Phóng to |
Dịch giả Masoud Amirkhani, Tehran tháng 5-2011 - Ảnh: H.A.T. |
1. Gặp tôi, Masoud Amirkhani nói ngay rằng anh không hề xa lạ với chiến tranh. Anh sinh năm 1978, còn cuộc chiến tranh Iran - Iraq xảy ra từ năm 1980 đến 1988. Có nghĩa là trong ký ức tuổi thơ, anh vẫn còn lưu giữ những nỗi hoảng sợ, phải cùng người lớn chạy đi tìm chỗ trú ẩn trước mối đe dọa máy bay địch bay vào thành phố.
Amirkhani hỏi ngược lại tôi: Ký ức của anh lưu giữ hình ảnh chiến tranh năm anh lên mấy? Hóa ra chỗ này chúng tôi tương đồng. Còn nhỏ, nhưng cũng thấy cả bom rơi đạn nổ, máu đổ người chết.
Từ ký ức, chúng tôi nói đến văn học chiến tranh. Sau khi tốt nghiệp khoa phiên dịch tiếng Anh của Đại học Hồi giáo Azad, Amirkhani đi làm nghĩa vụ quân sự. Lại thêm một điểm tương đồng: tôi cũng từng đi lính nghĩa vụ hai năm như anh, sau khi tốt nghiệp đại học. Amirkhani kể trong thời gian ở quân ngũ, anh ở bộ phận văn hóa quân đội, được đọc nhiều sách văn học chiến tranh rồi mê.
Chiến tranh Iran - Iraq tạo ra những biến đổi xã hội, đã gây được sự quan tâm đáng kể trong tâm lý các thế hệ. Dòng văn học chiến tranh mới hình thành ở Iran, vì thế được chú ý đặc biệt. Văn học chiến tranh Iran nở rộ cũng kích thích độc giả tìm đọc văn học chiến tranh của nước ngoài. Amirkhani đọc rất nhiều, hứng thú hơn cả với những tác phẩm nói về thân phận con người bị xô đẩy giữa sự sống và cái chết.
Khi chúng tôi nói về nhà văn Đức viết rất hay về chiến tranh và đời sống hậu chiến là Eric Maria Remarque với tác phẩm Mặt trận miền tây yên tĩnh, Ba người bạn, Khải hoàn môn… Amirkhani sôi nổi hẳn lên. Anh bảo đó cũng là một trong những nhà văn yêu thích nhất của anh, tác phẩm của ông cũng là nguồn cảm hứng để anh đọc tiếp những tác giả khác.
Trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự, Amirkhani bắt đầu dịch một số truyện ngắn nước ngoài ra tiếng Ba Tư.
2. Rồi tình cờ, cuốn Nỗi buồn chiến tranh rơi vào tay anh. Anh đọc ngấu nghiến và rất xúc động. Phải dịch, phải để cho gia đình và bạn bè được đọc tác phẩm này. Dịch xong, anh đưa cho ông thầy đọc. Dịch giả nổi tiếng Abddlah Kowsari mở lớp bồi dưỡng dịch thuật, Amirkhani theo học, vì thế ông là người thầy bên ngoài trường học của anh. Ông thầy đưa cho một nhóm bốn dịch giả kỳ cựu cùng đọc. Tất cả đều bất ngờ.
Họ đánh giá cao về hai điểm quan trọng: chọn được tác phẩm hay để dịch và bản dịch tốt. Nhà xuất bản Ofoq, có uy tín bậc nhất ở Iran về sách văn học, lập tức nhận bản thảo. Iran chưa ký Công ước Bern về bản quyền, nhưng Nhà xuất bản Ofoq vẫn làm thủ tục xin phép nhà xuất bản tiếng Anh. Amirkhani thì viết thư điện tử xin phép nhà văn Bảo Ninh. Thư từ qua lại với tác giả cũng có ích cho anh trong việc hiểu thêm về tác phẩm.
Khi quyết định dịch cuốn tiểu thuyết này, Amirkhani phải đi tìm sách về chiến tranh Việt Nam để đọc. Hầu hết là sách vở và phim ảnh của Âu - Mỹ. Đấy là lý do anh càng thích Nỗi buồn chiến tranh vì nó cung cấp một cái nhìn từ phía khác, một cái nhìn của người Việt. Anh phải nhờ bạn bè tìm cho một số tài liệu ít ỏi của Việt Nam, một số sách và VCD giới thiệu Việt Nam để hình dung ra đất nước, con người, phong tục tập quán, xã hội và cảnh sắc thiên nhiên…
Nhờ đó, khi dịch tiểu thuyết, anh dễ hình dung và đắm mình được vào tác phẩm. Bây giờ thì đã có đà. Thời gian tới, anh sẽ không chuyển sang dịch tác phẩm các nước khác như dự định trước đây, mà sẽ tiếp tục dịch một số tác phẩm văn học chiến tranh Việt Nam. Anh đã bập vào và đã say.
3. Nhà xuất bản Ofoq dự định cho ra mắt Nỗi buồn chiến tranh vào mùa thu này. Một sự kiện có ý nghĩa đối với hai nước chưa biết gì nhiều về văn học của nhau. Đến nay mới chỉ có bản dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Ba Tư. Vị cựu đại sứ Iran tại Việt Nam Seyed Kamal Sajjadi thì đang dịch Truyện Kiều.
Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Chúng tôi nói chuyện một ngày nào đó nhà văn Bảo Ninh có thể sang xứ Ba Tư này để gặp người đọc tác phẩm của mình. Và ngược lại, Amirkhani cũng nên thu xếp sang Việt Nam một chuyến.
Anh bảo nếu đi được, anh muốn đi đến những địa danh chiến trường xưa mà cuốn sách miêu tả. Anh muốn đến Hà Nội để tận mắt thấy nơi chứng kiến mối tình thời chiến của hai nhân vật trong sách. Anh rất ấn tượng với Hà Nội và cuộc sống thời học trò của họ. Kết cục của tác phẩm thật phù hợp với logic của tác phẩm, nhưng là người đọc, anh vẫn mong ước cho họ một cái kết có hậu.
Amirkhani mong có ngày đến Hà Nội, tất nhiên còn là để gặp tác giả nữa. Do quan niệm tôn giáo, anh không uống rượu bia. Thời gian rảnh rỗi anh chỉ thích đọc sách, xem phim và tối nào cũng đến bể bơi. Tôi dọa: “Bảo Ninh uống rượu hăng lắm đấy. Không uống là ông ấy không cho nhập hội đâu”. Amirkhani chỉ cười, cái cười của một thanh niên Hồi giáo quá là… nghiêm túc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận