Phóng to |
Ảnh minh họa: CNN |
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2005, khi tạp chí lá cải nổi tiếng Anh News of The World đăng tải một mẩu tin vô thưởng vô phạt về chuyện hoàng tử William bị chấn thương đầu gối. Các quan chức Hoàng gia Anh đã nhận thấy lý do duy nhất để báo giới có được nguồn tin về hoàng tử William là thông qua việc nghe lén hộp thư thoại trong điện thoại di động của hoàng tử. Do đó, cảnh sát đã vào cuộc.
Đây chính là sự kiện đã khởi động một chuỗi cáo buộc và tai tiếng, vốn xoay quanh không chỉ các thành viên của Hoàng gia Anh cùng tầng lớp người nổi tiếng, mà còn cả những nạn nhân trong các vụ án giết người và tấn công khủng bố. Vụ việc còn liên đới đến cả văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron, nhân vật đã bị giới làm luật, bao gồm cả lãnh đạo Đảng Lao động Ed Milliband đặt dấu hỏi cho tránh nhiệm hành vi, khi mướn biên tập viên của tờ News of The World về làm phát ngôn viên riêng.
Vụ tai tiếng đã dẫn đến việc bắt giữ tổng biên tập Clive Goodman và thám tử Glenn Mulcaire. Cả hai đều bị buộc tội âm mưu nghe lén nội dung đàm thoại và bị tống giam vào năm 2007.
Sau khi vụ tai tiếng bị phanh phui, hàng loạt cuộc điều tra sau đó vẫn được cảnh sát và giới truyền thông tiếp tục, tất cả đều cho thấy không phải ai trong tòa soạn tờ tạp chí lá cải cũng biết về vụ nghe lén, kể cả ban lãnh đạo.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn không dừng tại đó nhờ vào sự kiên trì của tờ báo trung dung The Guardian, khi cho đăng tải loạt phóng sự xoay quanh vụ nghe lén. Giới nổi tiếng và có máu mặt trong xã hội Anh cũng bày tỏ sự e ngại về việc điện thoại của họ cũng có thể đã bị hack, nhiều người trong số này còn lên tiếng chỉ trích cảnh sát điều tra không hiệu quả.
Trả lời phỏng vấn CNN, cảnh sát Anh cho biết các công tố viên nước này đang tái xem xét những bằng chứng từ kết quả điều tra vụ nghe lén điện thoại của hoàng tử William năm 2005. Trong một bài viết trên tờ The New York Times vào năm 2010, cựu phóng viên Sean Hoare của tờ News of The World cho biết chuyện nghe lén điện thoại là “nghiệp vụ” rất phổ biến tại tòa soạn tờ báo này.
Vào tháng 1-2011, Andy Coulson đã phải rời bỏ cương vị người phát ngôn cho Thủ tướng Anh Cameron, do không chịu nổi áp lực đè nặng từ công luận, cũng như những cáo buộc ông đã biết rõ về vụ nghe lén hoàng tử William năm 2005, điều Andy vẫn luôn phủ nhận.
Năm nay cảnh sát Anh đã mở loạt điều tra mới nhằm xoa dịu những lo ngại của tầng lớp chính trị gia và người nổi tiếng, vốn trước đó đã cáo buộc phóng viên nhiều tờ báo đang nghe lén điện thoại của họ. Hãng mẹ của News of The World, News International đã chi tiền bồi thường cho nhiều nạn nhân, có cả diễn viên Sienna Miller, chuyên gia luật Max Clifford và đăng tải lời xin lỗi bằng văn bản.
Tuy nhiên, câu chuyện chỉ thu hút đỉnh điểm của sự chú ý vào tháng 7 này, khi cảnh sát phát hiện tờ News ofthe World rất có thể từng nghe lén hộp thoại của Milly Dowler, nạn nhân trong một vụ án mạng, cùng nhiều nạn nhân khác trong vụ đánh bom khủng bố London năm 2005, tất cả nhằm phục vụ mục đích săn tin, một cách hoàn toàn trái pháp luật và mọi giá trị luân lý xã hội.
Vụ việc đã làm chấn động ngành truyền thông. “Bên ngoài thế giới của tầng lớp chính trị gia Anh, đến bây giờ câu chuyện mới có tiếng nói đáng kể” - Roy Greenslade, cựu biên tập viên tờ Daily Mirror và là trợ lý biên tập của tờ The Sun (một phụ bản khác của News of The World) cho hay.
“Cáo buộc về hành vi hack vào điện thoại của nữ sinh Milly Dowler là một bước tiến: trước đây chỉ có chính trị gia và người nổi tiếng bị nghe lén điện thoại, nhưng giờ đây chúng ta còn chứng kiến những hành vi trái phép chỉ để thu thập tin tức về quá trình điều tra vụ sát hại một nữ sinh 13 tuổi" - ông Roy nói.
Trong một diễn biến khác, cha của một trong những nạn nhân vụ đánh bom London hồi năm 2005, vốn làm thiệt mạng 52 người, cho hay ông cũng có thể đã trở thành nạn nhân của âm mưu nghe lén từ giới báo chí.
Những vụ việc mang tính chất xâm phạm riêng tư trái phép trên đã gây ra rất nhiều giận dữ. Giới làm luật Anh vừa yêu cầu một cuộc điều tra rộng khắp, Hãng Ford Motor Company cho biết đang cân nhắc khả năng rút lui khỏi hợp đồng quảng cáo với tờ News of The World.
Trả lời CNN, cựu phó thủ tướng John Prescott cho biết sự thất bại của cảnh sát trong việc điều tra vụ xìcăngđan đã chỉ ra thực tế “đang tồn tại nhiều điều ung hoại bên trong nhà nước Anh”.
John Prescott - người bị phanh phui vụ tình ái với cô thư ký trên khắp các mặt báo năm 2006 - tâm sự bản thân ông cũng từng lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ của cảnh sát khi nghi ngờ điện thoại cá nhân bị nghe lén, nhưng cơ quan công lực khi đó đã không làm hết trách nhiệm của họ. Tuy vậy, cuối cùng cảnh sát cũng đến gặp John và cho biết điện thoại của ông bị theo dõi đến… 44 lần.
Một luật sư (không nêu tên) đại diện cho 40 nạn nhân bị nghe trộm điện thoại, nói vụ bê bối cho thấy nhiều phóng viên đã đánh mất hoàn toàn đạo đức nghề nghiệp. “Việc nghe trộm điện thoại chẳng phải khó khăn gì, nó thể hiện sự lười nhác và vô đạo đức của nhiều phóng viên hiện đại" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận