41.jpgPhóng to
Xem xong 14 phim, NSND Trần Văn Thủy (bìa trái) nán lại say sưa trò chuyện với các bạn trẻ làm phim - Ảnh: Nga Linh

Lời cảm ơn của bậc đàn anh - người có thời vẻ vang chứng kiến cảnh khán giả trong nước và nước ngoài xếp hàng mua vé xem phim tài liệu - đã không rơi vào im lặng hay cô độc. Luôn có những tràng pháo tay kéo dài không ngớt của khán giả trong ba giờ đồng hồ xem liên tục 14 bộ phim tài liệu của những “nhà làm phim trẻ Việt Nam”.

Thực tế, đó mới chỉ là những bộ phim được lựa chọn từ những khóa học làm phim của dự án Varan, Doclab (Trung tâm Thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video), TPD (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh)… kiên trì thực hiện trong 4-5 năm qua.

Chưa kể, đó lại là những phim làm hài lòng sự tuyển lựa của Hiệp hội các tổ chức văn hóa châu Âu (EUNIC) và cả Hãng phim tài liệu trung ương (đại diện cho phong cách làm phim truyền thống) trình chiếu trong khuôn khổ LHP tài liệu Châu Âu - Việt Nam.

12/14 phim có thời lượng ngắn (7-15 phút), mà như thầy Thierry Michel thường lo lắng trong mỗi khóa học là “không đủ sâu sắc”, “gần với truyền hình hơn điện ảnh” (so với “chuẩn quốc tế” từ 52-100 phút).

Dù được hưởng ứng từ những phút đầu, có những khán giả đã ra về vì việc xem quá nhiều phim một lúc trở nên quá tải. Song so với những lấn cấn đó, người vẫn ngồi xem lại “có lãi” vì cảm giác tự ti từ những buổi chiếu song song một phim Âu - một phim Việt dần dần tan biến. Không phải là những hình ảnh chỉn chu, được hỗ trợ bởi kỹ thuật tân tiến và chẳng hề có lời bình, sợi dây xuyên suốt trong những bộ phim ngắn này là nhân vật thật, lời tâm sự thật, đời thường...

“Hay nhờ!”, “Eo ôi ở thủ đô mà vẫn sống khổ thế”, “Đúng là bọn trẻ con làm phim… thật quá!” Phòng chiếu cứ xôn xao, ồn ào bình phẩm, nhận xét trước hình ảnh cặp vợ chồng già không con cái, ăn uống tắm giặt bằng nước sông Hồng, dựng căn nhà nổi tạm bợ ở Xóm Bè, Phúc Xá (phim Tình Già - Đỗ Thanh Hà), các cặp đôi sống chung và cùng lấm lem làm nghề than tổ ong (Nhọc nhằn than - Lê Mỹ Cường), những “đôi tay biết nói” của người khiếm thính (Đôi tay biết nói - Nguyễn Minh Thảo) hay hình ảnh đứng dậy bằng chân của diễn giả tật nguyền Tạ Duy Anh (Động lực sống- Chu Việt Nga)…

I5cIi6IU.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Nhọc nhằn than của đạo diễn Lê Mỹ Cường - Ảnh: TPD cung cấp

“Không thầy đố mày làm nên”, những người đã dẫn dắt các học viên ở TPD hay Doclab như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Trinh Thi không phát biểu dài dòng, chỉ nhắc lại cột mốc đầu tiên với những trang giáo án vào năm 2007.

“Không hề có kinh nghiệm làm phim, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng các em lại chứng minh được mình là những người có tiềm năng trở thành nhà làm phim, kết nối với nhau thành cộng đồng, đem lại một tiếng nói mới”, nữ đạo diễn Nguyễn Trinh Thi chia sẻ.

Qua 23g, bảo vệ hãng phim đã nhắc phải đóng cửa, vẫn thấy cảnh đạo diễn (giờ với cương vị khán giả) Trần Văn Thủy đứng nói chuyện với một số bạn trẻ, tác giả của chùm phim được chiếu.

“Hôm nay, điều chờ đợi nhiều năm qua đã thành hiện thực”, ông chia sẻ với “các đồng nghiệp trẻ” của mình: "Bấy lâu nay khán giả cứ chê phim Việt Nam giả. Phim truyện giả đã đành vì có hư cấu, có kịch bản nhưng phim tài liệu ghi lại những câu chuyện có thật trong đời mà lại giả là tại ai? Tội của người làm phim tài liệu, trong đó có tôi, bấy lâu nay là như thế.

Cách làm của chúng tôi cũ lắm rồi, vẫn làm phim theo kiểu quay cho đủ hình, quay để phục vụ một số đề tài nhất định. Vừa cũ, vừa dễ làm, ai cũng làm được nhưng xem xong thì xấu hổ lắm. Trong khi phim tài liệu rất quan trọng cho dân trí, tình cảm, trách nhiệm của công dân với đất nước. Cũng hiếm có xứ sở nào lại có nhiều chuyện… hay như quê hương mình!"

Tôi mong các em tiếp tục can đảm

* Dù tỏ ra hài lòng với thành phẩm của TPD hay Doclab, song một số nhà làm phim nước ngoài khi tới đây vẫn nhắc khéo học viên phải tuyệt đối lưu ý một số nguyên tắc làm phim tài liệu: ý tưởng, khái niệm rõ ràng, có nhân vật chủ đạo, cách thể hiện (trong đó có kỹ thuật) công phu. Cá nhân ông đánh giá thế nào về điều này?

- NSND Trần Văn Thủy: Bạn muốn nói làm phim tài liệu phải có thủ pháp, phải có phương tiện kỹ thuật chứ gì? Những gì tôi vừa được xem lại chứng minh một việc: điều khó nhất không phải là phương tiện, tiền, máy móc hay sự kiểm duyệt hà khắc mà cái đầu của mình muốn nói gì mới là quan trọng. 14 phim vừa được khán giả khen hay vì chân thật, thật theo tất cả mọi nghĩa! Ngày hôm nay, các bạn trẻ cũng đang đánh dấu một bước ngoặt của phim tài liệu Việt Nam với những khám phá, khai mở.

Đúng là các bạn ấy đã chối bỏ mọi niêm luật điện ảnh, phá hết các quy tắc về cỡ cảnh... Nhưng nếu không “bấm lì” nút quay thì không thể nào ghi lại câu chuyện thú vị của hai bệnh nhân, một từng là Việt cộng, một từng làm cho chế độ cũ nằm trên bàn châm cứu của bác sĩ Lê Văn Thi (phim Phòng mạch của bác sĩ Thi - Nguyễn Minh Kỳ).

Các em đã tìm mạch đi đúng, các tổ chức quốc tế văn hóa tại Việt Nam đã tạo được những môi trường hiệu quả, song tôi tiếc là chưa ai có ý định gắn bó lâu dài với nền điện ảnh tài liệu Việt Nam. Các em chưa có điều kiện để làm phim dài hơn, sâu hơn, vẫn còn sợ chạm vào những vùng úy kỵ của xã hội, vẫn có lúc làm phim khéo quá, hiền quá…Song tôi mong các em tiếp tục can đảm để được tôn vinh ở những sân chơi lớn hơn!

NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên