![]() |
Trẻ em hào hứng trong cuộc thi tìm hiểu kiến thức từ sách - Ảnh: THU HÀ |
Từ 8g sáng 23-4, không khí tại sân nhà Thái Học trong Văn Miếu đã sôi nổi với sự có mặt của hàng ngàn độc giả yêu quý sách và đọc sách hằng ngày. Rất đông gia đình mang theo con cái đến để tham gia những cuộc thi vui về sách. Càng trưa người đến càng đông, bất chấp cái oi nồng của thời tiết Hà Nội vào hè. Lúc 10g, sự đông đúc lên đến cực điểm vì đã bắt đầu vào giờ vàng tặng sách.
Trước mỗi quầy sách của các nhà sách và nhà xuất bản Thái Hà Books, Trí Việt, Liên Việt, Trẻ, Kim Ðồng... hàng trăm bạn đọc đủ già trẻ trai gái, nhưng đông nhất vẫn là sinh viên kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt được tặng sách. Một chút chen lấn đã xảy ra nhưng ai đó đã hô to: "Học tập Nhật Bản nào, người đọc sách văn minh không chen lấn nhé". Lập tức hàng người giãn ra một chút, thẳng lại, tiếng lao xao lắng xuống. Nhưng hàng vẫn dài, rất dài. Trời thì nắng, còn sân nhà Thái Học đủ rộng cho những cuộc bình thơ bình văn lại quá chật cho hàng ngàn người xếp hàng đợi đến lượt được nhận sách tặng.
Cùng lúc trên sân khấu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hữu Việt và tiến sĩ tâm lý giáo dục Thụy Anh - người sáng lập CLB Ðọc sách cùng con - đang chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những cảm nhận của mình về sự đọc xưa và nay, về những tác giả mà thời trẻ họ say sưa đọc nhưng nay con họ không còn biết đến tên tuổi nữa, về việc sách ra nhiều, bán được nhiều nhưng văn hóa đọc lại biến hóa không theo chiều hướng tốt...
Và có một tâm sự của ông chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên: "Trước mặt chúng ta đây đang có rất đông người dự hội sách. Lẽ ra phải vui nhưng chúng tôi lại thấy buồn. Tôi tự hỏi nếu không có sách miễn phí và sách giảm giá thì bạn đọc có đến nhiều như vậy không? Ðọc sách tất nhiên là đáng quý, nhưng còn quý hơn nữa nếu mỗi người đọc đều có thể mua những cuốn sách mà mình muốn đọc, chứ không chỉ đợi để được tặng miễn phí".
Tất nhiên, những người xếp hàng trên sân nhà Thái Học không có lỗi gì trong nỗi buồn của nhà phê bình. Mỗi người trong số họ đều yêu quý sách và những kiến thức thu nhận từ sách. Họ cũng rất trân trọng và nâng niu món quà được tặng, họ đã kiên nhẫn đứng xếp hàng giữa trời nắng chang chang. Hầu hết đều là sinh viên, và sinh viên chưa bao giờ đồng nghĩa với dư dả...
Nhưng nhà phê bình có lý do chính đáng để buồn: một nền văn hóa đọc lành mạnh chỉ có thể phát triển trên một nền tảng là một thị trường sách lành mạnh, nơi những giá trị tinh thần và vật chất được trao đổi một cách sòng phẳng và hợp lý, để giá sách không quá ngất ngưởng với số đông người mua, số lượng bản in không bó hẹp ở con số 1.000-2.000 bản vì bị sách lậu qua mặt. Và từ đó dẫn đến hệ quả quan trọng nhất, mỗi người đọc dù thu nhập thấp nhất vẫn có được thói quen mua sách đều đặn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận