Trong đơn khiếu nại gửi lên Ban thường vụ T.Ư Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và lãnh đạo Nhà hát Kịch quốc gia, NSND Lan Hương bày tỏ: “Theo kế hoạch được công bố, Nhà hát Kịch quốc gia chỉ có ba nhà hát nhỏ là: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Thiếu nhi. Còn Đoàn kịch hình thể - thể nghiệm thì chưa thấy được đề cập sẽ sắp xếp cho chúng tôi hoạt động như thế nào”.
NSND Lan Hương bức xúc: “Chẳng lẽ đoàn ca nhạc khi sáp nhập được gọi là Nhà hát Thiếu nhi thì tại sao chúng tôi không được độc lập trở thành Nhà hát kịch đương đại”.
Trước đó, ngày 12-4, NSND Lan Hương cũng đã gửi một lá đơn xin xem xét lại khi NSND Lê Hùng (giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia VN trên cơ sở sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch trung ương) phát biểu sẽ sáp nhập Đoàn kịch hình thể - thể nghiệm và Đoàn kịch thiếu nhi thành Nhà hát Thiếu nhi.
NSND Lan Hương lý giải: thể loại của kịch hình thể - thể nghiệm phải độc lập, nó dành cho đối tượng không phải là thiếu nhi mà dành cho khán giả lớn tuổi, nhất là những khán giả có trình độ cao. Đó là hai đối tượng khán giả hoàn toàn khác nhau”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-4, NSND Lê Hùng (giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia VN) cho biết: “Thông tin sáp nhập Đoàn kịch hình thể - thể nghiệm với Đoàn kịch thiếu nhi chỉ là chuyện “nghe hơi nồi chõ”. Đoàn kịch hình thể - thể nghiệm vẫn nằm trong Nhà hát Tuổi Trẻ như trước khi sáp nhập và thông tin này đã được thông báo rộng rãi trong cuộc họp ngày 24-4 vừa qua. Còn chuyện tách riêng ra thành một nhà hát riêng thì hiện nay đoàn chưa đủ tầm cỡ và khả năng”.
Trước đó, ngày 5-4, Bộ VH-TT&DL đã công bố quyết định sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch trung ương thành Nhà hát Kịch quốc gia VN. NSND Lê Hùng giữ chức giám đốc nhà hát, ba phó giám đốc là bà Tố Trinh, ông Trương Nhuận và ông Thế Vinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận