31/03/2012 12:16 GMT+7

NSƯT Lệ Thủy - nửa thế kỷ tiếng hát chuông ngân

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tối 31-3, tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) sẽ diễn ra chương trình Nửa thế kỷ tiếng hát NSƯT Lệ Thủy. Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Lệ Thủy ngay trước giờ diễn.

Cách đây 7 năm, Lệ Thủy từng tổ chức live show kỷ niệm 45 năm theo nghiệp hát và nghĩ như thế đã là quá đủ. Nhưng rồi với sự động viên của con trai là ca sĩ Đình Trí, chị quyết định làm live show riêng lần cuối trước khi bước đến giới hạn của sức khỏe.

NSƯT Lệ Thủy làm live show lần cuối

kavjtQMJ.jpgPhóng to

NSƯT Lệ Thủy - Ảnh: Anh Khoa

Live show Nửa thế kỷ tiếng hát NSƯT Lệ Thủy kéo dài khoảng 4g gồm hai phần.

Phần 1 (dàn dựng: Dương Đình Trí) gồm liên khúc các bài trích từ những vở tuồng làm nên tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy

Phần 2: diễn trọn vở Sông dài (tác giả: Hà Triều - Hoa Phượng; đạo diễn: Vũ Minh).

Đêm diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Vy, Thành Lộc, Tuấn Thanh, Kiều Mai Lý, Thoại Miêu, Hồng Tơ, Tú Sương, Lê Văn Gàn, Dương Đình Trí… các diễn viên điện ảnh: Trí Quang, Trương Minh Quốc Thái, Đức Tiến, Ngọc Thuận, Phùng Ngọc Huy, Kha Ly, Mai Phương…

* Trong live show tối 31-3 chị có đặt hàng soạn giả Hoàng Song Việt viết riêng cho mình một tiết mục dài 45 phút mang tên Cội nguồn yêu thương. “Cội nguồn” đó phải chăng là sân khấu cải lương? Và khi đã bước qua triền dốc của cuộc đời thì người nghệ sĩ cải lương dày dạn kinh nghiệm như chị có những suy ngẫm và trải nghiệm gì về “cội nguồn” đó?

- Vâng, đó chính là sân khấu cải lương. Đây là một tiết mục mang nhiều suy tư của người nghệ sĩ xuất ngoại mấy chục năm mới trở lại quê hương, tìm lại với gốc rễ cải lương, tìm lại những người bạn xưa để cùng nhớ về những tháng năm cận kề bên nhau, cùng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu.

Chợt buồn cười với những ganh đua hơn thiệt, những tị hiềm nhỏ nhen… rồi thấy sao nó phù du, rốt cuộc nhận ra cái đẹp trên sân khấu chính là cái đẹp của nhân vật, và chỉ cái đẹp của nhân vật mới giúp nghệ sĩ đẹp hơn, tỏa sáng hơn dù vai diễn đó là chính hay phụ.

Bài học của những người nghệ sĩ về chiều đó đã được trao truyền lại cho lớp trẻ, cho các em một cách nhìn đúng đắn hơn về thái độ lao động, gắn bó nghiêm túc với nghề. Quan điểm của các nghệ sĩ trong tiết mục cũng mang nỗi niềm của chính chúng tôi, những người lúc nào cũng yêu thương, trăn trở về sân khấu cải lương.

* Đã ăn cơm tổ 52 năm rồi, nhìn lại ngày đầu chập chững vào nghề, chị có cho rằng nghiệp diễn là định mệnh của mình?

- Cũng có thể là thế! Tôi đến với sân khấu cải lương hồn nhiên lắm, mê ca hát rồi vì nhà nghèo có người đưa vào đoàn hát thì cứ thế mà vô chỉ với mong ước có tiền giúp đỡ gia đình.

13 tuổi tôi đã theo đoàn Trâm Vàng lưu diễn miền Trung.

14, 15 tuổi đã được đóng thế đào chánh, lúc đó nhỏ lắm phải độn ngực, mang giày thiệt cao để cho ra dáng người lớn.

16 tuổi đoạt giải Thanh Tâm trong vở Sương mù trên non cao.

Rồi thì các đoàn hát thi nhau mời, ký hợp đồng mấy chục ngàn, tôi có được tiền lo cho gia đình đàng hoàng.

l0uIkydU.jpgPhóng to
:NSƯT Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương trong vở Tô Ánh Nguyệt - Ảnh: Nguyễn Lộc

* Thanh Tâm là giải thưởng rất danh giá thời ấy, ai đoạt giải coi như bước lên đài danh vọng với đầy đủ tiền tài và địa vị. Đoạt giải ở tuổi 16, chị làm thế nào để không vướng vào bệnh ngôi sao?

- Lúc đó tôi cũng còn ngu ngơ lắm, không lanh như bọn trẻ bây giờ đâu. Thời đó là thời hoàng kim của cải lương, có rất nhiều cô đào trẻ ca hay nên tính cạnh tranh cũng rất cao, không có mình thì bầu sẵn sàng có người khác thay thế ngay.

Không biết ai sao chứ tôi thì không có tính đành hanh bao giờ. Chỉ có thời làm đào nhì thì lâu lâu “xấu bụng” vái trời cho bà đào chánh bị… đau bụng để mình được lên thế bả chứ cũng chẳng có chiêu trò gì. Vì ngày xưa lương đào nhì có khi chỉ bằng nửa đào chánh, nên đã được lên đào chánh thì phải cật lực rèn luyện diễn cho hay để giữ vững được vị thế của mình. Nhưng một khi đã vượt qua được giới hạn của tính toán vật chất thì rèn luyện còn là cách mình tìm hiểu, học hỏi thêm và giữ lòng tự trọng với nghiệp tổ.

* Chất giọng của chị rất đặc biệt, giới chuyên môn cho rằng đó là giọng kim pha thổ với làn hơi phong phú lảnh lót như chuông ngân. Chất giọng đó có bị ảnh hưởng bởi một thần tượng nào hay là sự khổ công của chị mà có được?

- Thiệt tình mà nói thì chất giọng của tôi chắc là trời cho vậy, còn rèn luyện chỉ giúp luyến láy nhấn nhá điêu luyện hơn thôi. Hồi xưa tôi rất thích nghệ sĩ Thanh Hương, Út Bạch Lan. Nghệ sĩ trẻ thường hay nghe rồi bắt chước cách luyến láy, sắp xếp nhịp của nghệ sĩ đi trước nhưng nó chỉ là cái nền, còn phát triển theo hướng nào phải tùy vào nỗ lực của mình.

* Nửa thế kỷ vẫn được khán giả yêu mến. Có bao giờ chị lý giải được sự bền bỉ ấy không?

- Nói chung tôi may mắn được tổ đãi và bản thân cũng nỗ lực nên nghề không phụ mình. Tôi nghĩ khán giả cải lương chủ yếu là người lao động, bình dân nên nếu phong cách mình cao sang quá người ta cũng ngại không dám gần.

Trên sân khấu mình lộng lẫy uy nghi với hình ảnh ông chúa, bà hoàng nên đôi lúc làm khán giả choáng ngợp, có khán giả ở vùng sâu, vùng xa sau suất diễn còn rờ tay tôi hỏi: “Hổng biết cô có ăn cơm không nữa?”. Đó, người ta tưởng mình không phải người bình thường nên… không có ăn cơm!

Tính tôi bình dân, vui vẻ, hay trò chuyện hỏi han nên xóa được khoảng cách với khán giả. Có lẽ vì vậy mà bà con thương tôi hoài chăng?

* Chị thấy các nghệ sĩ cải lương trẻ có thuận lợi và khó khăn gì?

- Thời các bạn bây giờ báo chí và truyền thông phát triển rần rần nên cũng có nhiều cơ hội để giới thiệu mình với công chúng. Thời tụi tôi muốn được truyền thanh một vở diễn cũng khó trần ai. Hồi đó ký giả muốn phỏng vấn nghệ sĩ nào thì họ phải nhắm người đó có thực tài, có triển vọng, và người được phỏng vấn thì cầm chắc được nâng đỡ, hứa hẹn tương lai sẽ sáng sủa. Bởi vậy đêm nào diễn mà biết có ký giả đi coi là nghệ sĩ run lắm, ráng diễn cho hay đặng ổng còn để mắt tới mình!

Tuy nhiên, nghệ sĩ trẻ bây giờ cũng thiệt thòi là sàn diễn cải lương không nhiều, ít vở diễn nên các bạn ít có cơ hội được cọ xát, trau dồi nghề nghiệp. Ngày xưa, đêm nào tụi tôi cũng diễn nên đêm nay diễn chưa hay thì đêm sau ráng sáng tạo, trau chuốt thêm để chinh phục khán giả. Vai diễn này “thua” thì cứ 2-3 tháng sau tập vai mới ráng làm cho hay để gỡ gạc lại. Tóm lại chúng tôi có môi trường để trau dồi nghề nghiệp trong khi các bạn trẻ hôm nay lại có quá ít cơ hội!

eiYLJrez.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Phượng Liên và NSƯT Lệ Thủy trong vở Nửa đời hương phấn - Ảnh: Nguyễn Lộc

* Gia đình của chị được xem là điển hình gia đình hạnh phúc trong giới nghệ sĩ. Chị cũng là nghệ sĩ hiếm hoi không vướng vào các xìcăngđan tình ái. Nhiều người thường thắc mắc không biết việc giữ gìn mái ấm hạnh phúc của nghệ sĩ có khó hơn so với người bình thường? Có bao giờ chị phải gồng mình lên để giữ được sự êm ả?

- Tôi thì thấy không có gì nặng nề. Ra đường tôi là nghệ sĩ chứ về nhà tôi cũng là người vợ, người mẹ bình thường, cũng “phu xướng phụ tùy”. Dù bận rộn như thế nhưng tôi luôn ý thức chăm lo nhà cửa, con cái đàng hoàng. Có lẽ vì vậy nên chồng tôi cũng chẳng có vấn đề gì để lăn tăn. Chồng tôi quê Quảng Ngãi, mỗi lần về quê chồng vì không có sở trường nhiều về món miền Trung nên tôi nhắm việc nào “an toàn” là nhào vô làm, lặt rau chẳng hạn, cứ có lòng xắn tay vô phụ là người ta thấy mến, thấy thương thôi!

* Những người thân quen đều biết chị âm thầm hoạt động từ thiện rất nhiều. Phải chăng cái tên Lệ Thủy chính là sức nặng để các nhà hảo tâm tin tưởng trao gửi sự chia sẻ?

- Cũng còn ở cách làm nữa. Mỗi khi làm từ thiện tôi đều vận động các mạnh thường quân đi cùng tôi tới tận nơi, tận gia đình cần sự giúp đỡ. Đi như vậy họ mới thấy được tận mắt, mới đồng cảm chia sẻ được nhiều hơn và thấy được sự hỗ trợ của mình là vô cùng cần thiết.

Mỗi một chuyến đi, nếu mạnh thường quân đưa tiền nhiều quá tôi cũng khuyên nên chia nhỏ cho nhiều lần khác nhau, tại một lần đưa một cọc lần sau muốn xin nữa cũng… ngại. Chia nhỏ vậy mỗi người góp một ít vô thì hoạt động từ thiện mới kéo dài và bền bỉ.

Với cách làm biết “dưỡng sức” như vậy mà nhóm từ thiện của tôi lên tới mấy chục người và hoạt động cũng mười mấy hai chục năm nay rồi, thân thiết như người một nhà!

* Cách đây mấy năm chị và NSƯT Minh Vương cũng từng thành lập Sân khấu vàng chuyên diễn những vở tuồng kinh điển, doanh thu dành cho mục đích từ thiện với tiêu chí “Mỗi suất hát, một căn nhà tình thương”. Đến nay nó đã ngưng hoạt động. Chị có ý định hồi sinh sân khấu này? Cuốn hồi ký của chị nghe nói đã viết từ lâu nhưng cũng chưa ra mắt công chúng?

- Do sức khỏe NSƯT Minh Vương không cho phép diễn nguyên tuồng nên Sân khấu vàng cũng khó duy trì vì vắng một trong những người trụ cột. Một mình tôi chắc không đủ sức làm vì cũng đã có tuổi mà vận hành, điều khiển một sân khấu đâu phải dễ. Còn cuốn hồi ký tôi viết cũng được bảy tám phần rồi nhưng thấy còn lộn xộn quá nên cứ để đó. Có người gợi ý tìm người chắp bút, nghe cũng được và tôi cũng đang suy nghĩ thêm về chuyện này!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên