02/05/2012 06:03 GMT+7

Giữ cho nguyên vẹn mái nhà tổ tiên

GS.KTS Hoàng Đạo Kính
GS.KTS Hoàng Đạo Kính

TT - “Tui đến tuổi như ngọn đèn trước gió, chỉ sợ tắt khi chưa lo sửa được ngôi nhà. Chừ thì nhà được sửa rồi, đèn có tắt tui cũng mãn nguyện!”.

Mệ Phan Thị Cháu (làng Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) nói như vậy khi ngôi nhà rường mà mệ gìn giữ gần suốt cuộc đời vừa được trùng tu trả lại đúng hình hài ngôi nhà cha ông gầy dựng cả trăm năm trước...

m4qhFq2v.jpgPhóng to
TS Lê Vĩnh An (bìa phải) trao đổi phương án trùng tu nhà cùng mệ Cháu và ông Lê Hữu Hậu - Ảnh: THÁI LỘC

Tổng kinh phí trùng tu của gia đình trong khoảng 300 triệu đồng. Theo một chuyên gia trong ngành bảo tồn, việc trùng tu một di tích quy mô tương tự của Nhà nước sẽ tiêu tốn gấp... 10 lần với rất nhiều khoản chi phí gián tiếp.

Theo ông Lê Hữu Hậu (con trai mệ Cháu), dịp khánh thành giữa tháng 5, gia đình có tâm nguyện mời ngành chức năng về thẩm định giá trị ngôi nhà đồng thời đề nghị lập hồ sơ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật...

Đừng làm cho mới lạ đi!

Đầu tháng 2-2012, Công ty An Khang - Kiến Trúc Cổ được gia đình mời trùng tu nhà kèm theo “đặt hàng” của mệ Cháu: “Nhà của tổ tiên làm ra răng thì trả về như rứa, đừng làm cho mới lạ đi mà kẻ khuất mặt khuất mày không nhận ra nhà của mình!”. Trong quá trình làm từng có ý kiến hàng xóm vào ra, rằng phải nâng nhà cho cao, hay phải thay đổi cái này cái kia cho đẹp, cho bền.

Song TS Lê Vĩnh An - cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cố vấn kỹ thuật của Công ty An Khang - cho hay: “Dù nằm trong sự giám sát từng li từng tí của mệ Cháu, nhưng tôi rất sướng khi chủ nhà nghe theo ý kiến tư vấn hợp lý của nhà chuyên môn!”. Đến nay ngôi nhà bước đầu hoàn thành trong sự bằng lòng của mệ Cháu.

TS An gặp mệ Cháu từ những năm 1990 khi đang còn là một sinh viên mỹ thuật. Trong một lần đi vẽ phong cảnh ở sông Phù Bài, anh nghe người ta kháo nhau về ngôi nhà rường tuyệt đẹp. Tìm đến nhà, anh bị hút hồn ngay lập tức bởi chiếc cổng có mái che duyên dáng chạm thức “cá chép vượt vũ môn”.

Vốn không dễ tính với người lạ trong giai đoạn nhiều dân buôn lùng sục nhà cổ hoặc tìm cách lấy cắp cổ vật, không hiểu sao mệ Cháu lại mở rộng cửa với cậu sinh viên. Vào nhà, anh An thấy mình như lạc vào một kho báu của văn hóa truyền thống: nội thất căn nhà được chạm trổ, khảm nạm tinh xảo ngoài sức tưởng tượng, cùng với hệ thống đồ thờ tự, hoành phi - câu đối và tủ kệ, rương xe, bàn ghế cũng đẹp không kém...

Đặc biệt là hệ rầm hạ (sàn gỗ bên trong của ba gian chính) nguyên bản vẫn còn được gìn giữ. Một “kho báu” khác mà anh cảm nhận được chính là tấm lòng mệ Cháu suốt cuộc đời gìn giữ ngôi nhà trước bao nhiêu thăng trầm.

Sau nhiều năm sang Nhật Bản học tiến sĩ, năm 2010 anh An ghé lại thăm nhà. Căn nhà đã quá tuổi nhưng vẫn còn được giữ nguyên dạng. Riêng chiếc cổng đã xuống cấp, nhiều cấu kiện rời ra, mái ngói thay thế bằng tôn và hai trụ gỗ được chống sập bằng hai cột bêtông.

“Nhìn thấy hiện trạng chiếc cổng tôi vừa tiếc, vừa mừng kèm theo ngạc nhiên trước cách thức ứng xử với di sản rất thông minh của một người không hề có khái niệm gì về khoa học bảo tồn. Nhiều thành phần của nhà xuống cấp, thấm dột nhưng đều được bảo tồn như kiểu của nhà chuyên môn: giữ tất cả các cấu kiện nguyên gốc và cố gắng gìn giữ nó tại vị trí khởi nguyên”, TS An nhận xét.

Như một cách trả ơn cho người coi sóc “kho báu”, TS An đặt vấn đề xin tự bỏ tiền túi 50 triệu đồng để trùng tu chiếc cổng quý giá. Đáp lại lời cam kết trả lại chiếc cổng như xưa là cái gật đầu. Một nhóm thợ giỏi của Công ty An Khang đổ về, đo vẽ, hạ giải và đục đẽo.

Trong vòng một tháng, chiếc cổng hoàn thành trong sự mãn nguyện của mệ Cháu. Niềm tin TS An có thể sửa nhà mình thành hình từ lúc ấy...

QzvqunRH.jpgPhóng to
Chiếc cổng tuyệt đẹp vừa được trùng tu - Ảnh: THÁI LỘC

Có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn

“Nhà cụ vừa là di sản, vừa là một dạng bảo tàng rất đặc trưng cho quá khứ văn hóa của xứ Thừa Thiên - Huế. Về kiến trúc, ngôi nhà có đầy đủ yếu tố gốc, kết hợp với hệ thống nội thất giàu có bên trong, tất cả trong một phong cách rất đồng bộ, nguyên vẹn, quý giá và hiếm thấy. Đây có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn!”.

Nhà rường nguyên bản duy nhất còn lại

Ngôi nhà rường mệ Cháu gìn giữ rộng 120m2 kết cấu ba gian hai chái kép, mái lợp ngói liệt, chạm cẩn vô cùng tinh xảo. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là ngôi nhà rường nguyên bản duy nhất sót lại, đẹp bậc nhất đất Huế.

Người làm nên nó là lão phú nông Lê Hữu Khuê - ông nội chồng của mệ Cháu. Cụ Khuê vốn nằm trong bộ ba phú nông giàu có của đất Thừa Thiên giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 qua câu ca còn được dân gian truyền tụng: “Nhất Bá Dĩ, nhì Bá Hài, Phù Bài Bá Khuê”. Người xưa cũng khắc ghi lên nhà năm dựng 1909 và năm sửa chữa lần đầu 1961.

Thời Pháp thuộc, vì nhà quá đẹp mà một đại tá làm việc cho quân Pháp, thường gọi ông Quận Hai, nhiều năm liền vẫn lui tới hỏi han mua nhà, dọa sẽ đốt hoặc nã đạn pháo vào nhà nếu không mua được.

Bố chồng là cụ Lê Hữu Bích hỏi ý cô con dâu Phan Thị Cháu. Mệ Cháu nguyện chết theo ngôi nhà chứ không chịu bán chỗ thờ tự tổ tiên.

Một toán lính, sau đó đến cướp một bộ trường kỷ khảm trai vô cùng tinh xảo và nhiều đồ gỗ sơn son thếp vàng rất quý. Cướp xong, hai quả đạn pháo nã vào ngôi nhà, một quả làm sụp bức bình phong, quả còn lại làm gãy thanh bêtông ở đầu chái; căn nhà và chiếc cổng rất may vẫn còn nguyên vẹn...

Trong suốt mấy mươi năm, ba người con của mệ đã sinh sống ổn định ở TP.HCM, Đà Lạt và Long An liên tục thuyết phục mệ vào sống cùng. Cứ hễ vào với con cháu vài ngày là mệ lại kiếm cớ đòi về.

Mệ bảo: “Bỏ nhà thì răng mà yên lòng cho được. Cũng phải lau chùi hương khói! Tui đi thì sướng thân nhưng ông bà ghé về chắc chắn không vô nhà mô. Mà rứa thì không phải đạo với tổ tiên!”.

Nói chuyện về người kế tiếp gìn giữ ngôi nhà này, mệ Cháu cười khà: “Thì tui cứ lo giữ cho hết đời mình đã! Thấy tui như rứa, con cháu cũng sẽ tiếp tục lo giữ căn nhà chứ không nỡ để tổ tiên ông bà lang thang ngoài đường!”...

GS.KTS Hoàng Đạo Kính
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên