27/06/2011 07:25 GMT+7

Truyền thông mạng phải tự vấn

NGUYỄN THỊ MINH THÁI (còn tiếp)
NGUYỄN THỊ MINH THÁI (còn tiếp)

TT - Thảm họa nhãn tiền về thông tin phản cảm, đầy nhiễu loạn, giật gân, vụ lợi, thậm chí rất phi đạo đức trên mạng có lẽ là câu chuyện nhức nhối nhất của truyền thông Việt hôm nay.

krUC5swd.jpgPhóng to
GXzkPieR.jpg
27Gle6qS.jpg
Những tựa bài phản cảm thế này vẫn nhan nhản và được cập nhật, sao chép liên tục trên các báo mạng, trang mạng lẫn báo in có phiên bản điện tử

Hơn ai hết, chính giới truyền thông cần đối diện, đối thoại, truy tìm nguồn cơn dẫn đến nông nỗi ấy đặng cùng nhau mà làm truyền thông sạch - sạch từ cả ba phía: chủ thể (những nhà báo mạng), khách thể được truyền thông, và sau hết là công chúng tiếp nhận truyền thông.

Tự cứu mình

Với những người viết mắc chứng nghiện tin nhảm nhí giật gân, có lẽ khó thuốc nào chữa được ngoài sự “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nếu từng cá nhân nhà báo đều có khả năng tự chịu trách nhiệm cao nhất về nghề nghiệp của mình, chắc chắn sẽ biết dừng ở cái ngưỡng - đôi khi/nhiều khi rất mỏng manh - giữa cái cần được truyền thông và cái không nên truyền thông... Rất tiếc, điều này chỉ có thể có ở nhà báo có tính chuyên nghiệp cao, trong một môi trường truyền thông tích cực, được tổ chức, phân cấp chặt chẽ, có hệ thống và sự quản lý mang tính chiến lược của nhà nước.

Không phải ngẫu nhiên trong số đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước được thông qua cuối năm 2010 (bắt đầu thực hiện từ 2011 đến hết 2012), Bộ Khoa học và công nghệ đã chọn duy nhất đề tài liên quan đến phạm vi bức bối nhất của nghề báo hôm nay: “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng hệ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp báo chí ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”, Học viện Báo chí và tuyên truyền được chọn là cơ quan chủ trì đề tài.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về tổng biên tập

Trên tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhìn từ phía chủ thể truyền thông đang điều hành, tổ chức báo mạng hôm nay, rõ ràng có một số báo mạng đã ra sức cạnh tranh, giành giật nhau mà lạm quyền khai thác thông tin về đời tư văn nghệ sĩ đến mức bán mình, bất chấp lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, bất chấp hậu quả xã hội rộng lớn của truyền thông mạng...

Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, mọi sự việc cứ bung bét trên mạng đến mức một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ đã đành như “con chim một lần phải tên”, rất “sợ dây dưa” với báo chí, nhất là báo mạng. Báo Thể Thao - Văn Hóa đã phải dành một chuyên đề thảo luận, đối thoại nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2011 với yêu cầu khẩn thiết, nhất là với truyền thông trên mạng: “Xin đừng playboy hóa báo chí”.

Một khi sự việc đã trở nên bức xúc, được gọi chính danh như thế, có lẽ việc phải làm ngay là cần nỗ lực rút kinh nghiệm xương máu từ phía truyền thông. Và lập tức cần phải có biện pháp mạnh để chấn chỉnh ngay trước khi quá muộn (thật ra đã là rất muộn). Không truyền thông thì ai biết... ma ăn cỗ ở đâu? Mà nếu nhà báo một khi đã thích truyền thông “bẩn” để chiều lòng “thượng đế người đọc” kiểu lá cải, nhận thức lệch lạc, tự mắc chứng “nghiện tin giật gân” thì ai có thể cấm cản hoặc tiếp tay họ nếu không phải là người duyệt? Chắc chắn, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về tổng biên tập!

Thêm nữa, nếu cứ để thảm trạng này tràn lan trên báo mạng, không điều chỉnh, ngay cả tổng biên tập cũng cứ để yên xem sao, thì cấp trên của tổng biên tập sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý?

Thật tiếc, giải pháp tự chịu trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp đã lặn mất tăm trong dòng thác xô bồ nhiễu loạn, đầy vụ lợi của một bộ phận giới truyền thông mạng. Câu hỏi có lẽ cần thẳng thắn đặt ra trước tiên là tại sao các tổng biên tập của báo mạng lại hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây... ký duyệt, để lọt lưới “hồn nhiên” những tin bài lá cải đó, thậm chí cho phép đứng lừng lững, giật tít rất giật gân, rùng rợn ngay trang chủ, dưới mục bắt mắt là “Mới - nóng”, hoặc mục “Tin bài được đọc nhiều nhất”? Vậy giải pháp mạnh nhất phải chấn chỉnh ở đây vẫn chưa phải cho các nhà báo thực thi bài vở, mà nên chăng phải dành cho việc xử lý tổng biên tập báo mạng.

Đã đến ngưỡng phải “thổi còi” phạt

Nếu xét về lỗi văn hóa truyền thông trong sự đổ bể của thảm họa truyền thông Internet, không thể không thấy rằng một mặt văn nghệ sĩ quả là “miếng mồi ngon” cho truyền thông xâu xé, mặt khác, trong họ cũng có người muốn dùng truyền thông để đánh bóng bản thân, để không bị quên lãng, để “nổi tiếng”.

Phải chăng giới văn nghệ sĩ cũng có người nên tự trách mình vì đã muốn nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, thậm chí giá rẻ mạt! Lại cũng tự nhiên khi nhu cầu đó gặp một bộ phận công chúng truyền thông đầy tò mò, chỉ thích vào mạng để đã mắt xem “hàng”, hong hóng “buôn dưa lê”. Và điều gì sẽ xảy ra? Ở đây lại xuất hiện quan hệ “cung - cầu” rất điển hình của truyền thông mạng thời kinh tế thị trường.

Có lẽ giải pháp căn cơ nhất với giới truyền thông mạng, có thể vẫn là tự vấn, tự cứu mình, tự suy xét về mình, tìm cách ứng xử phải đạo nhất trong các vị trí của truyền thông hôm nay: từ chủ thể đến đối tượng, đến công chúng. Nhưng, một khi giải pháp này đã bị bỏ qua không thương tiếc, truyền thông mạng đã trở nên không biết kiềm chế, không còn biết xấu hổ, thì cố nhiên phải dùng đến giải pháp mạnh từ bên ngoài: dựa trên luật pháp chung của Nhà nước và luật báo chí, cùng hệ chuẩn mực về đạo đức nghề báo. Cả xã hội cần đồng thuận tìm cho được giải pháp đồng bộ, trong một chiến lược phát triển truyền thông hợp lý, nhất là khi đã bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Một khi không thể hi vọng một số người đưa tin tự suy xét, nghiền ngẫm về đạo đức nhà báo; đã đến ngưỡng phải “thổi còi” phạt. Vậy ai sẽ dùng còi thổi phạt một cách đích đáng, công minh, chính trực những chủ thể truyền thông (hầu hết là báo mạng) đã gây ra thảm họa truyền thông mạng kể trên? Những ai sẽ bị phạt, bị phạt như thế nào? Và những bên liên đới cũng sẽ bị phạt như thế nào khi tiếp tay cho thảm họa này?

“Quen soi mói, cắt, dán mất rồi”

Về việc chuyên mục Giải trí trên chuyên trang phunutoday.vn đưa tin hoặc giật tít quá nhiều và phản cảm về các nội dung soi mói đời tư của các nghệ sĩ, ngôi sao, ông Nguyễn Tiến Thanh - tổng biên tập báo Đời Sống Và Pháp Luật, cơ quan chủ quản của chuyên trang điện tử này - cho biết: “Ngay sau khi đọc bài viết trên Tuổi Trẻ, chúng tôi đã rút hết tất cả bài có nội dung và hình ảnh liên quan xuống, cùng lúc cắt hết những chi tiết được nhắc đến và phê phán trong những bài còn lại. Trước đó, lắng nghe ý kiến của dư luận, chúng tôi đã có động thái chấn chỉnh công tác biên tập. Đồng thời, ban biên tập đã họp để thay đổi nhân sự của chuyên mục giải trí. Xin cảm ơn sự góp ý chân tình, chính xác và kịp thời của các đồng nghiệp”.

Trần tình về nguyên nhân dẫn đến “làn sóng soi mói” của các báo mạng, lãnh đạo một tờ báo điện tử xin được giấu tên cho biết: “Cũng biết là sai, là thái quá, nhưng sức ép của việc tăng lượng truy cập quá lớn, mình không làm thì hôm sau các báo khác vẫn làm. Hơn nữa, nhân sự báo mạng không nhiều, thường các báo chiêu mộ lẫn nhau, một tờ báo mạng mới ra lấy người của các báo khác, dù có cố nghiêm túc đến mấy biên tập viên vẫn quen tay quen mắt: soi mói, cắt, dán mất rồi. Lãnh đạo có ba đầu sáu tay mười mắt cũng chỉ thường đọc duyệt kỹ các trang tin chính trị, thời sự, chứ ít ai đủ thời gian đọc và thẩm định kỹ các tin bài giải trí”.

TH.H. ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thời của thông tin "lộ hàng"?Kỳ 1: Thảm họa soi móiKỳ 2: Chứng mê đắm tin giật gânKỳ 3: Khi đạo đức bị tàn phá

NGUYỄN THỊ MINH THÁI (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên