Đức Tuấn, 10 năm một dấu ấnĐức Tuấn - 10 năm với Thiên thai
Phóng to |
Tiết mục Con mắt còn lại đầy sáng tạo của ca sĩ Đức Tuấn cùng Khánh Thi và nhóm múa - Ảnh: T.T.D. |
Thoạt đầu, những gì quán quân Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2000 Ðức Tuấn làm mang đến cho số đông công chúng cảm giác “làm sang” thật.
Ðêm nhạc trong không gian nhỏ hẹp của các phòng trà mà Ðức Tuấn cũng “bày đặt” trang hoàng sân khấu theo phong cách cổ điển châu Âu, mời những giọng ca và nhạc công cổ điển cùng diễn.
Thời đó, Ðức Tuấn với Tiếng hát Trương Chi vô cùng kỹ thuật mà khô cứng, với Phantom of the opera (hát cùng Hồ Quỳnh Hương) đầy thiện ý nhưng không thể giấu những gượng ép. Mặc ai nói ra nói vào, Tuấn vẫn liên tục phát hành những album theo dòng bán cổ điển với các tác phẩm của những nhạc sĩ tài danh: Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Phạm Thế Mỹ, Cung Tiến... Và đỉnh điểm là live show cùng album theo phong cách nhạc kịch Broadway Music of the night (2009). Album cũng như live show đó, dù có sự cố vấn và trợ giúp từ đội ngũ các chuyên gia nước ngoài, vẫn còn bộc lộ nhiều thiếu sót.
Nhưng với Thiên thai - Paradiso thì khác.
Không lập lòe xanh xanh đỏ đỏ, không tiếng nhạc xập xình, không khói lửa tung tóe, những gì Thiên thai mang lại là một không gian âm nhạc tinh tế và đầy quyến rũ với những bức ảnh sơn mài chuyển động giản dị trên màn hình mỏng mịn như tơ, với sự quý phái và uy nghiêm của cả dàn nhạc giao hưởng, với sự tươi tắn của những vũ công chuyên nghiệp trong và ngoài nước và với sự sang trọng của những tấm màn nhung hay đèn chùm huyền bí, lung linh...
Riêng Ðức Tuấn cũng đã làm chủ được từng âm thanh, âm vực trong giọng hát. Tuấn hát điêu luyện với những cao trào khó quên trong Trương Chi, Thiên thai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Tình hoài hương, Tình ca... Tuấn “nhập vai” thật tự nhiên vào dòng nhạc kịch phương Tây với Music of the night, Phantom of the opera, Singing in the rain... Và Tuấn đã có những sáng tạo cho riêng mình, “Broadway hóa” thành công những nhạc phẩm của VN: Hương xưa (Cung Tiến), Con mắt còn lại (Trịnh Công Sơn)...
Ðiều đáng nể nhất là Ðức Tuấn đã “chiêu dụ” được một êkip hàng đầu cùng hợp tác với mình. Mấy ai ngờ một nhạc trưởng đương thời người Anh Paul Bateman - người sẽ chỉ huy các chương trình hòa nhạc tại Olympic sắp tới - đã bỏ ra gần hai năm để nghiên cứu nhạc Việt và dành cho Ðức Tuấn những bản phối thật đẳng cấp cho Tình hoài hương, Thiên thai, Trương Chi... Ông cũng lấy mức thù lao hết sức tượng trưng (2.000 USD) cho công việc chỉ huy dàn nhạc trong đêm diễn bởi “đánh giá cao niềm đam mê và tài năng của Ðức Tuấn”.
Trong một góc rất khuất và rất thấp của sân khấu là các nhà sản xuất/nhạc sĩ “đẳng cấp”: Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Kiên... trong ban nhạc Anh Em. Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết: “Ðừng nghĩ rằng Anh Em giúp đỡ Ðức Tuấn. Bản thân chúng tôi đã học được rất nhiều từ êkip mà Tuấn mời hợp tác”. Ngay cả “cô Bống” Hồng Nhung vốn kiêu kỳ cũng không ngần ngại thổ lộ ngay trên sân khấu: Thiên Thai - Paradiso là chương trình mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều cảm thấy tự hào khi được tham gia.
_________________
(*) Thiên thai - Paradiso còn một đêm diễn nữa tối 26-11 tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội).<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận