18/03/2012 06:10 GMT+7

Diều lại thiếu gió để bay

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Giải Cánh diều năm nay, nếu như sự lên ngôi của Mùi cỏ cháy gần như đã được đoán trước thì có lẽ Long ruồi với bốn giải và Hot boy nổi loạn... nhận giải vớt mới thật sự là “bất ngờ”!

RU9hqmwZ.jpgPhóng to
Lệ phí tình yêu
dDK1QVRX.jpgPhóng to
Hot boy nổi loạn...

Mỗi năm một lần, mùa giải Cánh diều lại về với những buổi chiếu phim dự giải miễn phí cho công chúng (hoặc ở Hà Nội hay ở TP.HCM), những hội thảo, lễ lạt dành cho hội viên. Chỉ có điều chất lượng phim dự thi và những giải thưởng không tương xứng đã làm cho cái háo hức của những người “xem hội” cũng nhạt dần đi.

Ban giám khảo sao thì giải thưởng vậy!

Nếu như việc đạo diễn Vinh Sơn - một người luôn hết lòng ủng hộ người làm phim trẻ - là trưởng ban giám khảo của phim ngắn, nên phim 16g30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy đã được chọn để xứng đáng với giải vàng, thì hạng mục phim truyện lại gây tranh cãi ngay từ chuyện “tuổi tác” của ban giám khảo. Dù đã thay đổi cách thức để chống lại việc bị làm phiền và có tiêu cực, nên buổi họp báo công bố giải Cánh diều 2012 đã không cho biết các thông tin về ban giám khảo như thông lệ. Nhưng không khó để biết danh sách 13 vị ngồi ghế nóng của hạng mục phim truyện nhựa. Ngoài đạo diễn phim tài liệu Bùi Đình Hạc đã gần 80 tuổi làm trưởng ban giám khảo, các thành viên khác cũng đa số ở tuổi thất thập cổ lai hi và diễn viên NSND Lê Khanh 49 tuổi đã trở thành thành viên trẻ nhất.

Năm nào việc kêu gọi trẻ hóa ban giám khảo cũng được đặt ra nhưng có lẽ năm nay giải Cánh diều mới thật sự giữ kỷ lục về sự “già hóa”. Thế nên, dù Hot boy nổi loạn... từng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh đặt cược chức trưởng ban giám khảo ở liên hoan phim 17 vừa rồi cho giải vàng (rồi nhận đồng giải bạc cùng Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê) đã suýt đứng ngoài danh sách năm phim đoạt giải Cánh diều năm nay (dù đoạt giải báo chí) lại không phải là “sự lạ”! Và tương tự, vinh danh cao nhất dành cho Mùi cỏ cháy - một phim nhà nước đặt hàng mà những ai đã xem đều khen là xúc động, ám ảnh cùng việc biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục nhận giải cho kịch bản của phim này gần như đã là việc được dư luận “liệu trước”. Đạo diễn Stephan Gauger tỏ ra rất có duyên với giải Cánh diều khi

Cú và chim se sẻ năm 2008 giành giải phim hợp tác nước ngoài xuất sắc thì năm nay Saigon Yo!, một phim rất dễ thương của anh, tiếp tục được ghi nhận.

Tranh cãi có chăng nằm ở giải thưởng cá nhân khi những cái tên được nhắc đến nhiều nhất lại bất ngờ “văng” ra như Ngô Thanh Vân, Lương Mạnh Hải, Phùng Hoa Hoài Linh, Hồng Ánh... Vai diễn bị chê nhiều hơn khen về kỹ năng diễn xuất của Tinna Tình trong Long ruồi bất ngờ nhận được giải nữ phụ. Sự ngạc nhiên còn ở giải bạc và giải đạo diễn mà Long ruồi nhận được, để chỉ có thể lý giải phải chăng áp lực của doanh thu khủng (trên 42 tỉ đồng) mà Long ruồi nhận được đã giúp phim này “tỏa sáng” trước ban giám khảo?

qUeg2KxS.jpgPhóng to
Mùi cỏ cháy
oOixOkS8.jpgPhóng to
Long ruồi
lyrJfJGJ.jpgPhóng to
Saigon Yo!

Bình cũ đựng luôn rượu cũ

12 phim dự thi trên tổng số 17 phim được ra mắt năm 2011 là một con số không nhỏ (có năm giải Cánh diều chỉ có bảy phim tham dự). Nhưng trong 12 phim đó, có ba phim được coi là ứng cử viên nặng ký thì đa số khán giả cả nước chỉ được coi phim trên... báo (Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹĐó... hay đây), bởi lẽ những buổi chiếu phim miễn phí chỉ được tổ chức ở Hà Nội... Chín phim còn lại thì nhiều phim được xếp vào dạng thảm họa như Lệnh xóa sổ, Hello cô Ba, Vũ điệu đường cong và cả Long ruồi - một phim doanh thu cao nhưng chỉ đạt được tiêu chuẩn về thương mại, giải trí đơn thuần.

Dù sự so sánh là khập khiễng nhưng giải Cánh diều từ lâu vốn được coi là khá giống với cung cách trao giải của giải Oscar. Bởi thế nên trong giới làm phim vẫn xôn xao đề nghị nên chăng là giải của Hội nghề nghiệp - giải Cánh diều nên được chấm bởi tất cả những người làm phim như giải Oscar (tất cả thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ đều có quyền bỏ phiếu). Mà muốn thế lại tiến thêm một bước giống Oscar các phim dự giải Cánh diều phải bắt buộc là phim đã được chiếu công khai ở các rạp có bán vé để công chúng là những giám khảo nghiêm khắc, công tâm chứ không phải như Mùi cỏ cháy hay Tâm hồn mẹ đến giờ vẫn chỉ đang nằm trong kế hoạch chiếu dịp lễ lạt mà thôi.

Được sinh ra năm 1993 như một giải thưởng của hội nghề nghiệp rồi có tên là giải Cánh diều từ năm 2003, nhưng đến giờ có lẽ các phim dự thi và giải thưởng được trao đã không còn giữ được giá trị “nghề nghiệp” như tiền thân của giải gần 20 năm trước... Bao giờ có gió để diều được bay cao, nhiều năm rồi có lẽ vẫn là một câu hỏi vô vọng như thế.

* Thằng Cười trong Hot boy nổi loạn... là một vai diễn đậm cá tính nội tâm mà tôi nhận được. Đây là một dạng vai quá khó, khó hơn tất cả những vai diễn mà tôi đã tham gia trong các phim truyện cũng như phim truyền hình. Khó nhất là ở phân đoạn chờ con vịt nở, chờ rất lâu, hơn 30 phút, máy quay lúc đó liên tục quay và tôi cũng phải giữ cảm xúc của thằng Cười liên tục cho đến khi con vịt chui ra... Tôi còn nhớ khi nhận kịch bản từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, tôi có cho ba mẹ xem, ba mẹ tôi đã nói đây là vai diễn họ rất kỳ vọng. Mẹ tôi nói nếu con làm tốt vai diễn này con sẽ ở đẳng cấp khác, khán giả sẽ không còn đóng khung con chỉ ở một kiểu vai chọc cười nữa. Đúng là tôi đã được giải thoát khỏi cái khung “diễn viên chọc cười” nhờ vai thằng Cười, dù thật lòng tôi vẫn muốn được chọc cười khán giả hơn là làm họ khóc! (Hiếu Hiền - giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai thằng Cười - phim Hot boy nổi loạn...)

* Khi biết Long ruồi cũng dự giải Cánh diều (nhà sản xuất gửi đi), có một bạn cũng là đạo diễn còn đùa tôi: “Nếu được giải anh nhớ phát biểu: Giải Cánh diều mọi năm thường trao cho phim dở, năm nay tôi đoạt giải không biết vì phim tôi dở hay vì giải Cánh diều đã tiến bộ hơn!”. Thế nên, tôi rất bất ngờ và không thể nói là vui được khi biết mình được trao giải đạo diễn xuất sắc với phim Long ruồi. Đã thế Long ruồi còn nhận được thêm ba giải và việc ban giám khảo của giải Cánh diều trao cho Long ruồi giải bạc làm tôi liên tưởng đến giải bạc gây tranh cãi của 14 ngày phép lần trước! Với tôi, nếu được trao giải đạo diễn phim có doanh thu cao nhất thì tôi thấy tự hào và thấy xứng đáng hơn vì Long ruồi đã làm được điều đó. Nhưng phải nói thẳng Long ruồi là phim tôi thấy mình làm tệ nhất, còn nhiều điều đáng tiếc nhất... trong các phim tôi đã làm. (Charlie Nguyễn - giải đạo diễn xuất sắc nhất cho phim Long ruồi)

SXmEeboI.jpgPhóng to
Đoàn làm phim Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười nhận giải thưởng Cánh diều vàng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Làm nóng bầu không khí lễ trao giải lại là những tiếng bật cười trước những tình huống lúng túng, lủng củng: người dẫn mắc lỗi đọc sai tên, sai cả... giới tính người nhận giải (với tác giả Nguyễn Minh Phương, giải Cánh diều bạc công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh), sự không ăn nhập giữa một số cặp đôi lên trao giải hoặc những phút quá “lên tăngxông” trên sân khấu của nghệ sĩ... Thiếu vắng nhiều nghệ sĩ trên thảm đỏ, trong đó có cả những người đoạt giải (Charlie Nguyễn, Thái Hòa, nhiều thành viên trong đoàn phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt...), khán phòng cũng thừa nhiều ghế trống.

Mùi cỏ cháy đã đoạt ba giải Cánh diều vàng cho âm nhạc xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh, biên kịch phim truyện điện ảnh và phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất. Giải thưởng nam diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Thái Hòa (phim Long ruồi) và diễn viên trẻ Quỳnh Hoa (phim Saigon Yo!) đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bộ phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt là bộ phim truyện điện ảnh hay nhất mà ban giám khảo báo chí đã lựa chọn.

Ngoài ra, ban tổ chức quyết định tôn vinh hai nghệ sĩ gạo cội: NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh bằng hai đoạn clip ngắn trích lược sự nghiệp trước khi dành vài phút cho hai nghệ sĩ phát biểu cảm nhận.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên