23/05/2011 07:14 GMT+7

Tấm bia đường sắt bị đập bỏ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Tấm bia nằm trên hòn Rùa - ngay trên hầm đường sắt số 9 cạnh quốc lộ 1A (thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vừa bị đập phá.

gbSMKsEm.jpgPhóng to
Rùa đá cõng bia còn tương đối nguyên vẹn này sẽ được thay thế bằng rùa mới - Ảnh: THÁI LỘC

Theo các cụ trưởng lão làng An Cư Đông, tấm bia là nơi đánh dấu sự kiện hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Tại hiện trường, trong phần nền móng đang xây dựng rộng chừng 100m2, một con rùa đá lớn bằng đá thanh dài gần 2m, rộng chừng 1,5m, cạnh đó là đầu rùa nằm lăn lóc. Hai bên phần móng đang xây là hai bãi mảnh vụn của bia đá, với dấu đập vỡ còn rất mới. Trên rất nhiều mảnh vỡ một mặt có khắc chữ Hán, mặt còn lại là chữ Pháp, cùng nhiều hoa văn chạm khắc xung quanh.

pdReazBm.jpgPhóng to

Tấm bia được xem đánh dấu sự kiện trọng đại của ngành đường sắt đã bị đập nát - Ảnh: THÁI LỘC

Ông Trần Văn Giảng - chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết ông đã cho khởi công dự án dựng bia ở hòn Rùa. Một tấm bia mới sẽ được dựng ngay tại vị trí tấm bia cũ và được nâng lên cao chừng 1m, xung quanh có thêm các công trình tôn tạo như bệ bêtông, hồ bán nguyệt... Tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đều do các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. V

ề lý do thay bia mới, ông Giảng nói do tấm bia cũ bị vỡ và được gắn lại cho nên không được đẹp, dựng bia mới là theo nguyện vọng của dân làng An Cư Đông...

Về việc đập bia cũ, ông Trần Văn Giảng - chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết: “Chúng tôi không chỉ đạo đập bia, mà có lẽ vì các công nhân nghe làm rùa và bia mới nên đập vỡ nó trong quá trình tháo dỡ bia cũ. Chúng tôi cũng quên nhắc nhở. Khi kiểm tra thì bia đã bị đập rồi!”...

Tuy dự án được triển khai từ cuối tháng 4-2011 nhưng từ cuối năm 2010, UBND thị trấn Lăng Cô đã đặt làm rùa và bia mới bằng đá thanh. Theo ông Giảng, rùa mới sẽ y như rùa cũ cả hình dáng lẫn kích thước. Riêng bia sẽ khắc toàn bộ chữ Hán lẫn chữ Pháp, song sẽ làm nhỏ hơn bia cũ.

“Không hiểu vì sao ngày xưa người ta làm bia quá lớn, át cả thân rùa, mất cân đối. Nay chúng tôi giữ nguyên khổ rùa, nhưng bia thì làm bé lại cho cân đối, điều này được tính toán trên máy. Bia mới sẽ có đường nét sắc sảo hơn, đẹp hơn!” - ông Giảng nói.

Với quy mô bia và những chữ Hán lưu trên các mảnh vỡ bia cũ còn ghi: “hỏa xa thiếc lộ” (đường sắt xe lửa), “cửu bách tam thập” (chín trăm ba mươi), “dẫn thủy nhập điền”..., nhà nghiên cứu Huỳnh Đình Kết, giám đốc Nhà bảo tàng Huế, cho rằng nhiều khả năng đây là tấm bia được dựng để kỷ niệm sự kiện hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam thập niên 1930 (tuyến đường sắt Bắc - Nam khánh thành năm 1936, tức “nhất thiên cửu bách tam thập lục niên”).

Bia dựng ở khu vực đèo Hải Vân bởi nằm ở vùng đất kinh đô đương thời, lại là một trong những đoạn đường sắt làm công phu, nguy hiểm và cũng tốn kém nhất...

Không chỉ ông Huỳnh Đình Kết, nhiều người cảm thấy tiếc cho một giá trị văn hóa nguyên bản đã bị đập bỏ.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên