11/11/2011 06:28 GMT+7

Giám khảo... được mùa - Kỳ 2: Giám khảo phải là một nghề

NGUYỄN QUANG DŨNG
NGUYỄN QUANG DŨNG

TT - Phải nói chưa ai sống bằng nghề làm giám khảo cả, mà “mém chết” vì nghề giám khảo cũng khá nhiều. Tại sao? Đường dài nào cho nghề giám khảo?

SycQlhcn.jpgPhóng to
Hai giám khảo Phương Thanh và Quang Dũng hòa mình cùng thí sinh cuộc thi Bước nhảy xìtin 2011 - Ảnh: G.Tiến

Vì sao các chương trình truyền hình thực tế chiếm lĩnh thị trường của truyền hình hiện nay trên toàn thế giới? Vì nó đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Với các cuộc thi, khán giả không dừng lại ở nhu cầu chỉ xem chuyên môn, họ còn muốn thấy cá tính của những thí sinh, muốn thấy đời sống của thí sinh và còn muốn nhìn được quá trình từng bước của thí sinh. Điều gì làm khán giả thú vị với các chương trình như thế này: phải có hài hước để giải trí, phải có kịch tính để hồi hộp, phải có bất ngờ để người ta chờ đợi và phán đoán. Không còn thụ động nữa, khán giả muốn tham gia cùng chơi và họ là người góp phần quyết định ở cuộc thi. Vậy ban giám khảo có vai trò gì ở cuộc chơi ấy?

Người ta hay nói giám khảo là người cầm cân nảy mực, điều đó là chưa đủ với giám khảo của loại chương trình này.

- Mỗi giám khảo hiện nay có vẻ như đại diện của một cá tính đặc trưng trong xã hội. Một chương trình sẽ có ba hoặc bốn vị giám khảo và họ có cá tính, sở thích khác nhau. Ví dụ: một người khó tính, một người thân thiện hòa nhã, một người vui vẻ... Họ như một góc nhìn của một loại tính cách khi nhìn vào sự việc. Nhiều người cho rằng giám khảo phải vào vai ác hay vai thiện, thật ra giám khảo không phải là diễn viên, họ không thể đóng vai được. Họ phải có nhiệm vụ cho mọi người thấy quan điểm cá tính mình. Điều đó làm cho khán giả trùng ý kiến thấy hả hê và những người ở nhóm cá tính, góc nhìn khác có nhu cầu lên tiếng và hành động. Vậy coi như họ có nhiệm vụ “nói giùm cảm nghĩ” của khán giả. Để làm được điều này họ phải là những người có uy tín, cá tính nổi trội và không che giấu cá tính của mình.

- Giám khảo là người tương tác trực tiếp với thí sinh. Nên họ phải có nhiệm vụ khơi dậy cá tính của thí sinh, vì khán giả ngoài chuyện thưởng thức chuyên môn còn rất tò mò muốn biết con người đó vui, giận, thắng, thua thì phản ứng và ứng xử như thế nào. Giám khảo phải biết “thử lửa” thí sinh.

- Chương trình sẽ tẻ nhạt nếu như mọi thứ đều dễ dàng. Nên giám khảo phải biết tạo kịch tính cho chương trình, mà cứ kịch tính và hồi hộp mãi thì thật là mệt, nên khán giả cũng cần những giây phút vui vẻ và thư giản. Mà thí sinh cũng cần điều đó. Giám khảo phải hiểu thời điểm nào nên tạo cái gì.

- Khán giả cần thấy sự phát triển của thí sinh. Nên giám khảo cũng phải góp phần vào sự thay đổi đó. Bằng cách họ có thể chỉ ra những điểm ưu khuyết, cái đó thật ra không khó. Cái khó hơn là họ phải hiểu tính cách thí sinh để biết ai, lúc nào cần phải khích lệ hay đôi khi tạo oan ức để thí sinh phát triển. Cái này thì giám khảo phải theo dõi, nghiên cứu kỹ và bắt mạch được thí sinh.

- Khán giả hiện đại không còn thụ động như trước. Họ ý thức và đòi quyền hạn của mình. Cho nên giám khảo cũng phải biết làm sao để khán giả nổi dậy và lên tiếng. Đây là nhiệm vụ khó nhất vì nó có thể xảy ra tai nạn. Thường giám khảo phải dùng sự khiêu khích, gây sốc hay gây oan ức, có khi họ phải tranh cãi lẫn nhau... Những điều đó thật ra là không thể diễn vì chương trình truyền hình thực tế cần tính chân thật, giám khảo chỉ cần dám nói những thứ có thể không nên nói ra... và những cách đó thường chắc chắn sẽ bị “ném đá” hoặc gây mích lòng. Nên ai giữ vai trò này thường là những người rất lì đòn, lạnh lùng, hiểu công việc và bình tĩnh, đủ sức chịu đựng.

- Cuối cùng là cái quan trọng nhất. Giám khảo phải thay cho nhà tổ chức giúp thí sinh và khán giả hiểu rõ tiêu chí của chương trình và hướng họ theo tiêu chí đó. Cái này thì bắt buộc trước khi nhận làm giám khảo họ phải nghiên cứu kỹ nội dung của chương trình.

Bề ngoài người ta chỉ thấy giám khảo mỗi tuần mất vài giờ lên truyền hình “chém gió” hay tếu táo thế thôi. Nhưng qua nhiều lần nhận làm giám khảo, tôi càng nhận ra nó không hề đơn giản, cần sự nghiên cứu kỹ càng, cần sự theo dõi sát sao, cần trách nhiệm, cần sự phán đoán và cần cả sự quên mình cho chương trình, tất nhiên cần cả sự chấp nhận những tai nạn. Nên với góc nhìn của một đạo diễn, tôi thấy giám khảo là một cái nghề chứ không hề “rảnh thì làm cho vui”.

Khi công nhận là một cái nghề, thì lúc đó chúng ta mới chấp nhận cái gọi là “tai nạn nghề nghiệp”. Cái khó là phải lường trước tai nạn. Tôi bắt đầu ít nhận làm công việc giám khảo, bởi vì càng làm thì tôi thấy phải thật sự xem nó như một cái nghề. Và còn là một nghề rất khó.

Ồn ào với tai nạn nghề nghiệp

Thần tượng Việt Nam (Vietnam Idol), Người mẫu Việt Nam (Vietnam next top model), Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us)..., bất kỳ chương trình truyền hình nào, bên cạnh tính cạnh tranh của các nghệ sĩ, các “tai nạn nghề nghiệp” của từng ban giám khảo cũng là chuyện gây ồn ào. Đã có những cái tên được nhắc đến (ngoài công việc chuyên môn của họ) ở vị trí giám khảo: Trần Tiến, Lê Hoàng, Siu Black, Hồ Hoài Anh, Anh Tuấn, Diễm Quỳnh, Mỹ Tâm, Hồng Nhung...

Ngồi ở vị trí ghế nóng, giám khảo của các cuộc thi phần lớn là những nghệ sĩ gạo cội trong từng lĩnh vực nghệ thuật. Ở vị trí này, vũ khí của ban giám khảo không còn là kiến thức chuyên môn mà ở cách họ diễn đạt được kiến thức đó, đánh giá thí sinh... theo chất riêng nghệ sĩ. Không ít chất ngông, lập dị... trời sinh của các thành viên ban giám khảo tạo nên những tranh cãi về cách phát ngôn của họ. Phản ứng hàng loạt sau câu nhận xét dành cho “cặp mông” của người mẫu Vũ Thu Phương trong điệu nhảy chachacha, không lâu sau nhạc sĩ Trần Tiến tạm dừng làm giám khảo Bước nhảy hoàn vũ. Những điểm 6 khắt khe của đạo diễn Lê Hoàng trong hai đêm đầu Cặp đôi hoàn hảo khiến anh được “ưu ái” gọi là đạo diễn “phát xít”, “hitler”.

“Tai nạn hay sảy miệng thì chẳng ai đề phòng được, mỗi một lần tai nạn lại muôn hình muôn vẻ” - nhạc sĩ - giám khảo Hồ Hoài Anh nói vui. Nhưng theo quan niệm của Hồ Hoài Anh, “nếu nói làm giám khảo để vui thôi cũng chỉ là một cách nói. Khi nhận lời thì làm giám khảo cũng là làm việc, không có ngoại lệ. Công việc này thậm chí còn rất nhạy cảm vì không thể làm vừa lòng tất cả mọi người”. Cũng vậy, nói về “tai nạn nghề nghiệp”, đạo diễn - giám khảo Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Tôi chưa bị tai nạn lớn gì. Tuy nhiên, tai nạn nhỏ và thương tích cũng đầy mình. Tôi không kể những việc như bị dư luận, báo chí ném đá là tai nạn lớn, bởi vì tôi cũng quen việc đó rồi. Nên có thể nói với tôi, tai nạn lớn là bị mất lòng đồng nghiệp. Mà chuyện này thì cũng không ít”.

Siu Black: ban giám khảo cũng phải... luyện tập

cxTojtMk.jpgPhóng to
Giám khảo Siu Black biểu diễn cùng thí sinh Nguyễn Phương Anh tại đêm chung kết Vietnam Idol 2010 - Ảnh: Gia Tiến

Nổi tiếng là một giám khảo hay cười, luôn làm cho không khí chương trình thêm sinh động, ca sĩ Siu Black có cuộc trao đổi ngắn với Tuổi Trẻ.

* Làm giám khảo ở nhiều cuộc thi lớn, chị coi đây thật sự là một công việc lâu dài hay nhận lời bởi nể các mối quan hệ?

- Tại sao tôi nhận lời các cuộc thi, tôi phải thích. Vì không thích mà chỉ ngồi nghe hát thì chán lắm. Phải hứng thú khi nghe từng hơi thở, cảm xúc bộc lộ trong bài hát đó, nhận thức được bài hát như thế nào, thí sinh đó đang hát trả bài tôi hay hát có cảm xúc riêng. Quan trọng là tôi làm được việc không, hoặc còn ai... mời tôi không. Không đi hát mà làm giám khảo cũng không sao vì cuối cùng vẫn được... nghe hát. Vào vị trí giám khảo ở một lĩnh vực mình thông hiểu rất hay, nó dính dáng đến chuyên môn của mình, rút được cả kinh nghiệm cho mình từ chính những ca sĩ, thí sinh dự thi. Vả lại phải có chuyên môn một chút mới nhận xét được chứ. Suy cho cùng đó đều là những kinh nghiệm trình diễn trên sân khấu, về nghề hát...

* Ngồi ở ghế nóng mà khán giả nhận xét “chị Siu” vẫn mát tính lắm, vẫn cố gắng “làm sao để chê mà không bị giận”?

- Kinh nghiệm của tôi là có những cuộc thi mà bất ngờ luôn nằm ở tuần kế tiếp. Thực tế, một phần sự tiến bộ của từng thí sinh được sinh ra trực tiếp từ... ban giám khảo. Nếu tôi đưa ra được những cái họ làm chưa tốt thì tuần sau có khả năng họ sẽ làm tốt hơn.

Thí sinh ta ngộ lắm, kể cả thí sinh là người nổi tiếng, khen có thể cười tít mắt, chê là mặt buồn xo. Tôi từng ở tâm trạng đi thi khi tham dự Bước nhảy hoàn vũ nên biết góp ý của ban giám khảo có ích lắm! Tôi cũng phát hiện kể cả nghệ sĩ khi đi thi cũng có chút hồi hộp, thậm chí đôi khi họ không biết phải làm như thế nào và rơi vào vòng bế tắc. Có người tâm sự với tôi, họ không còn hứng thú tham gia và không biết tiếp tục như thế nào. Quan điểm của tôi là phải chê một cách hiệu quả, nhận xét phải mang tính xây dựng.

* Thí sinh phải tập luyện cho các đêm thi của mình, đảm nhận vai trò giám khảo, chị thường chuẩn bị những gì?

- Tôi phải xem lại các phiên bản gốc của từng chương trình và tự học hỏi cách nhận xét, diễn đạt của các giám khảo nước ngoài. Cách diễn đạt của họ hay lắm. Tôi rất thích Paula Abdul - nữ giám khảo luôn có cách nói nâng đỡ để thí sinh tốt lên và cân bằng cách nói thẳng vào mặt của Simon Cowell. Nhưng chương trình của ta chưa thể có hết những nhận xét thoải mái, vẫn nghiêng hơn về một bầu không khí thế nào cho mọi người vui vẻ, chấp nhận lời nhận xét. Chứ ngay với phiên bản gốc của Cặp đôi hoàn hảo, giám khảo còn phê bình cả nghệ sĩ chuyên nghiệp, đòi hỏi những nghệ sĩ này phải làm việc với tinh thần nâng đỡ bạn diễn.

NGUYỄN QUANG DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên