30/10/2011 05:00 GMT+7

Dưới bầu trời này không có gì mới cả

PHAN XI NÊ
PHAN XI NÊ

TT - “Phim này copy từ phim nước ngoài”. Một dòng nhận xét ngắn ngủi, có thể người nhận xét cũng không có ác ý gì, hoặc cũng có thể người nhận xét đầy những ác ý, nhưng lời nhận xét ấy giống như dao đâm vào người làm phim, nhất là khi người làm phim chỉ là những bạn trẻ đang bắt đầu vào nghề, với những chập chững bỡ ngỡ.

sYUp5RJu.jpgPhóng to
Phim Tất cả mọi thứ đều quay trở lại

Tất cả mọi thứ đều quay trở lại là một phim ngắn của hai bạn trẻ 20 tuổi Lê Lâm Viên và Đỗ Như Trang, sinh viên Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, tham gia tranh giải tại Tiệc phim YxineFF 2011. Sau khi trình chiếu được vài ngày, nhận được vài lời khen ngợi từ người xem vì sự độc đáo trong cách đặt vấn đề, bộ phim bất ngờ bị cáo buộc “copy phim nước ngoài” bởi một khán giả nặc danh tự nhận “đạo diễn tốt nghiệp từ Úc, từng đoạt giải phim ngắn ở LHP Cannes”.

Người nặc danh cho rằng Viên và Trang đã “đạo” bộ phim Repeaters của Mỹ. Nhưng, nếu như trong Tất cả mọi thứ đều quay trở lại, nhân vật chính phát hiện những đồ vật bị mất đi của cậu bỗng quay trở lại một cách kỳ lạ, cho đến khi cậu cùng bạn gái có một quyết định điên rồ - họ “đánh mất” chính bản thân mình, thì trong Repeaters, mọi thứ xảy đến với nhân vật chính bỗng... trở lại như ban đầu vào ngày hôm sau.

Nhiều khán giả đã xem cả hai phim cũng nhận xét về sự khác nhau trong ý tưởng lẫn phong cách làm phim của hai bộ phim, thế nhưng những lời cáo buộc vẫn tiếp tục nhắm vào hai bạn đạo diễn trẻ.

Việc trùng lắp ý tưởng trong điện ảnh là chuyện rất bình thường trên thế giới. Như Anderson Lê, nhà tổ chức LHP quốc tế Hawaii, phát biểu về vấn đề “có hay không việc đạo phim trong điện ảnh Việt Nam” tại đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế hồi tháng 4-2011: “Dưới bầu trời này không có gì là mới. Không có câu chuyện nào mới, chỉ có cách kể chuyện mới thật sự quan trọng”. Sự sáng tạo trong điện ảnh, đôi khi không phải ở ý tưởng mới hay câu chuyện mới mà chính ở cách kể mới, cách thể hiện mới.

Thế nhưng, những lời bình luận chụp mũ “đạo phim” khi chỉ cần một bộ phim có gì đó hao hao với một bộ phim khác của nước ngoài nhiều khi đã như những gáo nước lạnh tạt vào mặt những nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt với những bạn trẻ đang háo hức tìm tòi những ý tưởng mới (nhưng không hề ý thức rằng thật ra trên thế giới người ta đã làm).

Thay vì nhìn vào những thành quả của bộ phim, những tiến bộ về tay nghề, những cảm xúc chân thật, lối kể chuyện hiện đại có phong cách cá tính riêng thì không ít người chỉ chăm chăm soi mói để “hạ gục” tác phẩm. Đang trở thành nạn nhân của những bình luận này, còn có Thinh không của Vũ Ngọc Phương bị quy tội “đạo phim” Nếu em không là giấc mơ của Marc Levy, Năm điều phạt của Dương Minh Lộc bị nghi ngờ “bắt chước phim của studio Ghibli”, hay Home sweet home của nhóm 57 Bananas bị cho là “copy” từ phim hoạt hình Alma.

Trước đó, Đường kiến đã là một nghi án vội vàng cho đến khi đạo diễn công bố generique của phim có ghi rõ lấy ý tưởng từ truyện Đường kiến. Xe ôm của Nguyễn Thị Thắm nhận được nhiều lời khen ngợi thì cũng có một ý kiến khẳng định Xe ôm đạo ý tưởng của Tổ ấm - một phim ngắn của một học viên cùng học lớp điện ảnh Varan với Thắm. Trong khi hai phim này chỉ giống về nhân vật mà khác về cách kể, về ngôn ngữ điện ảnh rõ rệt.

Làm một bộ phim thì không dễ, nhưng buông một lời bình luận thiếu trách nhiệm thì dễ dàng. Nhiều người chưa hề xem cả hai bộ phim, nhưng chỉ cần “nghe nói đạo phim” cũng lặp lại lời vu cáo mà không cần kiểm chứng, cộng thêm tốc độ lan truyền trên các mạng xã hội khiến không ít nhà làm phim trẻ bị tổn thương.

“Bọn mình không phải là những nhà làm phim chuyên nghiệp, nhưng bọn mình biết thế nào là danh dự. Xin hãy nghĩ đến cảm xúc của những người làm phim” - tâm sự này của Lê Lâm Viên cũng là nỗi niềm của nhiều người làm phim trẻ.

PHAN XI NÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên