18/05/2012 05:30 GMT+7

Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan

JOHN C. SCHAFER
JOHN C. SCHAFER

TT - Trịnh Công Sơn - Bob Dylan, như trăng và nguyệt? Cái tựa sách thật éo le, vừa ỡm ờ vừa nghiêm chuẩn - "...như trăng và nguyệt?", lẩy theo lời Nguyệt ca của họ Trịnh (từ khi trăng là nguyệt/ từ trăng thôi là nguyệt...), mà điểm nhấn chính là dấu hỏi đầy ý tứ treo như một cái móc câu.

6F1Af4Bp.jpgPhóng to

Sách do Cao Thị Như Quỳnh dịch, Cao Huy Thuần giới thiệu, NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: N.C.T.

Từ tốn, khúc chiết, bằng vào chứng cứ và lập luận xác đáng, tác giả John C. Schafer - một giáo sư người Mỹ (Ðại học Humboldt, California) rất gắn bó với Việt Nam và am tường cả hai nền văn hóa - đã diễn giải một cách rành mạch những nghiên cứu thú vị cả về sự tương đồng lẫn dị biệt giữa Bob Dylan với Trịnh Công Sơn - hai thiên tài âm nhạc cùng thời. Giống đấy mà khác đấy. Thậm chí rất khác, khác hẳn. Ðó là điều bất ngờ đối với nhiều người, nhất là với những ai cả tin vào một ví von ngộ nhận "Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam" vốn xuất hiện từ cuối thập niên 1960.

"Trịnh Công Sơn hình như lúc nào cũng mở rộng tâm của mình và mở rộng tâm của người khác"

Một số điểm tương đồng giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan được tác giả cuốn sách liệt kê: cả hai đều vừa sáng tác vừa biểu diễn; đều vang danh phản chiến một thời; đều có những bài tình ca rất hay; soạn nhạc nhưng đều được xem như hai nhà thơ; đều có mối liên hệ tình cảm đặc biệt với các nữ ca sĩ mà những người ấy giúp họ thành công (Bob Dylan với Joan Baez, Trịnh Công Sơn với Khánh Ly); đều nói lên được ước vọng và niềm đau của thế hệ trẻ thời mình; đều thụ hưởng một sự nghiệp lâu dài, giữ vững được danh tiếng; đều chịu ảnh hưởng và tìm nguồn cảm hứng trong truyền thống tôn giáo của mỗi người... "Nhưng những điểm tương đồng này rất hời hợt và đơn giản, khi nghiên cứu kỹ có thể nói chúng che lấp những dị biệt rất quan trọng". Và tác giả cuốn sách đi sâu phân tích từng dị biệt cụ thể.

Trước hết là hai cách phản chiến. "Chiến tranh mà Trịnh Công Sơn chống là chiến tranh đang xảy ra trên đất nước ông. Các bài phản chiến của ông có thời gian tính rõ ràng, xuất phát từ một chủng tộc rõ ràng". "Bob Dylan, trái lại, viết các bài phản chiến từ một thời gian và không gian khác. Ông chỉ viết một bài trực tiếp chống chiến tranh và không có bài nào, theo tôi biết, nói về chiến tranh Việt Nam". "Dylan viết các bài phản chiến là diễn tả nỗi lo sợ cuộc chiến tranh lạnh sẽ trở thành đại chiến thế giới thứ ba". "Năm 1965, khi Trịnh Công Sơn đang viết những bài phản chiến nổi tiếng thì Dylan đã chuyển sang viết những bài có chủ đề cá nhân". Và quan trọng hơn: "Trịnh Công Sơn luôn khuyên răn nên tránh hận thù, trong khi Dylan thì đầy rẫy hận thù trong các bài phản chiến và một số bài khác của mình...".

Ðối chiếu hàng loạt tình khúc cùng hàng loạt mối tình của hai nhà nghệ sĩ, tác giả cuốn sách so sánh: "Trịnh Công Sơn có thể nói là người bị tình phụ trong khi Dylan là kẻ phụ tình, nhưng giọng điệu Trịnh Công Sơn có vẻ buồn và hối tiếc trong khi Dylan lại giận dữ, hung hăng và thách thức". Một người suốt đời đơn chiếc mà thương khóc cho tình yêu tan vỡ bằng những lời nhân ái thiết tha. Một người vừa nhiều vợ, vừa đông con vừa lắm mối tình mà trong những bài "phản tình ca" hát về người tình cũ thường với giọng trách móc, chua cay, hằn học, khinh bạc, thậm chí "khinh bạc một cách tàn nhẫn". Dần dần thêm những dị biệt khác nữa hiện lên qua nhiều tư liệu phơi bày trên trang sách.

Những dị biệt về tính cách và nhân cách giữa hai nghệ sĩ lớn này được tác giả cuốn sách quan tâm đặc biệt, dành nhiều trang sách hơn cho việc truy tìm ảnh hưởng từ truyền thống văn hóa và tư tưởng tôn giáo đã tác động tới họ.

Bob Dylan là tín đồ Kitô giáo, một "nhà tiên tri về ngày tận thế". Ông đã xuất bản nhiều album đượm mùi tôn giáo cùng với nhiều bài khác cũng "ướt sũng Kinh thánh". "Trong giai đoạn thứ tư, Dylan đã truyền đạo không che đậy chút nào trong các bài hát của ông, một điều mà Trịnh Công Sơn không bao giờ làm".

"Các bài hát của Trịnh Công Sơn mang ý niệm Phật giáo nhưng không phải là những bài ca tôn giáo". Tác giả cuốn sách dẫn lời Trịnh Công Sơn nhận mình là một phật tử, từ những ngày còn trẻ đã học kinh Phật và kiến giải rất sâu sắc sáng tác của Trịnh thấm nhuần Phật tính, "đầy ắp ý nghĩa đạo Phật nhưng không bị đè nặng bởi những kinh kệ đạo Phật". "Ông hình như lúc nào cũng mở rộng tâm của mình và mở rộng tâm của người khác".

Thật là sòng phẳng, tác giả cuốn sách tuyên bố thẳng thừng: "Một lý do quan trọng để khẳng định Trịnh Công Sơn không phải là Bob Dylan của Việt Nam là vì, dựa trên các bằng chứng mà tôi đã thu lượm được, Trịnh Công Sơn đối xử với mọi người tốt hơn Bob Dylan". Ra là thế, một người Mỹ nói đấy nhé, các giá trị nên tách bạch rạch ròi. Tự các trang sách như cùng cất tiếng, rằng tác giả của nó cảm phục tài năng của cả hai thần tượng nhưng tình yêu thì nghiêng về phía nhân cách.

Cũng thật là sòng phẳng, học giả Cao Huy Thuần đã viết trong Lời giới thiệu: "Như giữa Thượng đế và Cesar, hãy trả lại cho Bob Dylan cái gì của Dylan và cho Trịnh Công Sơn cái gì của nhạc Trịnh. Nhưng, dù sao đi nữa, hai ông vẫn đứng chung tên với nhau trong bia đá của lịch sử âm nhạc những năm sáu mươi, mỗi người một vẻ. Cho nên xin hai ông vui lòng đứng chung tên trên quyển sách này".

NGUYỄN DUY

JOHN C. SCHAFER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên