20/04/2012 08:13 GMT+7

Ngày văn hóa: diễn đi diễn lại

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - 13 dân tộc miền núi phía Bắc, Tây nguyên - Nam Trung bộ và Nam bộ đã tụ hội trong Ngày văn hóa các dân tộc VN (diễn ra trong ngày 19-4) tại ngôi làng đại diện của họ ở Đồng Mô (Hà Nội).

bJ9A6uIV.jpgPhóng to
Cảnh tượng rộn ràng hiếm hoi tại Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, được diễn theo lời đề nghị của phóng viên đài truyền hình - Ảnh: H.Hương

100 diễn viên chuyên nghiệp, khoảng 200 đồng bào dân tộc thiểu số đã được huy động trong dịp này.

Những phiên chợ mai một

Phiên chợ vùng cao mở sáng 19-4 không khác những phiên chợ bị mai một ở Đồng Văn, Mèo Vạc, lộn xộn bởi những món hàng truyền thống lẫn lộn hàng Trung Quốc. Sản phẩm bày bán của một nhóm người Dao ở Mộc Châu (Sơn La) là những gói chè được bán với giá 150.000 đồng. Nhiều người than đắt thì có ngay lời giải thích: “Chắc là tốt nên mới đắt thế!”. Dù mong muốn mở một phiên chợ vùng cao truyền thống, nhưng ban tổ chức lại vô tình bố trí thêm tivi và loa lớn để giới thiệu về vùng đất, con người. Còn đâu một phiên chợ vùng cao khi tivi ra rả nói hộ cho những hoa văn thổ cẩm, sản vật địa phương và những ngôn ngữ Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng...?

Ông Lâm Văn Khang, phó trưởng ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc VN, cho biết: “Dự kiến đến năm 2013, các hạng mục được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trong khu vực các làng dân tộc sẽ xong. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên thời gian dự tính này khó hoàn thành. Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư khu vực này”.

Hiếm hoi ở chợ là tiếng khèn của các đôi trai gái người Mông. Người xem, người bình phẩm, người vỗ tay rộn ràng một góc chợ. Nhưng màn biểu diễn này lại xuất phát từ sự năn nỉ của mấy phóng viên đài truyền hình. Nhà đài quay xong, lập tức các đôi trai gái cũng ngừng diễn dù những người xung quanh đề nghị biểu diễn tiếp. “Diễn thế thôi!” - một phụ nữ ra hiệu cho đôi trai gái rồi cả nhóm nhanh chóng rút đi.

Theo ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai): để tránh cho đồng bào diễn đi diễn lại, nên mời bà con về trong những dịp lễ hội của chính họ, để họ sống trong không gian thực của mình. Hiện nay chúng ta cứ tổ chức đậm trong các lễ kỷ niệm mà bỏ quên mất lịch sinh hoạt canh tác của đồng bào.

Làng... thiếu đủ thứ

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, là công trình được gắn biển 1.000 năm Thăng Long, nhưng Làng văn hóa các dân tộc VN đến giờ vẫn không có gì nhiều ngoài khu nhà của các dân tộc. Khá nhiều ngôi nhà làm bằng gỗ và nứa đã xảy ta hiện tượng mối mọt, xuống cấp. Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc VN giải thích: “Các ngôi nhà này được làm theo vật liệu và kiểu dáng giống với nguyên mẫu truyền thống, nhưng do thời tiết nên hiện nay một số chỗ đã hư hỏng. Sắp tới, chúng tôi đang đề xuất thay thế bằng những vật liệu bền vững hơn”.

Mỗi năm một vài lần - thường vào dịp kỷ niệm ngày lễ lớn - đồng bào dân tộc thiểu số về mở cổng làng, diễn lại một điệu khèn hay một phần lễ hội của mình rồi lại ra về. Mặt khác, dù được tổ chức rầm rộ nhưng ngoài 200 khách nước ngoài, hơn 1.000 khách ở các vùng lân cận, không hề thấy bóng dáng của các đoàn khách du lịch. Bởi vậy, Ngày văn hóa các dân tộc VN cũng không khác một màn trình diễn trong số rất nhiều chương trình đang bị phong trào sân khấu hóa xâm lấn hiện nay - tốn kém nhưng tìm mỏi mắt vẫn chưa thấy hiệu quả.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên