<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng to |
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: V.Q. |
Chương nào cũng treo cái biển khuyến cáo “đừng đọc”, bao nhiêu chương là khuyến cáo bấy nhiêu hạng người, nhưng không chỉ là bấy nhiêu đó mà như trêu ngươi, khích bác tất thảy. Và hiệu quả của cách đặt tên chương được xác lập tức thì: bảo “đừng đọc” thì khiến “phải đọc”.
SBC là săn bắt chuột, ngay cái tên sách cũng khiến người ta “phải đọc”. Mở đầu bằng một trận lụt càng khiến người ta “phải đọc”, bởi đó không phải là một trận lụt hư cấu, mà trận lụt có thật ở thành phố Hà Nội (cuối năm 2008). Một trận lụt biến các con đường trong thành phố Hà Nội thành những dòng sông. Và tác giả tự thấy mình không phải tốn giấy miêu tả trận lụt đó, mà chỉ cần trích dẫn lại lời nhạc chế phổ biến trên Internet là đủ: Hà Nội mùa này phố cũng như sông/ Cái rét đầu đông chân em thâm vì ngâm nước lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố/ Ðường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước sông Hồng...
Sử dụng lối viết hoạt kê, nhưng tiểu thuyết của Hồ Anh Thái không chỉ dừng lại ở mức độ gây cười mà khiến phải nghĩ, phải thay đổi. Một cõi nhân gian bé mọn, qua ngòi bút nhà văn như được “soi” từng ngóc ngách, bóc tách từng lớp vỏ màu mè, để hiện ra những chân dung trần trụi. Một câu lạc bộ nữ quyền thực chất là câu lạc bộ của những phụ nữ quá lứa lỡ thì và những bà mẹ độc thân.
Một nhà thơ (biệt danh Thơ Lửa) tự tạo giai thoại cho mình bằng việc đốt thơ chẳng may bén màn và suýt cháy nhà. Một đại gia đất cát chơi với một ông Cốp cũng lên đẳng cấp thất quyền: Nói có người nghe/ Ðe có người sợ/ Vợ có người chăm/ Nằm có người bóp/ Họp có người ghi/ Chi có người bù/ Tù có người chạy. Một luật sư chân thọt, không cần biết đến việc bảo vệ nguyên tắc mà chỉ biết bảo vệ thân chủ, bất chấp đúng sai thế nào... Song song với một thế giới người là một thế giới chuột cũng không kém phần thủ đoạn và tham vọng. Chuột và người. Chuột lẫn vào người. Người người chuột chuột. Người giết chuột. Chuột trừng phạt người.
Có thể nói cái bản thể xã hội Việt Nam hôm nay đã được Hồ Anh Thái mô tả một cách khách quan và trung thực. Có thoáng một chút gì đó như là khí chất của Vũ Trọng Phụng (với Số đỏ), nhưng ở đây Hồ Anh Thái biến hoạt hơn trong ngôn ngữ diễn đạt, sự giễu nhại khi lộ khi ẩn nhưng lúc nào cũng mang một hàm lượng tri thức, với tâm thế đối thoại không khoan nhượng.
Với việc vẽ nên một thế giới chuột đầy kỳ bí bên cạnh một thế giới người đầy lộn xộn, có thể xem Hồ Anh Thái đã sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết này. Song cũng có thể nói Hồ Anh Thái đồng thời sử dụng bút pháp hiện thực thậm phồn (hyper-reality) khi “vẫy gọi” những lời hát nhại dân gian, lời nói lái, ca dao, thành ngữ, câu cửa miệng... và đặc biệt là ngôn ngữ hè phố để mô tả cảm giác sống thụ hưởng vật chất của con người đô thị hôm nay. Lạc trong rừng chữ của Hồ Anh Thái, khi thì khiến ta bay bổng, có lúc lại thấy bải hoải rợn người.
Một cuốn tiểu thuyết có khả năng lôi cuốn người đọc đi một mạch từ trang đầu đến trang cuối. Nhưng sự thành công không chỉ ở bút pháp, mà ở chính cái nhìn của nhà văn: sự tha hóa và vong thân của đám đông khi đội lên đầu chỉ toàn vật chất.
TRẦN NHÃ THỤY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận