15/05/2011 05:53 GMT+7

Cảm ơn... hát sai

PHAN ĐĂNG
PHAN ĐĂNG

TT - 1. Nếu là người hâm mộ của Trịnh Công Sơn, đọc chữ “cảm ơn” này chắc là bạn sẽ giận tôi lắm. Bởi lẽ trong hai tuần vừa rồi, nếu phải chọn ra một “sự kiện âm nhạc” rúng động nhiều trang báo và nhiều diễn đàn trên mạng thì nó chắc chắn phải là “sự kiện” Mỹ Linh hát sai lời nhạc Trịnh.

Mà chao ôi, khi cái bài Mỹ Linh hát sai lại là một bài quá đỗi quen thuộc - Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui thì sự tức giận bạn dành cho tôi cũng là dễ hiểu. Hiểu rõ ràng như thế tại sao tôi vẫn “cả gan” thốt lên hai chữ “cảm ơn”?

Trước khi giải thích cho sự “cả gan” này, xin được mạo muội nhắc lại một “sự kiện âm nhạc” khác cũng gây rúng động không kém trong tuần qua, đó là sự kiện “cá sấu” Quỳnh Nga đang hát thì rơi micrô, và khi micrô rơi rồi thì lạ lùng thay tiếng hát vẫn vang vọng tứ bề. Nói một cách huỵch toẹt thì Quỳnh Nga đã hát nhép, và chính vì hát nhép mà cô nàng đã nhận phải vô số chỉ trích từ dư luận, bất chấp việc cô đã đăng đàn xin lỗi công khai.

Thế nhưng câu chuyện “hát nhép” đại phản cảm này nào phải là chuyện của một mình “cá sấu”. Trái lại, nó là chuyện chung, chuyện lớn, thậm chí từ vài năm nay đã trở thành một thứ “đại dịch thời đại” của thị trường ca nhạc này. Vì đại dịch đó mà người nghe nhạc luôn phải sống trong cảm giác “thật thật - giả giả” rất ư là khó chịu. Cũng vì đại dịch đó mà niềm tin của công chúng vào giới ca - nhạc sĩ (trong đó có cả những ca - nhạc sĩ lẫy lừng) mỗi lúc một giảm sút.

Tới đây, hãy trở lại với vụ hát sai của Mỹ Linh để thấy rằng khi diva hát sai và khi cái sai được lộ diện tức thời trước đông đảo người nghe thì cũng là khi người ta thấy Mỹ Linh đã hát thật - chứ không hề hát nhép. Ở chỗ này hẳn sẽ có người vặn “hát sai lời chắc gì đã là không hát nhép?”, bởi nếu cái sai diễn ra trong tự thân lời hát nhép thì sao? Tuy nhiên, nếu biết rằng bài hát Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui đã từng được Mỹ Linh thể hiện trước đó, và ở những lần thể hiện đó không hề có chuyện hát sai thì dĩ nhiên vụ “hát sai” lần này phải là một sự cố của... hát thật.

2. Với ai không biết, chứ với riêng tôi, khi vô tình xác minh được cô ca sĩ này đã hát thật trong một đời sống âm nhạc đầy rẫy những sự giả thì tất cả những nghi ngờ trước đó của tôi với cô đã hoàn toàn bị đánh sập. Và khi những nghi ngờ bị đánh sập, khi cái cảm giác thật thật - giả giả rất khó chịu cuối cùng đã được xác minh thì cũng là khi tôi chợt tìm thấy thêm một dấu hiệu để tin trong một đời sống âm nhạc mà chữ “tin” vốn cứ bị vắt vẻo giữa hai bến bờ hư - thực. (Đấy chính là lý do khiến tôi “cảm ơn” cô về vụ... hát sai này).

Tất nhiên, đã nói thì cũng phải nói cho hết nhẽ: đối với một ca sĩ thì hát sai là một biểu hiện vi phạm nghiêm trọng chuyên môn nghề nghiệp, còn hát nhép lại là một biểu hiện vi phạm nghiêm trọng đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.

Thế nên cũng chẳng hay ho gì khi buộc phải căn cứ vào một “biểu hiện vi phạm chuyên môn” để xác minh xem có hay không có chuyện vi phạm lương tâm và đạo đức. Nhưng khi chúng ta không có một môi trường lý tưởng - cái nôi sản sinh ra những “công cụ đo lường” lý tưởng, và khi mà sự tăng tiến về tiền bạc dường như đang tỉ lệ thuận với sự sa sút về đạo đức trong giới nghệ sĩ, thì việc phải sử dụng những thứ nhiệt kế “bẩn vừa vừa” để xác minh cho cái sự “bẩn nghiêm trọng” là một điều đáng tiếc.

3 .Nó cũng giống với việc khi đi mua rau, không ai thích nhìn thấy con sâu trên mớ rau, nhưng nhiều người cứ phải dặn dò nhau phải cố chọn mớ rau có sâu để biết chắc rằng mớ rau ấy không bị phun thuốc trừ sâu.

Ở đời, đôi khi chúng ta cũng phải học cách chấp nhận những cái không tốt để nhận diện những cái tệ hại hơn so với nó. Nhưng, sống ở đời mà cứ phải dùng đến thứ “thuốc thử” tiêu cực đó thì đau đớn quá.

PHAN ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên