22/05/2012 06:53 GMT+7

Cần sớm có bộ luật về ngôn ngữ và chữ viết

DƯƠNG TRUNG QUỐC
DƯƠNG TRUNG QUỐC

TT - Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 3 ngày 21-5, đại biểu Dương Trung Quốc đã gửi thư đến các cơ quan của Quốc hội đề xuất sự cần thiết phải sớm xây dựng một văn bản “luật về ngôn ngữ và chữ viết”.

6aOG9lea.jpgPhóng topHKlmXUL.jpg
Việc tiếp thu ngôn ngữ của các quốc gia khác đi đôi với bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt được ông Dương Trung Quốc nêu trong thư gửi Quốc hội. Trong ảnh: các cao ốc trong số 70% cao ốc tại VN mang tên nước ngoài - Ảnh: T.T.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trung Quốc - thành viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết: “Theo tôi được biết thì ý tưởng làm bộ luật này hình như cũng đã được một số vị tiền nhiệm của tôi đề cập, nhưng đúng là đến thời điểm này chưa ai chính thức đề xuất để thực hiện theo quy trình như luật định, cho nên có thể nói là bây giờ mới khởi xướng”.

* Chương trình làm luật của Quốc hội dày đặc, còn có rất nhiều lĩnh vực khác cần đến luật. Thật sự ông thấy dự thảo luật mà ông đề cập đã thật sự cần thiết chưa?

YEQ1bOzd.jpgPhóng toÔng Dương Trung Quốc - Ảnh: N.C.T.

"Hà Nội đang vận động một số đối tượng cán bộ khắc phục tật “nói ngọng”, nên sự khác biệt trong phát âm từng vùng (liên quan đến dấu hay một số phụ âm) phải làm thế nào được chuẩn hóa mà không đánh mất những sắc thái riêng của từng vùng miền hay cộng đồng"

- Đúng là rất nhiều lĩnh vực còn cần phải có luật, nhưng cái gì thấy cần thì cũng phải khởi động bắt tay vào chứ không chỉ chờ đợi. Chỉ cần nhắc tới một số hiện tượng đang diễn ra trong đời sống xã hội: ví như ngày càng ít người hiểu những chữ viết trên đình, chùa hay các văn bản thư tịch cổ là chữ Hán hay chữ Nôm, là quốc tự chính thống của dân tộc ta sử dụng trong một thời gian lịch sử dài gấp nhiều lần chữ quốc ngữ mà hiện ta đang sử dụng và nên ứng xử với di sản ấy như thế nào?

Chính sách đối với các ngôn ngữ - nhất là ngôn ngữ viết của các dân tộc thành phần và tương quan của nó đối với tiếng Việt (được coi là phổ thông) trong giáo dục học đường và sử dụng ngoài xã hội? Ứng xử ra sao với sự phát triển ngôn ngữ trong giao tiếp tạo nên những phong cách, từ vựng, cú pháp hay thành ngữ mới, kể cả tiếng “lóng”? Việc phiên âm thế nào cho chuẩn với các ngôn ngữ nước ngoài mà chúng ta tiếp cận ngày càng phong phú; và ngay cả quan niệm như thế nào cho đúng đối với mục tiêu “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”? Thiết kế hay lựa chọn mẫu chữ viết dạy cho học sinh như thế nào là chuẩn sau mấy lần “cải cách” có chiều hướng “thụt lùi”? Tương lai “chữ nghĩa” nước ta sẽ như thế nào trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin cùng với “ngôn ngữ mạng”? Hoặc như gần đây, việc các nhà hành pháp lẫn lộn giữa các khái niệm “thuế”, “phí” và “phạt” dẫn đến những chính sách chưa ban ra đã bị dư luận xã hội phản ứng...

Tất cả đủ thấy sự cần thiết phải sớm có bộ luật này. Vấn đề không phải chỉ là sự cần thiết mà vấn đề là có làm được hay không. Vì thế, cứ phải bắt tay vào việc đã...

* Phía các cơ quan của Quốc hội đã hồi âm cho ông chưa?

- Tôi đã được GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và một số vị trong ủy ban cho biết ý kiến tôi đề xuất được ủy ban hoan nghênh. Tuy nhiên, theo quy trình xây dựng luật thì phải chuẩn bị một số thủ tục cần thiết để chứng tỏ tính khả thi, sau đó phải chính thức đề xuất để đưa vào chương trình xây dựng luật của toàn khóa cũng như trong mỗi kỳ họp.

* Ông dự kiến tiếp tục làm gì với đề xuất xây dựng luật ngôn ngữ và chữ viết?

- Đây là một bộ luật mang tính đặc thù cao, vừa là một vấn đề rất chuyên biệt về khoa học, lại mang tính xã hội rất rộng. Đương nhiên ngành ngôn ngữ học có một vai trò quan trọng hơn cả nhưng nó còn phải tập hợp tri thức của nhiều ngành khác như xã hội học, giáo dục học, văn học... và đương nhiên cả sử học nữa. Bởi thế tôi cũng đã đề xuất với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có thể là cơ quan đứng ra trình để mời nhiều hội nghề nghiệp (trong đó có Hội Ngôn ngữ) và các chuyên gia thuộc các chuyên môn khác tham gia soạn thảo.

Vì công việc đòi hỏi sự hiểu biết khá sâu, trước hết về ngôn ngữ học nên tôi có trao đổi sơ bộ với GS Nguyễn Minh Thuyết - một nhà ngôn ngữ học có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu bộ môn này, lại cũng có nhiều năm tham gia Quốc hội, có kinh nghiệm tham gia lập pháp, tổ chức việc xây dựng dự thảo luật, nếu tập trung được thời gian thì khả năng thực thi việc dự thảo sẽ cao. Đương nhiên cá nhân tôi sẽ tham gia theo khả năng cũng như những cương vị công việc hiện có của mình.

DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên