Phóng to |
Ở một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ xin trích đăng ý kiến của các nhà ngôn ngữ.
Từ điển tiếng Việt đã sử dụng 33 chữ cái
Đã từ lâu (cụ thể là từ khi cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên, công bố lần đầu năm 1988), các nhà biên soạn Từ điển tiếng Việt đã bổ sung bốn chữ cái F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt, nâng số ký tự tra cứu thành 33.
Giải pháp này nhằm giúp việc phiên âm, chuyển tự một số từ mượn của nước ngoài hoặc viết nguyên dạng các thuật ngữ khoa học có tính chất quốc tế. Thực tế, trong các văn bản giao tiếp tiếng Việt hiện nay, chúng ta đã làm quen và viết nguyên dạng khá nhiều ký hiệu khoa học liên quan tới bốn chữ cái trên (fahrenheit, farad, joule (jun), watt, zéro, ziczac...), hay các từ ngữ đã được quốc tế hóa, rất thông dụng (fax, festival, file, website, wushu, wolfram, World Cup,...), hay các tên riêng (nhân danh, địa danh...)... Nếu không chấp nhận, chúng ta không thể và không có cơ hội hòa nhập cũng như tiếp cận với tri thức chung nhân loại.
Vấn đề là, cho đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông chưa chấp nhận cách viết nguyên dạng các từ nước ngoài (chỉ làm quen và sử dụng từ bậc đại học trở lên) và phải Việt hóa bằng cách phiên âm cách đọc, cách viết. Vì vậy, nếu bổ sung bốn ký tự trên vào bảng chữ cái, đương nhiên khi mới học, ngoài 29 chữ cái vốn có của tiếng Việt dựa trên mẫu tự Latin, các em học sinh sẽ phải làm quen với tự dạng, học thêm cách đọc, cách viết bốn con chữ này. Quỹ thời gian học chữ cho học sinh tiểu học (cụ thể là lớp 1) sẽ tăng chút ít, sách giáo khoa cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý điều này: chấp nhận đưa thêm bốn ký tự trên để mở rộng khả năng xử lý văn bản, chứ không điều chỉnh hệ thống con chữ biểu thị âm vị tiếng Việt đã thống nhất và quen dùng từ lâu (“f” không thể thay thế “ph”, “j”, “z” không thể thay “d, gi, r”... trong cách viết âm tiết tiếng Việt). Đây là vấn đề khá hệ trọng mà chúng ta phải cân nhắc, trao đổi thêm. Song, tôi nghĩ sự điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều lắm và sẽ chỉ có lợi cho học sinh sau này.
Bộ GD-ĐT: chỉ là ý kiến cá nhân
Chiều 10-8, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các cơ quan thông tấn, báo chí do chánh văn phòng Bộ GD-ĐT Nguyễn Mạnh Hùng ký. Công văn này cho biết:
Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết bộ có chủ trương xây dựng dự thảo “Thông tư ban hành quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Và theo quy định, trong quy trình xây dựng thông tư, có việc xin ý kiến rộng rãi qua mạng. Nhưng đến nay, bản dự thảo vẫn chưa có được phiên bản đầu tiên, chưa có nội dung cụ thể để phát triển thành văn bản của thông tư, nên chưa đến giai đoạn công bố để xin ý kiến rộng rãi.
Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí không coi ý kiến nghiên cứu của cá nhân nói trên là chủ trương, ý kiến của Bộ GD-ĐT để độc giả cho ý kiến, bình luận.
Nên giữ nguyên bảng chữ cái tiếng Việt
Chúng tôi cho rằng không phải ký tự nào xuất hiện trong văn bản tiếng Việt đều phải đưa vào bảng chữ cái tiếng Việt. Nói nôm na, không phải ai sống và làm việc ở Việt Nam cũng đều là công dân Việt Nam.
Việc bổ sung có mấy điểm bất lợi sau đây:
1. Làm cho bảng chữ cái tiếng Việt không phản ánh đúng đặc trưng của ngữ âm tiếng Việt. Trong ngôn ngữ học, khi miêu tả hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ, nhà nghiên cứu phải gạt bỏ các cứ liệu ngoại biên, trong đó có các từ vay mượn. Vì vậy, trong khi nói và viết, tuy người Việt có dùng những từ như (cục) pin, (thuốc) pê-nê-xi-lin, nhưng âm p vẫn không được coi là phụ âm đầu trong tiếng Việt.
2. Làm cho bảng chữ cái tiếng Việt trở nên phức tạp hơn. Các em học sinh lớp 1 phải học thêm mấy chữ cái mà trong mấy năm đầu hầu như không dùng, dễ gây nhầm lẫn giữa tiếng Việt và ngoại ngữ. Khi học tiếng Anh, tiếng Pháp, học sinh phải học những chữ cái này thì đó là chuyện khác.
Vì vậy nên giữ nguyên bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay. Trong các văn bản quy định cách dùng chữ viết tiếng Việt trong môi trường ngoài học đường, chẳng hạn trong công nghệ thông tin, chỉ cần bổ sung một chú thích về các ký tự ngoại lai thường dùng. Trong nhà trường, ở lớp trên, khi học sinh bắt đầu tiếp xúc với những văn bản có dùng các chữ cái này, chủ yếu là tên riêng nước ngoài thì giáo viên mới bắt đầu giải thích cho các em. Đối với những học sinh học tiếng Anh, tiếng Pháp từ sớm thì F, J, W, Z đã trở nên quen thuộc. Giải thích việc dùng những ký tự này trong văn bản tiếng Việt nhằm giúp các em hiểu hơn một hiện tượng văn hóa-ngôn ngữ phổ biến.
Cần thêm 4 chữ cái
Bảng chữ cái tiếng Việt không có các chữ F, J, W, Z.
Vậy là gặp rắc rối khi phiên các tên riêng, các từ ngữ khoa học bắt đầu bằng những chữ cái đó. Trong thực tế trường học, gần 80 năm qua chúng ta đã dùng và phải dùng các chữ này trong những đơn vị đo lường.
Ghi nhận công lao của các nhà vật lý J.P. Joule, J. Watt, M. Faraday, G. Fahrenheit, người ta lấy tên các ông làm những đơn vị đo lường trong vật lý. Chúng ta nói “đơn vị của công là Giun” nhưng bắt buộc phải viết “đơn vị của công là J”. Nói “công suất bóng đèn này là 45 oát” nhưng bắt buộc phải viết “công suất bóng đèn này là 45W”. Theo thang độ nhiệt Fahrenheit, chúng ta ghi 32OF, 96OF. Chúng ta viết “trên các trang web như tuoitre.vn”... chứ không viết “trên các trang oép như tuoitre.vn”...
Bảng chữ cái tiếng Việt là chữ cái Latin nên có thể thêm các chữ cái Latin F, J, W, Z vốn đã rất quen thuộc với học sinh phổ thông. Có điều, không nên coi đó là những phụ âm đầu để ghép vần, như fụ nữ, zải fóng, zân chủ... Đó chỉ là những chữ cái đặc biệt được quy ước để ghi một số chữ Latin thông dụng và cần thiết mà chữ Việt còn thiếu.
Trong quá trình hội nhập, chúng ta cần vay mượn những từ ngữ có xu hướng phổ biến trong giao lưu toàn cầu. Trong số này có những từ tắt chứa chữ F, J, W, Z. Trong thực tế sách báo hiện nay, chúng ta gặp: thi TOEFL (Test of English as a foreign language - kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ); Cúp bóng đá FA (Football Association); Tổ chức Y tế thế giới WHO (The World Health Organization), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc FAO (Food and Agriculture Organization)...
Đưa những chữ cái này vào tiếng Việt sẽ tăng thêm một số bất hợp lý vốn đã tồn tại trong hệ thống chữ viết hiện nay. Nhưng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận