Phóng to |
Độc giả háo hức tìm mua các loại sách giảm giá được bán tại hội sách trong những ngày cuối - Ảnh: Minh Đức |
Nhiều người yêu sách đã thường xuyên đến hội sách trong suốt một tuần mua sách để gặp gỡ những tác giả mình yêu quý, gặp gỡ những người bạn yêu sách khác trong một không gian văn hóa dành cho sách.
Chính những người đọc ấy cùng những nỗ lực cụ thể đến từ ban tổ chức để duy trì hội sách ở mật độ hai năm một lần và lần sau liên tục có số lượng tăng trưởng về gian hàng, về đơn vị tham gia, về lượt người đến hội... chính là các thành tố làm nên thành công của hội sách. Nhưng...
Thiếu một vài giải pháp
Cuộc khủng hoảng kinh tế mà Việt Nam gánh chịu trong hai năm qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến các đơn vị làm sách trong nước, mà hệ quả trực tiếp tại hội sách lần này là có rất ít đơn vị làm được sách mới dành cho hội. Trong bối cảnh khó khăn ấy, những đơn vị xuất bản hay công ty truyền thông tư nhân ít nhiều có tâm lý tranh thủ bán hàng như một đợt huy động tối đa sức mua của thị trường truyền thống.
Ban tổ chức hẳn biết rõ điều này, nhưng cách phản ứng của hội sách lần này cũng như những lần trước: bốn ngày đầu hội chỉ cho các gian hàng giảm 10%, ba ngày cuối hội mới cho phép các đơn vị khuyến mãi bán hàng giá net.
Đã có ý kiến đặt ra ngay đầu hội sách: sao không cho bán giảm giá lớn ngay trong những ngày đầu? Nhưng ý kiến của ban tổ chức cũng hữu lý: cần phải giữ “bộ mặt” cho hội sách được tươm tất đàng hoàng ít ra trong những ngày đầu hội, bởi nếu nhà nhà đổ sách ra bán giảm giá, ngay lập tức không gian hội sách sẽ giống như một phiên chợ giảm giá. Điều này so với ý định duy trì nội dung hội sách như một thương hiệu văn hóa, e là không phải.
Dù vậy, vẫn có ý kiến bàn sâu thêm rằng ban tổ chức mới chỉ nhìn một nửa vào việc dàn xếp giữa bán giảm giá và giữ nét văn hóa cho hội sách. Bởi thật ra trong ba ngày cuối hội, với tinh thần “thả dàn” bán sách giảm giá, đẩy khối lượng người mua tăng lên đột biến dẫn đến cảnh chen lấn... Điều này ít nhiều làm mất hình ảnh văn hóa của một hội sách. Thế thì tại sao không tính toán dung hòa bằng cách tổ chức việc bán sách giảm giá trong trật tự từ đầu đến cuối hội, tránh tình trạng “xả hàng” trong ba ngày cuối.
Giữ sao cho “hội” không tổn thương
Trong khi ban tổ chức chăm chú giữ “bộ mặt” cho hội sách từ việc không cho đổ xô bán giảm giá ngay những ngày đầu, thì thể diện của hội sách lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ một phía khác: cách thu hút khách hàng của từng đơn vị tham gia (thông qua các chương trình tổ chức tại mỗi gian hàng) với loa phóng thanh không được kiểm soát âm lượng.
Chúng ta sẽ biện minh thế nào khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và diễn giả là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội bay vào giao lưu tại hội sách, nhưng buổi giao lưu dường như chỉ dành cho cử tọa của những hàng ghế đầu trong nhà hội thảo 2. Bởi năng lực âm thanh trong nhà hội thảo này không thể nào địch lại hàng loạt chương trình khuyến mãi, trò chơi trúng thưởng, thi đố... oang oang tại các gian hàng ngay bên ngoài nhà hội thảo.
Một nhóm bạn trẻ ngồi từ những hàng ghế giữa về phía cuối đã bỏ về nửa chừng với lý do: “ngồi vậy chứ chúng em có nghe gì đâu”.
Sáng 24-3, giữa lúc bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đưa ra lời khuyên “ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui” thì tiếng loa từ bên ngoài cứ dội vào không gian giao lưu, thấy... vui không được.
Ngay cả một chương trình diễn ra tương đối nhanh chóng và là nội dung của chính ban tổ chức hội sách: trao giải Tủ sách gia đình sáng 24-3 tại nhà hội thảo 2, thì khi ban tổ chức tuyên bố giải, đọc lời giới thiệu các tủ sách đặc sắc..., cử tọa đến dự chỉ có thể nghe được nếu kịp ngồi vào ba hàng ghế đầu.
Một thầy giáo trở đi trở lại hội sách nhiều lần, đã nói lên suy nghĩ của mình nhân lúc dừng chân bên một chiếu trà tự phát rằng: hội sách cần có những không gian yên lắng, để mọi người ngoài những lúc chen nhau tìm kiếm sách thì có thể ngồi đọc ngay vài trang, vừa để nghỉ ngơi. Muốn như vậy, âm thanh các gian hàng cần phải được kiểm soát. Nếu không, một phần không gian cần có của hội sách đã bị tổn thương.
Lời tâm sự của người thầy giáo nói trên khiến mọi người nhớ về những hội sách lần đầu tổ chức trong không gian nhỏ hơn ở hội trường thành phố (111 Bà Huyện Thanh Quan), nhưng không xô bồ âm thanh. Khi ấy, ban tổ chức còn kịp bố trí hai phòng đọc miễn phí phục vụ các em thiếu nhi. Nhưng không gian ở công viên Lê Văn Tám này thì khác - như một cán bộ ngành xuất bản từ Hà Nội vào dịp này nhận xét - “giống chợ nhiều hơn hội”.
Như vậy, bên cạnh những con số thành công, những kết quả tặng sách cho biên cương hải đảo do nhiều đơn vị chung tay cùng làm (25 doanh nghiệp tham gia hội đã quyên góp được hơn 10.000 bản sách trị giá trên 350 triệu đồng gửi tặng bộ đội Trường Sa và các chiến sĩ biên phòng), vẫn còn không ít việc để ban tổ chức hoàn thiện hơn trong những lần sau.
Hơn 850.000 lượt người đến hội sách Ban tổ chức thống kê hội sách lần này đã đón hơn 850.000 lượt người, tăng 20% so với hội sách lần 6. Tổng doanh thu hội sách là 30 tỉ đồng, tăng 50%; tổng số bản sách bán tại hội đạt 4,8 triệu bản, tăng 20% so với hội lần 6. Trong đó có các quyển dẫn đầu như: Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình (tác giả: Ngô Bảo Châu - Nguyễn Phương Văn, bán hết 10.000 cuốn), Cung đường vàng nắng (Dương Thụy, bán hết 7.000 cuốn), Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! (Adam Khoo, 5.000 cuốn), Hồi ký Tâm “sida” (Trương Thị Hồng Tâm, 5.000 cuốn), Ngược chiều vun vút (Joe Ruelle, 3.500 cuốn), Lolita (Vladimir Nabokov - Dương Tường dịch, 2.500 cuốn), Lá nằm trong lá (Nguyễn Nhật Ánh, 2.500 cuốn). Đặc biệt quyển Võ Nguyên Giáp - người yêu nước - người thầy - người lính của NXB Trẻ in trên giấy dó đã bán hết 101 bản trong tổng số 105 bản in. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận