07/08/2011 06:02 GMT+7

Cuộc đời bà Cầu qua lời Xẩm đỏ

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.

nBNMUoEI.jpgPhóng to
Bà Cầu trong Xẩm đỏ - phim do Trung tâm Unesco điện ảnh phát triển và Hãng truyền thông Tứ Vân phối hợp thực hiện, dự kiến ra mắt vào ngày 18-8

Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.

1 Không lời bình, không dẫn dắt, toàn bộ phim là những bài bà Cầu hát cùng một vài bộc bạch của bà với đạo diễn. Không màu mè, không cách điệu. Thời gian không được nhắc đến nhưng người xem có thể cảm nhận được thông qua con đường về Yên Mô, từ khi nó còn là đường đất bụi mù mịt, rồi rải sỏi, rồi tráng nhựa. Hoặc từ khi tiếng nhị của bà Cầu còn réo rắt, có lúc nghịch ngợm và cuối cùng là sầu não, xế chiều. Toàn bộ cuộc đời bà Cầu đã được lồng ghép trong những lời hát của bộ phim Xẩm đỏ.

Bà hát những chuyện ngược đời: Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba. Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông. Người nằm xuống để cho lợn cạo lông. Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi. Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười. Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao. Lươn nằm để cho ống bò vào. Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô. Thóc giống đương giữ chuột trong bồ. Lòng đong, cân cấn để mổ cò xôn xao. Thớt kia mày định nghiến con dao. Một đàn con cóc chực đớp ông sao giời trên giời.

Trở thành vợ lẽ của ông trùm Mậu. Lang thang rày đây mai đó. Nghiện rượu. Bà Cầu không một lời oán thán, nhưng tiếng hát của bà cất lên thì: Ðau đớn thay chút phận đàn bà. Vất vả xa gần, ai vò mà rối, ai giần mà đau. Một mình đứng tủi ngồi sầu, than thân, trách phận bạc rầu với hoa.

16 tuổi lấy chồng, 17 tuổi sinh con, liền tù tì bảy lần sinh, còn lại được ba người, đói quá đành cho đi một: Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai. Âm dương nhị khí để nào ai biết gì. Nơi trong lòng thì con ơi mẹ chịu sầu bi. Trong lòng con ơi mẹ chịu sầu bi. Mẹ thời cay đắng, vất vả, mẹ thời héo hon, bữa cơm ăn không biết miếng ngon. Con ơi lòng mẹ chua xót về con đêm ngày.

2 Chợ Yên Mô, một ngày sau mưa. Chiếu xẩm của bà Cầu đặt giữa chợ. 10 năm? 20 năm, 30 năm? Người dân Yên Mô mới thấy lại hình ảnh ấy. Bà Cầu miệng hát, chân dập phách, tay kéo nhị, những lời hát nỉ non: Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo, đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa. Vợ lìa chồng, con phải xa cha. Bơ vơ nào biết có nhà là đâu. Biển trời con ơi ảm đạm một màu. Biển với trời ảm đạm một màu. Cha con bồng bế bước mau, ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương, lạc loài đất khách khói sương quê người. Kể ra càng cay đắng xót xa...

Xung quanh chiếu xẩm, người ta xúm đen xúm đỏ, một phụ nữ luống tuổi nhớ lại: “Hay lắm, tối 30 hai ông bà hát ở cổng đình kia kìa, trải cái chiếu rồi ngồi hát. Bà thì gõ phách, ông thì hát”.

Những người từng chứng kiến mà mê giọng hát xẩm của bà Cầu đều còn nhớ rất rõ hình ảnh gia đình hát xẩm ấy đã từng sinh sống, đã từng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của những người dân nông thôn.

3 Trở về từ chiếu xẩm ở chợ, bà Cầu thẫn thờ nhìn ra con đường trước cửa. Cuộc đời bà, cũng như những lời xẩm. Cũng đã xế chiều: “Ai muốn học thì tôi đều muốn dạy cho. Tôi chết thì cũng mang đi, nhưng dạy được cho mấy cô, học xong các cô ấy lên tỉnh”.

Lên tỉnh. Vừa hay lúc đó có chiếc xe phát tờ rơi một chương trình ca nhạc tạp kỹ tại nhà văn hóa. Người đi trên chiếc xe ấy không biết, những người dân đi nhặt tờ rơi quảng cáo cũng không để ý, bóng bà Cầu héo hắt, nhỏ bé, lẻ loi sau đám bụi đường.

Xẩm đã gắn bó với cả cuộc đời bà Cầu. Và rồi tiếng hát ấy, tiếng nhị vô tiền khoáng hậu ấy vẫn ai oán trong khi những hình ảnh cuối cùng khép lại: Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Ðã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Ðời người mấy lúc.

Những câu hát buồn đến thế, đa đoan đến thế, như chính cuộc đời bà nay đã ở tuổi 94: Vất vả gian truân, trời cao vất vả gian truân. Ðời người mấy lúc, đời người mấy lúc gian truân mà già.

_________________

Đời buồn hát có vui đâu

38 tuổi, nhận mình luôn thích những điều cũ cũ, chầm chậm, đạo diễn LƯƠNG ÐÌNH DŨNG đã hoàn thành những phần việc cuối cùng của bộ phim tài liệu Xẩm đỏ.

9NXpQFjB.jpgPhóng to
Đạo diễn Lương Đình Dũng và bà Hà Thị Cầu - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Ðạo diễn trẻ chia sẻ: “Xẩm bà Cầu đối với tôi là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những binh biến, loạn lạc của thời cuộc, xuyên qua những bất hạnh và nghèo đói của cuộc đời”.

* Anh quay bà Cầu suốt hơn hai năm trời với hơn 1.200 phút để rồi chắt ra được 35 phút lên phim. Ðiều gì khiến anh nhẫn nại đến vậy?

- Tôi nghe xẩm bà Cầu từ lâu lắm rồi. Thú thật, hồi đó tôi cứ tưởng bà đã chết. Một lần xem bà hát trên truyền hình, mới hay bà vẫn còn sống, thế là tôi lên đường đi quay. Nghe bà Cầu lần thứ nhất không thấy hay, nghe đến lần thứ ba thì mình cảm động. Hơn nữa, chuyện đời của bà cuốn hút tôi, những bài hát của bà sầu thế, cuộc đời đâu có thể vui hơn. Nhưng cuộc đời bà, không hát chắc bà sẽ chết.

Ban đầu tôi chỉ nghĩ quay một tháng là xong, nhưng rồi kéo dài từ năm 2008 đến 2010. Ở tuổi này rồi, bà lúc nhớ lúc quên, “phanh” lại một chút thì không biết nối vào đoạn nào nữa. Tôi quay mỗi lúc một chút, có những cảnh không thể cứ muốn là quay được. Bản thân con người bà Cầu hay, giọng hát hay, cuộc đời thì vô cùng ly kỳ nhưng bà lại hay quên. Nhiều khi quay xong rồi, phát hiện một điều thú vị khác, có khi một tháng sau lại có điều mới hơn. Có lần xuống tôi quay 3-4 ngày liên tục, có hôm quay đến 1-2g sáng. Cứ đi về bao nhiêu chuyến như thế tôi cũng không nhớ nổi nữa.

* Vậy anh làm thế nào để xâu chuỗi toàn bộ câu chuyện từ một ký ức đầy ắp nhưng thiếu logic như thế?

- Tôi phải suy nghĩ rất kỹ và rất lâu trước ngổn ngang hơn 1.200 phút phim. Tôi muốn kể một câu chuyện về cuộc đời âm nhạc của một người nghệ sĩ, bà hát những bài sầu như hát về chính số phận mình. Trong 35 phút phim, tôi cố gắng giữ lại hình ảnh chân thực của một người hát xẩm và không đòi hỏi gì thêm. Nhưng đúng ra cũng rất khó và mất công vì cứ nói dở câu chuyện hay hát dở rồi bà lại quên. Bà hát lúc nào cũng hay nhưng mỗi lần hát, giọng điệu, cảm xúc nó khác nên tôi không thể nối các đoạn vào với nhau theo kiểu kỹ thuật dựng phim được. Cách tốt nhất là đành phải chờ bà “tua” lại từ đầu tới cuối rồi ghi thôi. Chắt từ 1.200 phút quay để ra 35 phút, tôi và người dựng phim đã phải ngồi “gọt” từ sáng tới tối trong suốt ba tháng trời. Dựng phim cho tôi cũng là một người rất tâm huyết, vì ngày nào cũng ngồi nghe từng đó băng quay hát xẩm, rất dễ bị stress.

* Nguyên tắc nào được anh duy trì trong suốt quá trình quay bà Cầu?

- Ðó là tính dung dị, tự nhiên. Bà Cầu lạ lắm, nhiều khi chuẩn bị sân khấu, thắp đèn cẩn thận, dặn: “Bà ơi, 7g tối bà hát nhé!”. Dặn thế rồi nhưng bà lại chả hát được, một lúc kêu mệt lại phải nghỉ. Nhưng có lúc đang ngồi chơi bảo: “Bà ơi, hát đi!”, thế là bà hát rất tự nhiên và hay vô cùng.

* Bà Cầu trong Xẩm đỏ dù ngồi hát giữa chợ hay đứng buồn đầu ngõ thì vẫn rất quen thuộc với khăn mỏ quạ, áo nâu, với những điệu hát của cả thế kỷ trước. Vậy anh làm cách nào để định vị được bà Cầu đang sống ở những năm tháng hiện tại?

- Trong phim sẽ có một cảnh bà Cầu đứng ở cổng nhà, nhìn một đoàn ca nhạc đi qua. Nó diễn tả một điều rằng bà vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện đại dù người ta đi lướt qua bà, dù ngay cả những người hàng xóm cũng không phát hiện ra một vật báu ngay cạnh nhà mình.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên