12/05/2011 07:23 GMT+7

Chậm chân mua tranh quý

PHAN THANH HẢI (phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)
PHAN THANH HẢI (phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

TT - Xung quanh thông tin "Bộ tranh quý về triều Nguyễn chào bán tại Mỹ" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 1-5-2011), phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với nhà sách Eric Chaim Kline ở Santa Monica (California, Mỹ) - nơi chào bán các bức họa thể hiện lễ phục tế Nam Giao thời Nguyễn - và nhận được một số thông tin đáng lưu ý.

Read this on Tuoitrenews.vn

TSH9zqGc.jpgPhóng to

Một bức họa vẽ hai vị quan trong lễ phục màu cam, đầu đội mũ ô sa ngồi đối diện nhau - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn cung cấp

Theo đó, chị Debra Lemonds của nhà sách cho biết bộ tranh đã được bán. Và ngay sau đó, bộ tranh này được bán đi một lần nữa cho một nhà sưu tập mà phía Eric Kline hiện không biết thông tin.

Ðại diện nhà sách Eric Chaim Kline (một địa chỉ có tiếng về sách cổ và sách hiếm suốt 30 năm qua ở California, hiện có khoảng 150.000 đầu sách quý) thừa nhận đây là bộ tranh rất ấn tượng về hình ảnh và bày tỏ hi vọng bộ sưu tập sẽ trở về VN một ngày nào đó. Tìm hiểu của Tuổi Trẻ cho thấy thông tin về bộ tranh quý này đã được đưa từ tháng 3 ở Mỹ(http://sanfordlsmith.wordpress.com/2011/03/).

Bộ tranh có tên Lễ phục của triều đình An Nam (Grande tenue de la Cour d’Annam, Nam Giao Manuscript) gồm 54 bức được vẽ bằng màu nước hết sức sống động, tất cả đều trong tình trạng khá hoàn hảo. Một số bức có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước, phẩm hàm của những nhân vật được vẽ. Tranh được tác giả mang tên Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế tháng 12-1902, đúng 100 năm sau ngày triều Nguyễn được thiết lập.

Lỡ cơ hội sở hữu bộ tranh quý, ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết rất tiếc và cảm thấy hụt hẫng tương tự lần mua không được bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi trước đó (Tuổi Trẻ ngày 26-11-2010). Theo ông Hải, ngay sau khi nhận được thông tin từ TS Trần Ðức Anh Sơn và từ thông tin trên báo Tuổi TrẻCuối Tuần, trung tâm đã liên hệ với phía chủ bộ tranh rao bán, song đáng tiếc là bộ tranh đã được bán đi. Ngay sau đó trung tâm cũng đã cố gắng liên lạc để đề nghị người bán cung cấp thêm thông tin về người mua - vốn giấu tên, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

* Nhà đấu giá Nagel Aution ở Frankfurt (Ðức) vừa bán đấu giá hai bức tranh trong bộ tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ. Theo thông tin từ catalogue của Hãng đấu giá Nagel Aution, đây là bộ tranh gồm sáu bức do bốn họa sĩ cung đình nhà Thanh là Jia Quan, Yao Wenhan, Ilantai và Yang Dazhang vẽ trong hai năm 1789-1790.

Tuy tên bộ tranh là Bình định An Nam đắc thắng đồ mô tả cuộc xâm lược nước ta của nhà Thanh, nhưng đây lại là bộ tranh vua Càn Long cho vẽ để tặng vua Quang Trung nhằm tỏ tình hữu hảo nhân dịp phái bộ do vua Quang Trung (mà nhiều nguồn sử liệu cho là vua Quang Trung giả) dẫn đầu sang giao hảo sau khi đánh bại đạo quân xâm lược của nhà Thanh. Vì thế, trong bộ tranh này có bức tranh thứ tư mang tên Nguyễn Huệ khiển hảo. Trên sáu bức tranh này đều có dòng chữ Hán: Càn Long Kỷ Dậu trọng thu ngự bút do chính tay vua Càn Long ngự đề.

Hai bức tranh này được nhà ngoại giao người Ðức là Dobrikow sưu tập tại Trung Hoa giai đoạn 1900-1928. GS Thomas Ubrich - chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật cổ châu Á, chủ tịch Hiệp hội Trao đổi văn hóa Leibniz, Ðức - cho biết hai bức tranh được bán với giá 16.000 EUR, cộng thêm phí cho nhà đấu giá và thuế VAT là 4.000 EUR, tổng cộng giá thành là 20.000 EUR, tương đương 30.000 USD. Theo nhận định của TS Trần Ðức Anh Sơn (nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế): "Ðây là một bộ tranh rất thú vị, chứa đựng nhiều vấn đề lịch sử có liên quan đến mối bang giao lạ lùng giữa Càn Long và Quang Trung và giá bán như vậy là hoàn toàn có thể chấp nhận được".

bVHhABpL.jpgPhóng to
b8Yn1qm3.jpg

Hai trong số sáu bức tranh Bình định An Nam đắc thắng đồ vừa được bán tại Đức - Ảnh: Nagel Aution

THANH TUẤN - THÁI LỘC

Sưu tầm cổ vật: Nhà nước luôn chậm hơn tư nhân

Hầu hết công tác sưu tầm cổ vật đều mới thực hiện ở trong nước và thường phải có kế hoạch, có dự toán và thẩm định về kinh phí của cơ quan chức năng. Cũng có trường hợp có được cổ vật từ nước ngoài nhưng là do nguồn hiến tặng. Những thủ tục mua bán, sưu tầm cổ vật hiện nay còn nhiều điểm bất cập vì phải qua nhiều khâu, phải có chủ trương, phải qua hội đồng thẩm định giá và hầu như chưa được chủ động nguồn. Vì vậy Nhà nước bao giờ cũng chậm hơn tư nhân trong việc sưu tầm cổ vật. Vả lại, chúng tôi chưa có tiền lệ tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài và chúng tôi rất mong điều này sẽ được khắc phục sớm.

Để khắc phục vấn đề này, các cơ quan chuyên môn (hệ thống bảo tàng, cơ quan văn hóa) cần chủ động đề xuất những chính sách và giải pháp phù hợp với tình hình mới. Mặt khác cần có sự thay đổi trong các thủ tục mua bán, trao đổi cổ vật. Nhà nước cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với những người sưu tầm, mua bán cổ vật để nhanh chóng phát hiện và có nguồn thông tin đầy đủ, cần thiết về các cổ vật. Cần có chính sách khuyến khích lòng yêu nước của Việt kiều, doanh nhân để họ tham gia đấu giá cổ vật và hiến tặng lại cho Tổ quốc như cách làm khá thành công của Trung Quốc. Và cần thay đổi quan niệm về quyền sở hữu cổ vật, không chỉ Nhà nước sở hữu mới quan trọng mà làm sao để mọi người VN đều có thể tham gia và có thể sở hữu. Nếu cổ vật tại nước ngoài lọt vào tay một người VN nào đó mà không phải là Nhà nước thì cũng là điều rất đáng mừng.

PHAN THANH HẢI (phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên