25/10/2011 03:00 GMT+7

Mỹ thuật "thời hạ giá"

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Không chỉ có tấm biển ghi tên triển lãm Sale off, mà khắp phòng trưng bày ở nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) là những thông tin giống hệt một cửa hàng đại hạ giá ngoài đường phố: Giảm giá tới 90%, Sự lựa chọn tốt nhất trong năm, Tưng bừng khuyến mãi - ưu đãi hoành tráng...

wvTxFYFi.jpgPhóng to
Một góc không gian của triển lãm Sale off, giá bán tranh phụ thuộc vào kích thước tranh - Ảnh: Hoàng Điệp

Trước buổi khai mạc triển lãm (diễn ra từ ngày 24-10 đến hết 4-11), người thì tự tay treo tranh, kẻ thì lúi húi viết tên từng bức tranh cũng như giá trị thực, giá bán, chất liệu lên một mẩu giấy... Tất cả đều làm việc cẩn trọng và nghiêm túc.

Triệu Tuấn Long - một trong ba họa sĩ góp tác phẩm trong triển lãm Sale off - cho biết: “Trong một lần mấy anh em ngồi uống cà phê ở Trần Hưng Đạo, nhìn thấy phía bên kia đường cửa hàng giày treo chữ “sale off”, giày được phân loại rồi đổ đống ra cả vỉa hè. Chị em phụ nữ, người đi đường xúm xít vào xem và mua. Mọi người đều hỏi nhau: tại sao lại không hạ giá tranh?”.

Nghệ thuật và hàng hóa

Đương nhiên không giống như những món hàng được bày bán trên phố, gần 90 bức tranh của ba họa sĩ Triệu Tuấn Long (sinh năm 1981), Nguyễn Đình Vũ (1980) và Đỗ Hiệp (1984) được trưng bày ở 16 Ngô Quyền khiến không ít công chúng quen thuộc với địa chỉ này phải tò mò. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam có một triển lãm đưa chữ giảm giá vào nghệ thuật.

Họa sĩ Đỗ Hiệp - người có đến hơn 30 bức tranh tại triển lãm - cho biết: mỹ thuật vốn không phải ai cũng ưa, nhiều đại gia có thể mua một chiếc ôtô, sưu tập những món đồ chơi hàng tỉ đồng nhưng không mấy người sẵn lòng mua tranh. Nhiều người nói bởi nghệ thuật vô giá, đôi lúc tranh có giá quá cao nên người ta không mua. Khi chúng tôi sale off - hạ giá, có nghĩa là chúng tôi đã mang cơ hội được mua tranh đến với tất cả mọi người. Chúng tôi muốn thử xem liệu người ta có muốn mua tranh thực không”. Nghĩ là làm. Trong không gian sang trọng của nhà triển lãm mỹ thuật chiều 24-10, các bức tranh được treo lộn xộn, chồng chất, kín đặc không khác gì một cửa hàng quần áo bình dân.

Điên rồ?

Nhiều họa sĩ lớn tuổi đã nói với nhóm họa sĩ này như vậy khi họ có ý định sale off. Bởi đơn giản nghệ thuật không thể là thứ có thể giảm giá. Bản chất nghệ thuật vốn đã là vô giá. Tuy nhiên, việc định giá cho những tác phẩm nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ đầu tiên là việc của mỗi nghệ sĩ ấy để đánh giá tài năng và tác phẩm của mình. Họa sĩ Đỗ Hiệp cười như nắc nẻ khi kể: Mấy bác lớn tuổi (không tiện nêu tên) chửi: Điên à, rồ à, thần kinh dở hơi à... Tất cả những điều đó là dễ hiểu bởi có những họa sĩ đã nói nếu dưới 1.000 USD họ nhất định không bán tranh. Nhưng với giá tiền như vậy, cùng với thói quen ít chơi nghệ thuật như ở Việt Nam thì sẽ càng ít người bỏ tiền ra mua tranh. Thậm chí nhiều người đã sử dụng tranh chép, tranh nhái ở đường Nguyễn Thái Học để tặng và treo trong nhà mới.

“Triển lãm Sale off tạo cơ hội cho người mua được sử dụng những bức tranh thật với giá tiền của tranh nhái, tranh chép” - Đỗ Hiệp vui vẻ nói khi vừa bán một bức tranh đầu tiên giá 20 USD của anh cho một vị khách nước ngoài ngay trong lúc đang sắp xếp tranh.

Không phải vì tiền - đương nhiên là vậy!

“Ngay trước buổi khai mạc, thậm chí trước đó cả ngày trời đã có nhiều người tò mò bởi tấm biển triển lãm. Không chỉ khách Việt mà khách nước ngoài cũng cảm thấy thú vị với chữ Sale off giữa phòng triển lãm. Bình thường tại đây chủ yếu là những người trong nghề đến xem, còn triển lãm này đã kéo cả khách đi đường dừng chân” - người trông xe trước cửa triển lãm cho biết. Những họa sĩ già thì tò mò xem các họa sĩ trẻ đang làm gì, còn những người trẻ cũng tò mò ủng hộ. “Cá nhân tôi rất ủng hộ cách làm này của các họa sĩ trẻ”, đứng trước các bức tranh được treo lộn xộn, họa sĩ Bằng Lâm bày tỏ.

Trong 90 bức tranh có kích thước từ 0,2m x 0,25m đến 1,5m x2m có giá từ 20-600 USD, bức có tuổi đời lâu nhất được Đỗ Hiệp vẽ năm 2007, còn lại toàn bộ là tranh mới. Đã có người hỏi nhóm họa sĩ: Có phải triển lãm để bán tranh ế? Không phải. Trong đó có những bức đã từng tham dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010 (Tuổi yêu - sơn dầu của Triệu Tuấn Long) hay những bức tranh vẽ hoàn toàn mới theo trường phái tranh thờ của Nguyễn Đình Vũ. Trước triển lãm đã có người hỏi: Thế lỡ người ta mua thật thì sao? Thì bán thật. Nhưng chỉ bán những bức nào có trong triển lãm thôi, hết triển lãm sẽ không bán giảm giá nữa. Thậm chí, theo họa sĩ Triệu Tuấn Long, những bức tranh bán ở đây còn rẻ hơn giá bán tranh lưu niệm ở cửa hàng của anh. Triển lãm này đương nhiên cũng không phải để nổi tiếng, chơi trội mà chỉ đơn giản để “đo” tiếng vọng và sự lan tỏa của mỹ thuật nước nhà.

Bởi thế nên dù giấy mời 16g30 mới khai mạc triển lãm nhưng 15g30 đã có khá đông người đến xem tranh. Bàn tán, bình luận về nhiều bức tranh không có tên hay những góc tranh một giá (50 USD, 200 USD, 300 USD).

Họa sĩ Thành Chương: “Triển lãm rất thú vị. Theo tôi, trước tiên là ở cách trưng bày và ở tinh thần của họa sĩ. Ít nhất là nghệ thuật sắp đặt đã mang lại cảm giác thú vị và dễ chịu về nội dung, giống như cái chợ tranh nhiều món và nhiều lựa chọn. Bấy lâu nay xu hướng chung của nghệ thuật thường có nhiều người ngộ nhận, bịp bợm, thần thánh hóa cao đạo nghệ thuật, khiến nó xa rời cuộc sống với những lý lẽ về nghệ thuật đỉnh cao. Triển lãm này có ý thức đối thoại lại với dòng suy nghĩ tràn lan và sai lạc với thị trường”.

H.ĐIỆP ghi

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên