Phóng to |
Những người xem hiếm hoi của truyện tranh Việt tại festival - Ảnh: HÀ HƯƠNG |
Triển lãm diễn ra đúng Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, kết thúc vào ngày 8-6. Nhưng sau buổi khai mạc rất đông là khung cảnh rất vắng của không gian triển lãm. Thi thoảng mới bắt gặp vài người chăm chú xem truyện tranh Việt, còn truyện tranh Bỉ - dù vẽ đẹp và sinh động - nhưng giữ nguyên bản tiếng Pháp nên không phải ai cũng hiểu.
Mấy cô bé học trò lớp 5, lớp 6 vừa ôm tập truyện tranh vừa đứng ngắm các bức vẽ treo trong triển lãm. Đúng nghĩa là ngắm vì khi hỏi thì tất thảy đều thật thà: “Cháu chẳng hiểu lắm, không thú vị như truyện tranh vẫn đọc dù tranh vẽ đẹp hơn”. Khi những tín đồ của truyện tranh manga than rằng truyện tranh của họa sĩ Việt không thú vị bằng, có lẽ cũng là chuyện phải nghĩ. Càng bất ngờ hơn khi phụ huynh đưa con đến xem cũng than: đến người lớn còn thấy khó hiểu thì sao bày cho trẻ con xem được. Cũng không thể nói đây chỉ là những phác thảo để triển lãm vì mỗi tác phẩm cũng được trình bày trong sáu trang, tương đương một truyện tranh ngắn hoàn chỉnh. Đấy còn chưa kể đến việc 11 tác giả truyện tranh Việt lần này cũng trải qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng.
Không thể phủ nhận các họa sĩ truyện tranh Việt đã rất chịu khó học hỏi các “đế chế” truyện tranh lớn của thế giới. Nhưng một truyện tranh mà ba nhân vật được vẽ theo ba phong cách khác nhau thì cũng thật sự khó hiểu. Đó là chưa kể đến ý tưởng lại thiếu sự mạch lạc đặc trưng của truyện tranh Việt. Có thể nhìn thấy cả châu Âu, Mỹ và Nhật Bản trong những lối vẽ của một vài tác giả. Dường như các họa sĩ Việt vẫn đang loay hoay giữa việc lên một ý tưởng truyện tranh đủ hấp dẫn về những đề tài đương đại hơn, chứ không chỉ là phỏng theo các truyện dân gian như xưa nay.
Mâu thuẫn ở chỗ những tác giả có tham vọng thể hiện câu chuyện thông qua nét vẽ thì lại quên mất phần lời. Những hình vẽ thể hiện các trạng thái liên tiếp nhưng thoại xuất hiện ít ỏi khiến người xem phải “vắt óc” ra để hiểu dụng ý của tác giả. Ngược lại, không ít tác giả lại mắc vào tật cố hữu là quá “rậm lời”, kèm những triết lý rao giảng đạo đức, trong khi tranh vẽ lại thiếu thông điệp. Đó còn chưa kể đến những lỗi chính tả xuất hiện khá dày mà nhiều bạn đọc phát hiện từ ngày triển lãm đầu tiên.
Truyện tranh Việt vẫn đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường chuyên nghiệp hóa. Sự ngỡ ngàng trước những “đế chế” truyện tranh đã vững thị phần trên thế giới không khỏi khiến người cầm bút vẽ chao đảo. Hai kỳ festival, họa sĩ Việt đã học và vẽ cùng họa sĩ truyện tranh Bỉ gốc Việt Vĩnh Khoa và tiếp xúc với những nhà sản xuất truyện tranh Bỉ và Canada. Nhưng bản thân khu vực truyện tranh này cũng đang chật vật giữ vững thị phần trước cơn bão manga đang khuynh đảo thế giới. Muốn thoát khỏi ảnh hưởng của manga, truyền tải triết lý truyền thống của người Việt bằng lối truyện tranh mới và hiện đại...có lẽ vẫn chỉ mới tồn tại ở dạng ý tưởng. Và con đường từ ý tưởng đến một tác phẩm truyện tranh xem ra hãy còn khá xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận