25/05/2011 07:28 GMT+7

Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê: Không thể không khai thác?

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ và nhiều báo khác phản ánh việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho thuê di tích lầu Tứ Phương Vô Sự thuộc khu di tích Đại Nội Huế làm quán cà phê, đã có rất nhiều bạn đọc gọi điện và gửi thư điện tử phản hồi về vấn đề này.

XnE47lDG.jpgPhóng to

Quán cà phê Tứ Phương Vô Sự hiện thu hút chủ yếu người dân địa phương - Ảnh: Tiến Long

Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phêMở quán để phát huy giá trị di tích?

Nhiều nhà chuyên môn về văn hóa, lịch sử ở Huế cũng tỏ ý kiến không đồng tình cách “phát huy giá trị di tích” như ông Phùng Phu - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-5.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân cho rằng việc phục hồi lầu Tứ Phương Vô Sự là rất tốt, song phải làm sao cho du khách tham quan biết di tích này vốn có công năng gì. Do đó cần phải trang bị lại bàn học, tủ sách, sách vở, những hình ảnh... như của hoàng gia ngày xưa.

“Trên thế giới các di tích cũng có chỗ phục vụ giải khát nhưng chỉ tạm thời, có thể tháo dỡ bất cứ lúc nào, chứ không phải làm thành quán cà phê như ở Tứ Phương Vô Sự” - ông Xuân nói.

Ông Lê Văn Thuyên - tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Hội Sử học Thừa Thiên - Huế, tổng biên tập tạp chí Huế Xưa & Nay - cho rằng ý đồ của nhà tổ chức tìm cách làm cho di tích có sinh khí và phát huy giá trị là rất tốt, song không phải phát huy bằng bất cứ giá nào.

“Hoạt động cà phê, cho dù là cà phê sách đi nữa, đưa vào di tích lầu Tứ Phương Vô Sự thì cũng bát nháo rồi, bởi vì khách đến uống cà phê đâu phải thuần những du khách yêu văn hóa. Các giải pháp để phát huy cũng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, phải dựa vào đặc điểm, vị trí, tính chất của di tích. Chứ như hiện nay là một quán cà phê để cho tất cả các đối tượng đến ăn uống ngay trong di tích, theo tôi là không ổn” - ông Thuyên nhận xét.

Sau hơn hai ngày hoạt động, đến chiều 24-5 quán cà phê tại di tích lầu Tứ Phương Vô Sự vẫn tấp nập khách, đông nhất vào buổi sáng và buổi tối. Một người quản lý quán cho biết trong ngày 24-5 đón chừng 350 lượt khách. Theo quan sát của phóng viên, khách phần lớn đều là người dân Huế, bởi bãi đỗ xe có rất đông xe máy.

Ngày 24-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (đơn vị đã phê duyệt đề án này), nói: “Cũng phải làm (mở dịch vụ và trưng bày tại lầu Tứ Phương Vô Sự - PV), nhưng làm như thế nào thì phải tính lại”.

Ông Cao đề nghị phóng viên gặp ông Ngô Hòa - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh - để có câu trả lời cụ thể. Ông Ngô Hòa cũng là người phát ngôn của UBND tỉnh, cho biết đã trao đổi với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lắng nghe ý kiến, xem cái gì chưa hợp lý thì điều chỉnh. “Còn khai thác thì vẫn khai thác!” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Hòa nói thêm: “Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu của du khách. Mình cũng muốn có điểm dừng chân cho du khách. Cà phê chỉ là một mảng thôi, còn nhiều hoạt động khác nữa như trưng bày, giới thiệu tìm hiểu về quần thể di tích. Chỉ là chỗ dừng chân của khách chứ không phải là điểm cà phê âm nhạc ồn ào. Còn cụ thể họ làm như thế nào thì không biết, nhưng tinh thần là đúng như vậy”.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên