13/04/2012 10:50 GMT+7

Cảm xúc đất nước thái bình trên sông Hương

THÁI LỘC - NGỌC HIỂN
THÁI LỘC - NGỌC HIỂN

TTO - Nước ngàn năm văn hiến/Thống nhất toàn giang san/Thủa vua Hùng lập nước/Thịnh trị cả trời Nam đã dẫn dắt mọi người vào chương trình sân khấu hóa "Thiên hạ thái bình" diễn ra tại Huế tối 12-4.

Pju9UkLK.jpgPhóng to
Toàn cảnh sân khấu Thiên hạ thái bình

Chương trình gồm có ba chương. Chương thứ nhất "Nước ngàn năm văn hiến" với rất nhiều hoạt cảnh trên sân khấu diễn tả nền văn hiến rực rỡ và lâu đời của đất nước Việt Nam.

Chương thứ hai "Muôn dân hưởng thái bình" được dẫn dắt bởi một bài thơ khác của triều Nguyễn: “Cung cấm rộng đường đón phượng hoàng/Xe trời rồng ngựa lối thênh thang/Yên tĩnh nhạc chuông reo nắng sớm/Điềm lành hạ xuống ngập không gian” (*) gồm những hoạt cảnh về một nền thái bình thịnh trị, đó là những làng quê yên bình, cảnh lao động sản xuất trong niềm hân hoan…

Một bài thơ khác cũng của triều Nguyễn là “Thái bình trong ngày mới/Mở rộng quy mô xưa/Văn vật cùng tụ hội/Gió xuân tràn kinh đô” dẫn vào chương cuối "Thịnh vượng cả trời Nam" gồm những hoạt cảnh về cuộc sống ấm no, phát triển, về nền hòa bình, thịnh trị của đất nước…

Các bài thơ xuất hiện trong chương trình trở thành mạch dẫn xuyên suốt. Gồm cả thơ đọc, thơ ngâm, thơ in trên các đạo cụ, thơ bay lên không… và sân khấu nổi trong sự sóng sánh của mặt sông Hương, hệ thống ánh sáng lung linh cũng đầy chất thơ… Kèm theo thơ là chín bản nhạc đương đại được sáng tác riêng cho chương trình dựa vào chất liệu cung đình truyền thống. Rất nhiều vũ khúc cung đình, điệu múa Lục cúng hoa đăng, nhã nhạc, các làn điệu ca, vè Huế… làm chương trình trở nên đậm chất truyền thống mà cũng rất dễ gần với hiện đại.

Chương trình diễn ra theo ý đồ của tổng đạo diễn Lê Quý Dương: “Tính chất trữ tình và lãng mạn của chương trình không phải của một đêm thơ, mà theo thủ pháp tạo dựng nên một hiện thực huyền ảo để dẫn dắt mọi người vào thế giới của những vần thơ, mô tả khát vọng thiên hạ thái bình của dân tộc mình”.

Lễ hội có tính chất sân khấu hóa về cuộc sống thái bình được gợi nhắc trên cơ sở nền tảng truyền thống của triều Nguyễn, cũng là gửi gắm ước mơ hòa bình thịnh vượng không chỉ thời đại hôm nay mà còn mai sau của đất nước và cả nhân loại; góp phần dẫn mọi người vào một “thế giới”, hay nói đúng hơn là một trữ lượng khác của kho tàng văn hóa Huế vốn ít được biết đến.

Tất cả các bài thơ làm mạch dẫn cho chương trình đều được lấy từ các bản khắc in trên điện Thái Hòa, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng nhất dưới triều Nguyễn. Đó là một phần trong số khoảng 4.000 bài thơ văn, phần lớn mang “khẩu khí đế vương” khắc in trên hệ thống di tích cung điện triều Nguyễn tại Huế.

Theo ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trung tâm đang trong quá trình thực hiện bộ hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận danh hiệu Di sản tư liệu thế giới cho hệ thống thơ văn trên di tích Huế. Trong đó đã cơ bản hoàn thành việc ghi chép phiên âm, dịch nghĩa; số hóa bằng cách vẽ và định vị cả hệ thống thơ văn lẫn chi tiết trang trí trên kiến trúc di tích bằng không gian ba chiều; sắp xếp toàn bộ hệ thống thơ văn và phân tích giá trị của nó.

Hoàn thành xong việc này sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo quy trình bắt buộc đối với một bộ hồ sơ của UNESCO.

zghnjCOC.jpgPhóng to
Hoạt cảnh học hành đỗ đạt
b5rBGs25.jpgPhóng to
Dệt lụa xe tơ
3EvzVNZs.jpgPhóng to
Người dân trong họat cảnh cùng lao động sản xuất
w01jjouT.jpgPhóng to
Bủa lưới trên sông
cAerDq92.jpgPhóng to
Chim phượng hoàng bay về đậu trên cây ngô đồng báo hiệu cảnh thái bình thịnh vượng
folRlwrJ.jpgPhóng to
Hàng ngàn du khách và công chúng đã đến xem (miễn vé) Thiên hạ thái bình tối 12-4
THÁI LỘC - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên